Mách mẹ bầu cách nhận biết dấu hiệu sinh non và biện pháp phòng ngừa

Không phải mẹ bầu nào cũng có thai kỳ đủ 9 tháng 10 ngày. Theo thống kê cho thấy, cứ 10 bé được sinh ra thì có hơn 1 bé bị sinh non. Khi sinh non, cả mẹ và bé đều rất dễ gặp các vấn đề về sức khỏe.

Ngày nay, các bác sĩ sản khoa có thể dự đoán tình trạng sinh non dựa vào các dấu hiệu và tư vấn cho mẹ bầu. Tình trạng này sẽ được kiểm soát nếu mẹ bầu phát hiện kịp thời.

Để sớm nhận biết các dấu hiệu nguy cơ sinh non, mẹ có thể theo dõi những lời chia sẻ của bác sĩ Cao Ngọc Phượng – Trưởng khoa sơ sinh Bệnh viện Quốc tế Hạnh phúc trong chương trình Con khỏe mẹ vui, phát sóng trên VOH Radio – Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM.

Sinh non là như thế nào?

Theo bác sĩ Cao Ngọc Phượng, tình trạng sinh non được xác định khi sinh ở các giai đoạn:

mach-me-cach-nhan-biet-dau-hieu-sinh-non-va-cach-phong-ngua-voh-1

Sinh khi nào được gọi là sinh non (Nguồn: Internet)

  • Sinh non muộn: Sinh từ tuần 34 đến tuần 36.
  • Sinh non sớm: Sinh từ tuần 28 đến tuần 34.
  • Sinh cực non: Sinh dưới 28 tuần, tức là mang thai dưới 7 tháng. Khi đó, bé sinh ra trung bình chỉ nặng dưới 1000gram.

Những nguyên nhân dẫn đến sinh non

Bác sĩ Phượng cho biết, nguyên nhân sinh non rất phức tạp, có thể do bào thai, do mẹ hoặc kết hợp cả 2 nguyên nhân này. Tuy nhiên, phần lớn các trường hợp sinh non là không rõ nguyên nhân.

Tuy nhiên, có những yếu tố nguy cơ sinh non sau đây:

  • Do quá trình thụ tinh trong ống nghiệm làm tăng tỷ lệ sinh đôi, sinh ba. Những trường hợp này thường sinh non dưới 36 tuần.
  • Hiện nay, tình trạng lập gia đình và sinh con muộn khác nhiều. Đây là yếu tố nguy cơ sinh non cao do mẹ mang thai trên 35 tuổi.
  • Do các bệnh lý từ mẹ như nhiễm trùng tiểu, viêm nhiễm vùng âm đạo,…đồng thời mắc các bệnh mãn tính như cao huyết áp, tiểu đường thai kỳ, thiếu máu mãn tính,…
  • Yếu tố nguy cơ khác là do thai chậm tăng trưởng trong tử cung.
  • Mẹ làm việc nặng, đứng quá lâu, bị stress, bị chấn thương cũng là những yếu tố làm tăng nguy cơ sinh non.

Dấu hiệu nhận biết sinh non

Theo bác sĩ Cao Ngọc Phượng, các mẹ bầu có thể nhận biết sinh non qua những dấu hiệu sau đây:

  • Thai chưa đủ 37 tuần nhưng âm đạo ra chất nhầy hoặc ra máu.
  • Mẹ bị đau bụng, đau vùng thắt lưng.
  • Trong 1 giờ đồng hồ mà đau bụng trên 4 lần.
  • Nước ối rỉ nhỏ giọt.

Khi có những dấu hiệu dọa sinh non này các mẹ nên đến cơ sở y tế gần nhất để bác sĩ thăm khám và đánh giá tình trạng thai kỳ.

Bé sinh ngon sẽ gặp những bất lợi gì?

Bác sĩ cho biết, những bé bị sinh non, tất cả các cơ quan đều chưa trưởng thành, chưa đủ để thích nghi với môi trường bên ngoài tử cung nên dễ gặp các vấn đề về sức khỏe khi chào đời và quá trình phát triển sau này.

Cụ thể, các bé sẽ đối mặt với những rủi ro sau đây:

  • Huyết áp không bình thường ảnh hưởng đến tim mạch.
  • Tỷ lệ xuất huyết não, gây tử vong cao.
  • Dễ bị hạ thân nhiệt do không đủ lớp mỡ dưới da để sinh nhiệt, trẻ dễ bị lạnh.
  • Không đủ men để tiêu hóa thức ăn nên chỉ tiêu hóa được sữa mẹ. Các sữa công thức rất khó tiêu hóa.
  • Dễ bị thiếu máu do cơ thể không tạo đủ hồng cầu.
  • Bé dễ bị hạ đường huyết hoặc tăng đường huyết.
  • Sức đề kháng kém trẻ dễ bị nhiễm khuẩn, một khi đã bị nhiễm khuẩn trẻ sẽ bị nhiễm rất nặng.

