Khí phế thũng là bệnh gì?

(VOH) - Khí phế thũng là bệnh thuộc đường hô hấp dưới, bệnh kéo dài có thể khiến người bệnh thở ngày càng khó khăn hơn. Vậy làm sao để nhận biết sớm căn bệnh này và nên chữa trị như thế nào?

Khí phế thũng là gì?

Khí phế thũng là một bệnh thuộc về đường hô hấp dưới. Bệnh xảy ra do giảm khả năng đàn hồi, thậm chí làm mất khả năng hồi phục thành của các tiểu phế quản và phế nang do viêm nhiễm kéo dài.

Khí phế thũng là hậu quả của các bệnh lý hô hấp mạn tính như bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), hen phế quản. Bệnh thường gặp ở những người hút thuốc lá, thuốc lào lâu năm với số lượng nhiều và thường chỉ gặp ở những người lớn tuổi. 

khi-phe-thung-la-benh-gi-voh

Khí phế thũng là bệnh lý ở phổi, chủ yếu do hút thuốc lá (Nguồn: Internet)

Nguyên nhân gây bệnh khí phế thũng

Nguyên nhân gây nên khí phế thũng rất đa dạng, nhưng nổi bật nhất là các nguyên nhân sau đây:

  • Viêm phế quản mãn tính

Viêm phế quản kéo dài do thường xuyên tiếp xúc với các chất kích ứng, hóa chất có hại và các vi sinh vật trong không khí là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến bệnh khí phế thũng. Các hóa chất độc hại có thể gồm thuốc lá, thuốc lào, khói của các chất đốt từ than đá, khói bếp. Ngoài ra, virus, vi khuẩn, nấm cũng là tác nhân gây viêm phế quản mãn tính. 

  • Hen phế quản

Hen phế quản kéo dài sẽ làm căng dãn các túi khí quá mức và liên tục dẫn đến việc mất tính đàn hồi của phế nang và các tiểu phế quản, điều này cũng gây nên bệnh khí phế thũng.

  • Biến dạng lồng ngực bẩm sinh

Sự chít hẹp phế quản gây tắc nghẽn đường dẫn khí, không khí bị ứ lại bên trong phổi gây nên khí phế thũng. 

  • Bệnh lý di truyền

Cơ thể thiếu một loại protein có tên là AAT (Anpha 1-Antitripsin) – một loại protein có tác dụng bảo vệ các cấu trúc của phổi tránh tác động của một số men (enzym), cũng có thể là nguyên nhân gây bệnh khí phế thũng. 

Ngoài ra, bệnh khí phế thũng còn có thể do nghề nghiệp như làm nghề thổi kèn (nhạc công), công nhân thổi bóng đèn thủy tinh hoặc bị bệnh bụi phổi do làm việc trong hầm lò.

Dấu hiệu nhận biết bệnh khí phế thũng

Có thể nhận biết bệnh khí phế thũng qua những triệu chứng sau đây:

  • Khó thở: Đây là triệu chứng thường gặp nhất ở bệnh nhân khí phế thũng. Khó thở thường xảy ra khi bệnh nhân mang vác vật nặng, lên cầu thang hoặc làm việc nặng, quá sức, mệt mỏi. Khó thở có thể tăng lên khi nằm hoặc đang mắc một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp nào đó, nhất là nhiễm trùng đường hô hấp dưới (viêm phế quản, viêm phổi, áp xe phổi,…).
  • Môi người bệnh thường tím tái do thiếu oxy.
  • Lồng ngực biến dạng (lồng ngực có dạng hình thùng).
  • Khi bệnh đã nặng có thể bị phù, gan to, tĩnh mạch cổ nổi.

Để chẩn đoán bệnh khí phế thũng, ngoài các triệu chứng lâm sàng trên, người bệnh cần làm xét nghiệm máu ngoại vi, đo chức năng hô hấp, chụp Xquang phổi, tốt hơn là chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc cộng hưởng từ (MRI).

