Làm sao nếu trầm cảm tái phát nhiều lần?

(VOH) - Trầm cảm có nguy cơ tái phát rất cao, đợt sau nặng hơn đợt trước và có thể dẫn tới toan tính tự tử, tự tử thành công.

Trầm cảm dễ tái phát

Theo bác sỹ tâm lý Deborah Serani, một chuyên gia tâm lý tại Smithtown, New York, tác giả cuốn sách “Sống chung với bệnh trầm cảm” (Living with depression), người từng bị 2 đợt trầm cảm, thì nguy cơ tái phát sẽ tăng lên thành 80%.

Nếu từng bị 3 đợt trầm cảm, thì nguy cơ các triệu chứng quay trở lại sẽ là 90%, các yếu tố gây tái phát thường là những yếu tố rất cá nhân. Ví dụ như ngừng điều trị, sự ra đi của một người thân yêu, ngôi nhà lạnh lẽo – thiếu sự quan tâm của người thân, những sự kiện đau khổ, thay đổi hormone, các hành vi gây nghiện…

Trầm cảm có thể tái phát nếu các thành viên trong gia đình thiếu quan tâm, chăm sóc nhau.

Trầm cảm có thể tái phát nếu các thành viên trong gia đình thiếu quan tâm, chăm sóc nhau (Ảnh: ScienceNordic).

Một số yếu tố gây trầm cảm hoàn toàn có thể phòng tránh được. Mọi người nên học cách tự vượt qua những sự kiện hoặc trải nghiệm đau buồn một cách tốt nhất có thể bằng các cách sau:

*Suy nghĩ tích cực: hãy tự nói với bản thân mình rằng, rồi bạn sẽ ổn hoặc chỉ là bạn đang trải qua khoảng thời gian khó khăn, không có nghĩa là cuộc sống hoàn toàn bế tắc.

*Chăm sóc tốt bản thân: Việc nuôi dưỡng cảm xúc của bạn khi gặp phải các cảm xúc tiêu cực là rất quan trọng. Khi có dấu hiệu trầm cảm trở lại, hãy nghe nhạc, uống một ly trà với hương vị mà bạn yêu thích hoặc uống một ly cà phê, tắm nước ấm, thư giãn…

*Tiếp xúc với mọi người: việc muốn ở một mình khi căng thẳng là rất phổ biến, nhưng tự cô lập mình có thể sẽ làm tệ hơn các yếu tố gây trầm cảm. Do đó, hãy gặp gỡ bạn bè, người thân để được trò chuyện, chia sẻ.

Theo báo cáo Sức khỏe vị thành niên Thế giới 2014, trầm cảm là nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh tật và tàn tật ở độ tuổi vị thành niên (10-19 tuổi), quá nửa các rối loạn tâm thần xuất hiện trước tuổi 14 nhưng thường bị bỏ sót.

Theo Viện hàn lâm Tâm thần Nhi khoa Mỹ, khoảng 2% trẻ nhỏ và 4-8% vị thành niên mắc chứng trầm cảm, khoảng 6-10% trẻ em nói chung mắc chứng bệnh này. Trung bình cứ 10 trẻ thì có một bị trầm cảm khi lên 16 tuổi.

Trầm cảm là bệnh sức khỏe tâm thần trầm trọng, có thể ảnh hưởng tới trẻ rất nhỏ tuổi. Trẻ em từng bị một đợt trầm cảm có nguy cơ bị đợt tiếp theo trong vòng 5 năm.

>>> Tác hại của bệnh trầm cảm đối với trẻ em

Trầm cảm dễ tái phát ở trẻ em

Với trẻ nhỏ từng mắc bệnh trầm cảm, cha mẹ cần lưu ý, trầm cảm có thể tái phát và xảy ra ở tuổi trưởng thành nếu không được điều trị. Nếu thuở nhỏ đã từng bị trầm cảm thì khi trưởng thành, bệnh này lặp lại với xu hướng nặng hơn.

Do đó, phát hiện sớm và can thiệp tốt là điều hết sức quan trọng ngay trong lần trầm cảm đầu tiên.

Hiện nay, với trẻ trầm cảm mức độ vừa và nặng, tốt nhất là kết hợp liệu pháp tâm lý (ví dụ trị liệu nhận thức - hành vi) và thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc như Prozac hay Zoloft.

Cha mẹ cần làm gì khi con bị trầm cảm? Sự quan tâm của cha mẹ chính là chìa khóa giúp trẻ phòng ngừa trầm cảm hoặc điều trị trầm cảm hiệu quả hơn.

Với các bệnh nhân nhẹ thì nên bắt đầu bằng liệu pháp tâm lý, chỉ dùng thuốc bổ sung nếu liệu pháp này không đủ hiệu quả.

Ngoài ra, cha mẹ cần quan tâm, trò chuyện nhiều hơn để trẻ có thể chia sẻ những khó khăn mà trẻ đang trải qua và nhớ, phải thực sự lắng nghe trẻ nói, sẵn sàng giúp đỡ trẻ bất cứ điều gì.

Cha mẹ cũng tuyệt đối tránh tạo thêm áp lực cho trẻ:

- Không can thiệp quá sâu vào từng quyết định của trẻ sẽ khiến trẻ khó phát triển khả năng suy nghĩ độc lập.

- Không chỉ tập trung vào các lỗi lầm của con và việc con cái đã “ăn hại” như thế nào, những đứa trẻ sẽ hình thành một suy nghĩ rằng chúng vô dụng và không được ai cần tới và dẫn tới tâm lý chán nản

- Không so sánh con cái với “con hàng xóm” vì có thể khiến trẻ bị hạ thấp dẫn đến mặc cảm, tự ti.

- Không quá hà khắc với con...

Bằng sự bao dung và thấu hiểu, mỗi bậc phụ huynh hãy quan tâm và đồng hành cùng trẻ trong các giai đoạn khó khăn, nhất là trong lứa tuổi trẻ dậy thì.

Đọc thêm Chuyên đề Bệnh trầm cảm do Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM thực hiện. 
Đừng chủ quan trước các biến chứng nguy hiểm của bệnh trầm cảm: (VOH) - Theo dự báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đến năm 2020, trầm cảm là căn bệnh xếp thứ hai trong số những căn bệnh phổ biến toàn cầu với 121 triệu người mắc bệnh.
Những dấu hiệu của bệnh trầm cảm cần biết để bảo vệ bản thân và gia đình: (VOH) - Nếu bạn hoặc người thân của mình đang phải đối mặt với chứng trầm cảm, hãy nhớ rằng vẫn luôn có nhiều người luôn sát cánh và chia sẻ cùng bạn trong cuộc chiến này.