Chăm sóc trẻ sinh non như thế nào?

mach-me-cach-nhan-biet-dau-hieu-sinh-non-va-cach-phong-ngua-voh-2

Dù ở bệnh viện hay về nhà, trẻ sinh non cũng cần được giữ ấm mọi lúc (Nguồn: Internet)

Chăm sóc tại bệnh viện:

  • Các bác sĩ sẽ đảm bảo thân nhiệt cho trẻ luôn ổn đinh, giữ cho trẻ luôn ấm.
  • Bác sĩ sẽ khuyến khích mẹ áp dụng phương pháp da kề da.
  • Bé được hỗ trợ hô hấp.
  • Bé được cung cấp dinh dưỡng qua đường tiêu hóa bằng việc bằng việc uống sữa mẹ hoặc được cung cấp thêm chất đạm qua truyền dịch.
  • Các bác sĩ sẽ thực hiện các cách phòng ngừa nhiễm khuẩn để hạn chế trẻ bị nhiễm khuẩn bệnh viện.
  • Bé sẽ được tầm soát các bệnh lý bằng việc siêu tim, siêu âm não để tầm soát xuất huyết não, kiểm tra thị giác, thính lực,…nhằm can thiệp kịp thời khi gặp các vấn đề liên quan.

Chăm sóc tại nhà:

Những trường hợp sinh non, khi ở bệnh viện sẽ có y tá, bác sĩ chăm sóc cẩn thận. Nếu nhận thấy bé hoàn toàn ổn định thì các bác sĩ sẽ cho phép mẹ về chăm sóc tại nhà. Khi đó mẹ cần lưu ý các vấn đề sau:

  • Hạn chế người thân đến thăm bé để tránh các bệnh lây nhiễm vì hệ miễn dịch của bé hiện tại rất yếu.
  • Mẹ hoặc người thân chăm sóc bé cần rửa tay sạch sẽ trước khi chăm sóc bé để đảm bảo vệ sinh, tránh nhiễm khuẩn.
  • Phòng bé nằm phải luôn giữ ấm.
  • Không tắm bé mỗi ngày chỉ nên tắm 2 ngày 1 lần, mỗi lần không quá 5 phút.
  • Hãy ưu tiên cho bé sử dụng hoàn toàn sữa mẹ.
  • Theo dõi cân nặng bé thường xuyên, nếu tăng cân chậm thì nên đưa bé đi khám để được bác sĩ tư vấn cách chăm sóc tốt nhất, nhằm giúp bé phát triển cân nặng bằng với các bé sinh đủ tháng.
  • Cần đưa bé đi tái khám thường xuyên để theo dõi tình trạng sức khỏe.

Cách phòng ngừa tình trạng sinh non cho mẹ bầu

Theo bác sĩ Cao Ngọc Phượng, để phòng ngừa sinh non các mẹ bầu cần thực hiện những điều sau đây:

  • Trong thai kỳ, mẹ bầu cần bổ sung đầy đủ dinh dưỡng.
  • Giảm căng thẳng trong cuộc sống, hạn chế làm việc nặng, đứng nhiều, ngồi lâu một chỗ.
  • Cố gắng khám thai định kỳ đầy đủ, để bác sĩ tầm soát các bệnh lý nhiễm khuẩn, từ đó điều trị kịp thời giúp tránh nguy cơ sinh non.
  • Nếu mẹ mắc bệnh mãn tính như tiểu đường, thiếu máu, huyết áp thì nên gặp bác sĩ để được hướng dẫn điều trị hợp lý.
  • Nếu có tiền sử sinh non, cần khám thai thường xuyên để xác định mẹ có bị hở eo cổ tử cung hay không, nếu có sẽ được khâu lại để giảm nguy cơ sinh non.
  • Mẹ có thể sử dụng thuốc ngăn ngừa sinh non nếu được bác sĩ chỉ định để giảm nguy cơ sinh non. Thuốc này thường có tác dụng giảm co bóp tử cung.

Trên đây là những chia sẻ của bác sĩ Cao Ngọc Phượng về các vấn đề liên quan đến hiện tượng sinh non, để nghe lại chi tiết hơn thì bạn có thể nhấp vào audio bên dưới.

Đường kính lưỡng đỉnh an toàn để sinh thường là bao nhiêu? Mẹ bầu nào cũng cần biết: Mẹ đã biết đường kính lưỡng đỉnh là gì và như thế nào là chỉ số bình thường chưa? Nếu chưa, đừng bỏ qua những thông tin hữu ích dưới đây nhé.
Những điều cần kiêng cữ khi mới mang thai ?: Kiêng cữ khi mang thai là điều mà mẹ bầu nào cũng phải thực hiện. Tuy nhiên, kiêng cữ như thế nào cho an toàn và khoa học thì ít mẹ bầu nào biết, nhất là những chị em lần đầu tiên mang thai.
Thiếu nước ối thai kỳ và những điều cần biết: Nước ối có vai trò quan trọng đối với sức khỏe của thai nhi trong bụng nên mẹ bầu cần nhận biết sớm tình trạng này để kịp thời có biện pháp khắc phục.