Không nên tự xếp loại F3, F4 dẫn đến hoang mang lo lắng

(VOH) - Việc lấy mẫu xét nghiệm sẽ được thực hiện theo trình tự phân loại tiếp xúc đảm bảo phát hiện kịp thời nếu có trường hợp lây nhiễm, khoanh vùng nhanh để sớm kiểm soát dịch bệnh.

Thực hiện công tác giám sát, chống dịch, với 4 trường hợp dương tính Sars–Cov–2 được xác định tại TPHCM là ca bệnh 1342, 1347, 1348, 1349, ngành y tế tiếp tục khẩn trương điều tra, truy vết, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp tiếp xúc với các ca dương tính.

Việc lấy mẫu sẽ được thực hiện theo trình tự phân loại tiếp xúc đảm bảo phát hiện kịp thời nếu có trường hợp lây nhiễm, khoanh vùng nhanh để sớm kiểm soát dịch bệnh. Cũng liên quan đến các trường hợp tiếp xúc ca bệnh thuộc diện F1, F2 nhiều người cũng chưa hiểu rõ, thậm chí tự cho mình là F3, F4 rồi hoang mang lo lắng.

Phóng viên VOH có cuộc phỏng vấn Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố nhằm chia sẻ rõ hơn về vấn đề này.

Không nên tự xếp loại F3, F4 dẫn đến hoang mang lo lắng
Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng. Ảnh: SGGP

*VOH: Thưa ông, với 4 trường hợp nhiễm Covid-19 trong công tác giám sát, truy vết, được biết Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố cũng đã mở rộng vùng tiếp xúc để đảm bảo truy vết đầy đủ, tránh bỏ sót. Nhân đây bác sĩ có thể cho biết F1 sẽ gồm những đối tượng như thế nào?

- Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng: F1 tức là tiếp xúc với trường hợp F0. F0 được xác định là ca bệnh hay ca nghi ngờ nhiễm bệnh. Trong quy định 3864 của Bộ Y tế về giám sát phòng ngừa bệnh Covid-19 không có quy định F0. Từ F0, F1, F2 là mình nói bên ngoài chứ trong văn bản không có quy định như vậy, mà chỉ có quy định gồm người nghi ngờ, người mắc bệnh, người tiếp xúc gần, người tiếp xúc với người tiếp xúc gần. Đối với những trường hợp chúng ta hay gọi là F1 là người tiếp xúc với người nghi ngờ mắc bệnh hay là người mắc bệnh.

Thực tế trong văn bản của Bộ Y tế quan tâm đến người tiếp xúc gần với ca bệnh, đó là những người ở chung gia đình, cùng sinh hoạt, cùng trong lớp học, cùng trong cuộc đi chơi, tham quan… Có cùng mức độ tiếp xúc gần gũi hoặc nói chuyện, trao đổi dưới 2 mét được xem là tiếp xúc gần. Đây là nhóm đối tượng nguy cơ có khả năng lây nhiễm trực tiếp từ người bệnh nên đây là nhóm đối tượng cần cách ly tập trung Thực tế khi điều tra truy vết chuỗi lây nhiễm Covid-19, chúng tôi căn cứ theo quy định của Bộ Y tế để xác định người tiếp xúc gần. Tùy theo mức độ, hoàn cảnh, hành vi người tiếp xúc mà chúng ta có thể mở rộng diện tiếp xúc gần một chút nữa. Như căn cứ vào tình hình hiện nay, chúng ta thực hiện theo chỉ đạo làm sao truy vết nhanh, rộng , đảm bảo không bỏ sót thì chúng ta mở rộng vùng tiếp xúc. Mở rộng những trường hợp tiếp xúc xa dù nguy cơ rất thấp nhưng vẫn được lấy mẫu xét nghiệm và thực hiện cách ly để đảm bảo chúng ta truy vết đầy đủ, không bỏ sót dẫn đến số lượng F1 gia tăng khá nhiều so với trung bình trước đây một trường hợp F0 có 100 trường hợp tiếp xúc gần.

*VOH: Việc mở rộng F1 như vậy thì F2 cũng gia tăng khá nhiều. Vậy thì F2 nên thực hiện khuyến cáo như thế nào trong bối cảnh hiện nay?

- Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng: Do chúng ta mở rộng F1 nên F2 cũng mở rộng hơn. Các trường hợp này cách ly tạm thời tại nhà, và tuân thủ quy định cách ly để chờ kết quả F1, nếu F1 âm tính sẽ giải tỏa nhóm F2.

*VOH: Việc cộng đồng cần làm nhất trong giai đoạn hiện nay là gì vì thực tế cũng có nhiều người tự xếp mình vào F3, F4 rồi hoang mang. Xin bác sĩ cho lời khuyên?

- Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng: Văn bản của Bộ Y tế cũng không đề cập đến những trường hợp tiếp xúc của tiếp xúc của tiếp xúc gần tức F3 chúng ta hay gọi. Chúng ta không đề cập đến nhóm này vì càng mở ra sẽ gây hoang mang cho mọi người. Quan trọng việc chúng ta làm là phải truy vết nhanh các trường hợp tiếp xúc gần, lấy mẫu cách ly để hạn chế chuỗi lây nhiễm. Nếu mẫu âm tính chúng ta sẽ giải tỏa F2. Dĩ nhiên không loại trừ tỷ lệ phần trăm nguy cơ nào hết, chúng ta cũng không nên tự xếp loại mình là F3, F4 rồi hoang mang lo lắng.

Ngay khi chúng ta không là F gì cả thì chúng ta vẫn phải tuân thủ thực hành các biện pháp phòng chống dịch đầy đủ đó là 5K. Chúng ta không nên quá hoang mang để cộng đồng lo lắng hơn. Đây là thông điệp rất quan trọng mà chúng tôi muốn nói để bà con, người dân hiểu chia sẻ. Chúng ta phải chủ động phòng bệnh trong mọi trường hợp chứ không phải đợi đến khi xếp vào nhóm F. Nếu nằm trong nhóm F1, F2 thì phải khai báo đầy đủ và thực hiện đúng những quy định ngành y tế hướng dẫn trong khai báo, thực hiện cách ly tập trung hay cách ly tại nhà theo quy định. Cái đó hết sức quan trọng. Còn cộng đồng thì lúc nào cũng phải tuân thủ hướng dẫn phòng bệnh chung.

*VOH: Cảm ơn bác sĩ!