Khám phá công dụng lá sầu đâu mà ít người biết

(VOH) - Cây sầu đâu hiện có tên trong danh sách dược liệu của Việt Nam. Nhiều bộ phận của cây được ứng dụng làm thuốc, nhất là lá sầu đâu. Bài viết này sẽ giúp bạn tìm hiểu về tác dụng của lá sầu đâu.

1. Cây sầu đâu là cây gì ?

Cây sầu đâu có nhiều tên gọi khác nhau như sầu đông, nim hay neem, xoan sầu đâu, xoan ăn gỏi, xoan trắng, xoan chịu hạn, xoan Ấn Độ,… tên khoa học là Azadirachta indica. Cây sầu đâu thường mọc hoang ở các rừng thưa, nó cũng được trồng trong các vườn quốc gia ở các tỉnh phía Nam.

Cây sầu đâu được trồng và sử dụng làm cây che bóng mát. Gỗ đắng nên ít bị sâu bọ phá hoại. Tất cả các bộ phận của cây đều chứa một chất nhựa đắng, gọi là Azedarin hay Margosin.

kham-pha-cong-dung-la-sau-dau-ma-it-nguoi-biet-voh

Lá sầu đâu dùng làm gỏi (Nguồn: Internet)

Ở Việt Nam và các nước khác (Campuchia, Thái Lan, Ấn Độ), người dân dùng hoa và lá sầu đâu để luộc ăn. Lá sầu đâu còn là nguyên liệu chính để làm món gỏi sầu đâu. Lá sầu đâu có màu xanh, tính mát, có vị đắng nhưng không khó chịu.

Các dạng bào chế lá sầu đâu phổ biến hiện này gồm: bột lá sầu đâu, lá tươi, chiết xuất từ vỏ cây, dầu lá sầu đâu.

2. Lá sầu đâu có tác dụng gì?

Lá sầu đâu ngoài được ứng dụng trong ẩm thực thì nó còn mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe và đời sống hàng ngày. Cụ thể:

2.1 Công dụng lá sầu đâu đối với sức khỏe

Lá sầu đâu được khoa học chứng minh có tác dụng hữu hiệu trong việc phòng ngừa và chữa trị bệnh. Từ xưa, người Ấn Độ đã dùng lá sầu đâu để làm thuốc hạ đường huyết, chống viêm, chống ung thư, kháng khuẩn, kháng nấm, chữa sốt rét.

Ngoài ra, tác dụng lá sầu đâu còn giúp chống oxy hóa tế bào và kháng các tác nhân gây đột biến gen hoặc ung thư. Bên cạnh đó, lá sầu đâu còn có thể trị được các bệnh như tiểu đường, chứng ngứa âm hộ, mụn nhọt, ghẻ, bệnh nướu răng và các vấn đề về gan…

Các nghiên cứu cho thấy, lá sầu đâu rất hiệu quả trong việc giảm bớt nồng độ glucose trong cơ thể. Nó cho phép tuyến tụy tiết insulin, khiến lượng đường trong máu được kiểm soát trong mức cho phép.

Các nước Ấn Độ, Mỹ, Hà Lan, Nhật,… đã điều chế sản xuất lá sầu đâu thành các dạng thuốc (dạng viên) để chữa loét bao tử, bệnh đường ruột, sán lãi,… hoặc các dạng trà thuốc, dạng kem và các mỹ phẩm thoa da chữa ghẻ, mụn nhọt, lang ben, hắc lào, xà bông tắm sát khuẩn ngoài da,…

Nước sắc của lá sầu đâu còn dùng để chữa viêm nha chu, viêm nướu, sâu răng, chữa viêm khớp.

kham-pha-cong-dung-la-sau-dau-ma-it-nguoi-biet-voh

Lá sầu đâu hỗ trợ chữa nhiều bệnh lý khác nhau (Nguồn: Internet)

2.2 Công dụng lá sầu đâu trong đời sống sinh hoạt

Lá sầu đâu có tính chất diệt côn trùng, theo kinh nghiệm dân gian, người ta thường cho lá sầu đâu vào chum đựng các loại hạt ngũ cốc, gạo,… để tránh phát sinh nấm, sâu mọt hoặc dùng nước sắc lá sầu đâu (4kg lá trong 10 lít nước) phun lên lá cây bị sâu bọ ăn hại. Ngoài ra, một số người còn cho lá sầu đâu lên các kệ sách, giá sách để trừ mọt, mối gây hại.

3. Lá sầu đâu trị bệnh gì ?

3.1 Bài 1: Trị đau nhức và bệnh ngoài da

Dùng 100g lá sầu đâu ngâm vào 100g cồn 90 độ trong 24 giờ, sau đó thêm 100g dầu dừa, chưng cách thủy trong 3 giờ. Bạn sẽ thu được dầu xanh lục dùng để xoa bóp trị đau nhức và trị bệnh ngoài da (mụn nhọt, sưng…).

