Lệch vách ngăn mũi có nguy hiểm không?

( VOH ) - Vách ngăn mũi lý tưởng phải nằm ngay giữa nhưng các nhà khoa học ước tính rằng 80% tất cả các vách mũi thường không ở vị trí trung tâm. Vậy lệch vách ngăn mũi có nguy hiểm không?

1. Lệch vách ngăn mũi là gì?

Vách ngăn mũi là “bức tường” phân chia giữa mũi phải và mũi trái. Vách ngăn này chắc nhưng có thể uốn cong và được bao phủ bởi lớp da rất giàu mạch máu.

Nói cách khác, vách ngăn mũi là sụn phân chia đều 2 lỗ mũi. Nó nằm chính giữa mũi và trên một đường thẳng. Tuy nhiên, điều này không đúng với tất cả vì nhiều người có vách ngăn không đều (lệch vách ngăn). Các nhà khoa học ước tính rằng 80% tất cả các vách mũi thường không ở vị trí trung tâm. Bị lệch vách ngăn mũi là khi nó không ở ngay vị trí giữa, phân chia đều 2 mũi.

lech-vach-ngan-mui-co-nguy-hiem-khong-voh-1

Hình ảnh lệch vách ngăn mũi (Nguồn: Internet)

Triệu chứng phổ biến nhất của lệch vách ngăn nghiêm trọng là khó thở. Các triệu chứng thường nặng ở một bên, đôi khi xảy ra ở phía đối diện phần vách ngăn bị cong.

2. Lệch vách ngăn mũi có nguy hiểm không?

Lệch vách ngăn mũi được xem là một rối loạn thực thể ảnh hưởng đến mũi. Khoảng 80% chúng ta bị lệch vách ngăn mũi mà không biết. Lệch vách ngăn mũi bình thường không ảnh hưởng đến sức khỏe, tuy nhiên, lệch nghiêm trọng có thể dẫn đến sự phát triển các biến chứng sức khỏe như khó thở hoặc tắc lỗ mũi.

Một số người bẩm sinh đã có lệch vách ngăn, trong khi những người khác có thể phát triển tình trạng này trong những năm sau chấn thương.

Tình trạng lệch vách ngăn mũi có thể dẫn đến các biến chứng sau nếu không phát hiện và điều trị:

  • Giấc ngủ bị xáo trộn do thở qua mũi bị hạn chế và không thoải mái vào ban đêm.
  • Khô miệng, do thở bằng miệng mãn tính.
  • Chảy máu cam.
  • Chỉ có thể nằm ngủ nghiêng một bên.
  • Vấn đề mãn tính ở xoang.
  • Cảm giác tắc nghẽn hoặc tức nặng trong mũi.

Mặc dù không nguy hiểm nghiêm trọng đến sức khỏe, nhưng lệch vách ngăn mũi vẫn có thể xuất hiện các biến chứng khó chịu làm ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe cũng như công việc của người bệnh.

lech-vach-ngan-mui-co-nguy-hiem-khong-voh-2

Lệch vách ngăn mũi làm ảnh hưởng đến chức năng thở của mũi (Nguồn: Internet)

3. Làm sao để biết bị lệch vách ngăn mũi?

Bạn có thể không nhận ra mình bị lệch vách ngăn mũi, nhưng những triệu chứng lệch vách ngăn mũi sau đây có thể giúp bạn biết được tình trạng này:

  • Tắc một hoặc cả hai lỗ mũi;
  • Ngạt mũi, đôi khi ở một bên;
  • Thường xuyên chảy máu cam;
  • Viêm xoang;
  • Đau mặt;
  • Đau đầu;
  • Khó thở, đặc biệt là khi thở bằng mũi;
  • Khô ở một bên mũi;
  • Chảy nước mũi sau;
  • Có tiếng ồn khi hít vào hoặc thở ra;
  • Tiếng thở ồn ào khi ngủ ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ;
  • Trong trường hợp nặng có thể gặp ngưng thở khi ngủ;

Khi có những triệu chứng này, bạn có thể nghi ngờ rằng mình đang bị lệch vách ngăn mũi và nên đến gặp bác sĩ để thăm khám và kiểm tra.

4. Cách chữa lệch vách ngăn mũi

Trước khi xem xét đến vấn đề lệch vách ngăn mũi có nên mổ thì bác sĩ sẽ kê đơn thuốc người bệnh kiểm soát triệu chứng. Việc này cũng giúp điều trị tắc mũi và thoát nước mũi.

Bác sĩ có thể kê đơn thuốc chống sung huyết, thuốc kháng histamin và thuốc xịt mũi steroid. Các thuốc chống sung huyết có thể giúp giảm sưng ở mô mũi và giúp giữ cho đường thở ở 2 bên mũi thông thoáng hơn. Tuy nhiên, bạn cần sử dụng thuốc một cách có kiểm soát vì việc sử dụng thường xuyên có thể tạo ra sự phụ thuộc và làm trầm trọng thêm các triệu chứng sau khi ngưng sử dụng.

lech-vach-ngan-mui-co-nguy-hiem-khong-voh-3

Lệch vách ngăn mũi có cần phẫu thuật không? (Nguồn: Internet)

Thuốc kháng histamin có thể ngăn ngừa các triệu chứng dị ứng, bao gồm tắc và chảy nước mũi nhưng dễ gây buồn ngủ. Thuốc xịt mũi steroid có thể làm giảm viêm trong đường mũi của bạn và giúp giảm tắc nghẽn hoặc giúp thoát dịch ở mũi.

Nẹp dán cánh mũi cũng được sử dụng để kiểm soát triệu chứng.

Bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật lệch vách ngăn mũi nếu tình trạng chảy máu cam và viêm xoang tái phát nhiều lần. Trong phẫu thuật, bác sĩ có thể mổ lệch vách ngăn mũi để loại bỏ hoàn toàn phần lệch hoặc điều chỉnh lại vách ngăn mũi.