Khoáng chất iot là gì và 5 vai trò của iot trong cơ thể con người

(VOH) – Là một trong những khoáng chất vi lượng mà các chuyên gia dinh dưỡng luôn khuyến cáo phải bổ sung đầy đủ hàng ngày nhưng có lẽ không hẳn ai cũng hiểu rõ vai trò của iot đối với cơ thể.

Thông thường khi nhắc tới iot, chắc hẳn phần lớn chúng ta sẽ nghĩ đến muối iot, thường dùng để nêm nêm khi chế biến món ăn. Tuy nhiên ngoài loại gia vị này, liệu chúng ta có thể tìm thấy vi chất iot ở đâu và tại sao phải đảm bảo cung ứng đủ lượng mỗi ngày? Cùng tìm hiểu rõ hơn ngay sau đây nhé!

1. Iot là gì?

Iot là một nguyên tố hóa học vi lượng, (có gốc từ tiếng Hy Lạp Iodes, nghĩa là "tím") có tên gọi chính thức theo Hiệp hội Quốc tế về Hóa Lý thuyết và Ứng dụng là Iodine. Chính vì thế, tuy là một chất khoáng cực kì cần thiết, hỗ trợ thực hiện hàng loạt phản ứng sinh hóa nhưng cơ thể con người hoàn toàn không thể tự tổng hợp được nguyên tố này mà phải hấp thu từ những nguồn bên ngoài như thực phẩm hoặc thuốc điều chế.

khoang-chat-iot-la-gi-va-5-vai-tro-cua-iot-trong-co-the-con-nguoi-voh-0
Iot là một nguyên tố vi lượng mà cơ thể con người không thể tự sản xuất (Nguồn: Internet)

2. Vai trò của iot đối với cơ thể con người

Dưới đây là những vai trò của iot đối với cơ thể con người lý giải vì sao trong quá trình xây dựng thực đơn dinh dưỡng mỗi chúng ta đều phải chú ý bổ sung đủ lượng vi chất này:

2.1 Duy trì hoạt động tuyến giáp

Tác dụng của iot giúp tổng hợp các hormone tuyến giáp và duy trì hoạt động bình thường của tuyến giáp, trực tiếp tham gia vào quá trình tổng hợp thyroxine (T4) và triiodothyronine (T3). Việc điều tiết cũng như sản sinh đầy đủ hai hormone quan trọng này chính là yếu tố “then chốt” giúp hạn chế tối đa nguy cơ mắc các bệnh lý liên quan đến tuyến giáp như suy giáp, bướu cổ, cường giáp hay ung thư tuyến giáp,…

Xem thêm: Mức độ nguy hiểm của các bệnh lý tuyến giáp, ai cũng nên biết

2.2 Cân bằng năng lượng của cơ thể

Nhiều nghiên cứu y khoa nhận thấy rằng iot có tác dụng hỗ trợ quá trình chuyển hóa và duy trì năng lượng của cơ thể một cách điều độ hơn. Nhờ vào sự hiện diện của các hormone tuyến giáp, nhiệt độ cơ thể sẽ được cân bằng ở mức bình thường và ổn định lượng đường trong máu. Ngoài ra, khi cơ thể cần nạp năng lượng, những hormon này sẽ huy động nguồn năng lượng từ chất béo dữ trữ cũng như các chất dinh dưỡng khác.

2.3 Thúc đẩy sự phát triển của các cơ quan khác

Bên cạnh tuyến giáp, iot cũng đánh giá là một chất xúc tác gần như không thể “vắng mặt” trong quá trình hoàn thiện tế bào và duy trì chức năng của nhiều hệ cơ quan khác như hệ thần kinh, hệ vận động, hệ tuần hoàn hay hệ tiêu hóa.

2.4 Đối với sức khỏe bà bầu và thai nhi

Vai trò của iot đối với sức khỏe bà bầu và thai nhi luôn được đánh giá cực kì cao. Điều này là bởi trong thời kì mang thai, lượng iot sau khi vào cơ thể sẽ tăng cường sản xuất hormone tuyến giáp, nhằm đáp ứng cho nhu cầu hormone của mẹ bầu đã tăng lên từ 2 – 3 lần so với bình thường.

Đặc biệt, lượng hormone này sẽ đi qua nhau thai để chuyển tới thai nhi, đảm bảo hoàn thiện tuyến giáp của con ở giữa thai kì, phòng ngừa nguy cơ bị suy giáp bẩm sinh hay mắc các khiếm khuyết não bộ.

Xem thêm: Iot – khoáng chất cần thiết cho mẹ bầu và thai nhi, nhưng... bổ sung bao nhiêu là đủ?