3.2 Bài 2: Hỗ trợ kiểm soát bệnh tiểu đường

Người bị tiểu đường có thể dùng 5 – 10 lá sầu đâu tươi hoặc phơi trong mát cho héo rồi đun sôi lấy nước uống mỗi ngày. Nước thuốc có vị rất đắng như sau khi uống bạn sẽ cảm nhận được vị ngọt.

3.3 Bài 3: Lá sầu đâu trị bệnh ghẻ

Công dụng lá sầu đâu có thể giúp diệt khuẩn, giết chết các ký sinh trùng gây bệnh và làm lành vết thương nhanh chóng. Đối với người bị bệnh ghẻ thì dừng 20 - 25 lá sầu đâu rồi nghiền nát, thêm 1 muỗng cà phê dầu mù tạt và 2 muỗng cà phê bột nghệ rồi trộn đều lên. Thoa hỗn hợp vừa làm lên vết ghẻ, giữ nguyên trong khoảng 1 giờ đồng hồ rồi rửa lại qua nước ấm. Bôi đều hằng ngày tới khi vết thương lành hẳn.

4. Cách làm gỏi lá sầu đâu

Món gỏi lá sầu đâu là món đặc sản của miền tây là sự kết hợp của vị đắng của lá sầu đâu và vị mặn của khô cá sặc. Món ăn mang hương vị độc đáo, kích thích vị giác, khiến nhiều người yêu thích.

4.1 Nguyên liệu

  • Lá sầu đâu non: 50gr
  • Khô cá sặc: 1 con
  • Thịt ba rọi: 200gr
  • Dưa leo: 1 trái
  • Dứa: 1/4 trái
  • Xoài xanh: 1 trái
  • Ngò gai, rau răm: 100gr
  • Tỏi: 3 tép
  • Ớt tươi: 2 trái
  • Các gia vị khác như: dầu ăn, bột nêm, mắm, đường và tiêu.

4.2 Cách làm

Lá sầu đâu thì rửa sạch, đun sôi nước nóng bỏ vào ít muối và chần sơ lá sầu đâu trong nước nong xong vớt để vào tô nước đá để giữ được độ tươi của lá và giảm vị đắng.

Cá sặc thì đem đi ngâm nước muối loãng vài rút rồi vớt ra để ráo, tiếp đến bắc chảo dầu, đợi khi dầu nóng thì cho khô cá sặc vào chiên cho vàng đều 2 mặt rồi vớt ra và xé nhỏ.

Thịt ba rọi rửa sạch rồi luộc chín, bỏ thêm ít muối vào nước. Sau khi luộc xong thì vớt ra thái thành nhiều lát mỏng. Xoài rửa sạch, gọt vỏ và thái sợi, còn dưa leo, thơm thì thái lát mỏng. Tiếp đến băm nhỏ rau ngò gai, rau răm và tỏi đã bóc vỏ.

Pha nước trộn gỏi với công thức sau: Cho 100gr me chín vào 1/2 chén nước ấm, đợi me ra và tán đều lấy nước cốt. Sau đó cho thêm 3 muỗng cà phê mắm, 4 muỗng cà phê đường, 10ml dầu ăn, tỏi và ớt băm nhỏ bỏ vào trộn đều.

Bày nguyên liệu thịt luộc, khô cá sặc, rau củ ra tô lớn xong đổ nước trộn gỏi vào và trộn đều. Sau khi trộn xong thì bày ra dĩa thêm rau răm, ngò gai lên trên, món này có thể ăn kèm với cơm trắng hoặc bánh tráng.

5. Tác dụng phụ khi sử dụng cây sầu đâu

Mặc dù các công dụng lá sầu đâu có thể chữa được nhiều bệnh nhưng nó vẫn chứa nhiều tiềm ẩn gây hại cho sức khỏe nếu sử dụng đúng cách. Việc sử dụng quá nhiều cũng sẻ gây hại cho sức khỏe và sẽ bị các vấn đề như buồn nôn, rối loạn máu, tiêu chảy, mất ngủ,....

Xem thêm: Cẩn trọng với tác dụng phụ của lá neem (lá sầu đâu)

6. Những lưu ý khi sử dụng lá sầu đâu

Theo nghiên cứu, các loại sầu đâu đều có dược tính, tuy đem lại lợi ích trị bệnh khá nhiều nhưng độc tính cũng cao. Nếu không am hiểu cụ thể về lá sầu đâu thì bạn không nên tự ý dùng để điều trị bệnh. Bởi nếu sử dụng không đúng và quá liều sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

Bên cạnh đó, bạn cũng không nên dùng lá sầu đâu để ăn sống mỗi ngày, đặc biệt không nên ăn cùng lúc quá nhiều vì độc tố sẽ vượt khả năng chịu đựng của cơ thể. Tốt nhất, khi muốn chữa bệnh bằng lá sầu đâu, hãy đến gặp các thầy thuốc và được chỉ định bài thuốc thích hợp.