Vì vậy, khi có những triệu chứng trên, bạn nên đến bệnh viện để kiểm tra, thăm khám, thực hiện một số xét nghiệm để chẩn đoán xem có mắc bệnh khí phế thũng hay không. Nếu có thì nên tiến hành điều trị vì bệnh khí phế thũng không được điều trị có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như tâm phế mạn tính, suy hô hấp, tràn khí màng phổi (do vỡ bóng khí) gây tắc nghẽn động mạch phổi rất nguy hiểm cho tính mạng.

Các biện pháp điều trị khí phế thũng

Không có cách nào để chữa khỏi hoàn toàn bệnh khí phế thũng. Việc điều trị hiện nay chỉ dừng lại ở việc làm giảm nhẹ triệu chứng và làm chậm diễn tiến của bệnh. 

  1. Điều trị bằng thuốc

  • Thuốc giãn phế quản: Thuốc giãn phế quản tác dụng dài hay ngắn đều giúp cải thiện chức năng hô hấp của phổi, giảm khó thở lúc gắng sức và tăng khả năng hoạt động của người bệnh. 
  • Corticosteroid: Corticosteroid thường được kết hợp với các thuốc giãn phế quản giúp cải thiện khả năng gắng sức của bệnh nhân. Người bệnh có thể dùng Corticosteroid dạng hít.
  • Thuốc kháng sinh: Thuốc kháng sinh giúp đẩy lùi các đợt nhiễm trùng hô hấp cấp tính, giúp giảm nhẹ triệu chứng. 

khi-phe-thung-la-benh-gi-voh 

Khó thở là dấu hiệu nhận biết sớm bệnh khí phế thũng (Nguồn: Internet)

  1. Điều trị không dùng thuốc

  • Thở oxy liều thấp kéo dài

Biện pháp này giúp làm tăng khả năng gắng sức, làm chậm diễn tiến khí phế thũng, ngăn ngừa biến chứng tâm phế mạn và giúp kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân.

  • Phục hồi chức năng hô hấp

Các kỹ thuật thở như thở chúm môi giúp ích cho việc giảm thể tích khí ứ đọng trong phổi, quá trình hô hấp từ đó được dễ dàng hơn.

  • Phẫu thuật cắt giảm thể tích phổi

Kỹ thuật này hiệu quả với khí phế thũng khu trú thùy trên, cải thiện hoạt động của các cơ hô hấp và khả năng gắng sức của người bệnh. 

Phòng bệnh khí phế thũng bằng cách nào?

Các lối sống và biện pháp sau đây có thể giúp bạn phòng tránh được bệnh khí phế thũng:

  • Vệ sinh đường hô hấp trên là hết sức cần thiết. Cần vệ sinh họng, hầu, mũi, răng, miệng hàng ngày bằng hình thức đánh răng sau khi ăn và trước khi đi ngủ. 
  • Khi bị viêm đường hô hấp cần đi khám bệnh để được khám, điều trị dứt điểm.
  • Bảo hộ lao động tốt, tránh khói bụi, nhất là khói bếp (dùng bếp ít khói và cửa thông gió tốt).
  • Không hút thuốc lá.
  • Những nhạc công thổi kèn cần tập thở đều đặn hằng ngày (hít sâu, thở ra). 
  • Tập thể dục mỗi ngày và giữ chế độ ăn uống cân bằng để cải thiện sức khỏe và chức năng của phổi.
  • Cần phải thực hiện triệt để tiêm vắc-xin phòng bệnh lao (vắc-xin BCG) cho trẻ sơ sinh và cả cho những người chưa có miễn dịch chống vi khuẩn lao.

Tài liệu tham khảo:

  1. Trang suckhoedoisong.vn, cơ quan ngôn luận của Bộ Y tế
  2. Trang hellobacsi.com 
  3. Trang vinmec.com
Phù phổi cấp: Nhận biết và điều trị: Phù phổi cấp có thể làm giảm sự trao đổi khí và có thể dẫn đến suy hô hấp. Vậy có cách nào để phòng tránh tình trạng này không?
Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính: ‘thủ phạm’ gây bệnh và cách điều trị: Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính là bệnh hô hấp gây khó thở vì đường thở bị hẹp lại. Vậy ngoài khó thở, người bệnh còn phải chịu những hậu quả gì khi mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.