2.5 Đối với sự phát triển của trẻ em

Không chỉ góp phần quan trọng đối với việc nuôi dưỡng thai nhi khỏe mạnh suốt “9 tháng 10 ngày” trong bụng mẹ, iot cũng được xếp vào nhóm chất dinh dưỡng thiết yếu giúp thúc đẩy sự phát triển và tăng trưởng toàn diện ở trẻ nhỏ sau khi chào đời. Theo đó, khoáng chất iot là thành tố cần thiết để củng cố kết nối vững chắc giữa các tế bào thần kinh, phát triển khả năng nhận thức và các giác quan.

khoang-chat-iot-la-gi-va-5-vai-tro-cua-iot-trong-co-the-con-nguoi-voh-1
Iot được đánh giá là thành tố cực kì quan trọng thúc đẩy sự phát triển não bộ, khả năng nhận ở trẻ nhỏ (Nguồn: Internet)

3. Nhu cầu iot hàng ngày của cơ thể

Nhu cầu iot hàng ngày sẽ thay đổi tùy theo độ tuổi, giới tính và đôi khi còn phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe hiện tại của chúng ta. Lượng iot được khuyến nghị cụ thể như sau:

  • Từ 0 – 6 tháng tuổi: 110mcg/ngày
  • Từ 7 – 12 tháng tuổi: 130mcg/ngày
  • Trẻ em dưới 8 tuổi: 90mcg/ngày
  • Trẻ em từ 9 – 13 tuổi: 120mcg/ngày
  • Người trưởng thành: 150mcg/ngày
  • Phụ nữ đang mang thai: 220mcg/ngày
  • Phụ nữ đang cho con bú: 290mcg/ngày

4. Thiếu iot – thừa iot ảnh hưởng sức khỏe thế nào?

Dù chỉ là một chất dinh dưỡng chiếm tỉ lệ rất nhỏ, song có thể thấy rằng iot đảm nhiệm khá nhiều vai trò “nòng cốt” trong cơ thể. Vì thế nếu không cung ứng đủ và đúng lượng khoáng chất iot, dẫn tới thiếu iot - thừa iot đều có thể làm nguy cơ mắc phải những rủi ro sức khỏe nghiêm trọng, đặc biệt liên quan đến tuyến giáp

Lúc này, nếu chú ý quan sát, bạn sẽ nhận thấy khá nhiều triệu chứng bất thường xuất hiện để “cảnh báo”. Bạn có thể trở nên mệt mỏi, mất sức, không còn hứng thú với các món ăn, tăng hoặc giảm cân đột ngột ngay cả khi không thực hiện một chế độ ăn uống nghiêm ngặt nào. Lời khuyên là hãy nhanh chóng tới thăm khám, kiểm tra tại các cơ sở y tế để được chẩn đoán chính xác mức độ thừa hoặc thiếu iot, từ đó kịp thời khắc phục và điều chỉnh đủ lượng iot mà cơ thể cần.

Xem thêm: ‘Cảnh báo’ 6 rủi ro sức khỏe này khi cơ thể thừa iot – thiếu iot

5. Một số thực phẩm giàu iot nên biết

Để cung ứng thêm khoáng iot cho cơ thể, chúng ta có thể thông qua hai phương pháp phổ biến nhất là bổ sung thực phẩm giàu iot và dùng thuốc bổ sung iot.

Nhưng điều cần lưu ý ở đây là nếu muốn uống các loại thuốc bổ sung iot như iđoua hay lothothyroxine, bạn phải tham vấn ý kiến của bác sĩ chuyên khoa về liều lượng an toàn, phù hợp.

Cho nên cách thức bồi bổ bằng những thực phẩm giàu iot vẫn luôn được khuyến khích hơn cả. Cụ thể, cùng với việc nêm nếm khoảng 3 – 5g muối iot trong bữa ăn hàng ngày, bạn hãy kết hợp đa dạng, xen kẽ thực phẩm dồi dào iot như rong biển, cải bó xôi, lòng đỏ trứng, cá tuyết, cá ngừ,…khi lên thực đơn hàng ngày.

Xem thêm: Đâu chỉ có muối iot, đây là các thực phẩm giàu iot mà ít ai ‘để mắt’ tới

6. Cách dùng và bảo quản muối iot

Muối iot được sử dụng cũng giống như muối ăn bình thường, được dùng để nêm nếm món ăn, ướp thịt, cá, làm muối dưa cà hoặc làm muối chấm trái cây. Khi nấu ăn có thể thêm muối iot vào trước, trong hoặc sau khi nấu được vì hàm lượng iot sẽ không bị giảm đi trong quá trình chế biến và đủ để cung cấp cho cơ thể.

Muối iot chỉ cần bảo quản ở trong lọ thủy tinh hoặc hộp nhựa, để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp và không nên rang hoặc hủ muối quá gần bếp lửa vì iot rất dễ bị bay hơi.

Muối iot không làm thay đổi mùi vị món ăn khi thêm vào so với muối thường nên sẽ làm cho thức ăn trở nên ngon hơn. Bổ sung muối iot vào chế độ ăn uống hàng ngày cũng sẽ giúp ít trong việc phòng ngừa các vấn đề liên quan đến tình trạng thiếu iot.

Mong rằng những chia sẻ trên đây đã phần nào “gỡ rối” những băn khoăn của bạn về vai trò của iot với sức khỏe cũng như cách bổ sung an toàn, khoa học. Dẫu chỉ là một nguyên tố vi lượng song bạn đừng “lãng quên” mà hãy cố gắng hấp thu thật đầy đủ đấy nhé!