Massage sau sinh – bí quyết chăm sóc sức khỏe cho mẹ trong thời gian ở cữ

(VOH) – Massage sau sinh là một hình thức chăm sóc toàn diện giúp cơ thể được khỏe mạnh, nâng cao khí huyết và cũng giúp phòng ngừa một số bệnh thường gặp phải sau sinh.

Việc massage cho phụ nữ sau sinh trong thời gian ở cữ là một việc rất nên làm, bởi massage là một hình thức chăm sóc sức khỏe toàn diện, có thể mang đến cho phụ nữ trong thời gian ở cữ được rất nhiều lợi ích.

1. Massage sau sinh là như thế nào?

Massage sau sinh là một cách chăm sóc sức khỏe toàn thân rất tốt cho phụ nữ mới vừa trải qua một cuộc vượt cạn vất vả và đang trong thời gian ở cữ. Hình thức chăm sóc sức khỏe này rất hữu ích trong việc giúp phụ nữ thư giãn sau sinh, phục hồi sức khỏe nhanh chóng sau thời gian mang thai.

2. Những lợi ích sức khỏe từ việc massage sau sinh

Thực hiện massage mỗi ngày sẽ giúp các bà mẹ đang trong thời gian ở cữ có được những lợi ích như:

2.1 Giúp giảm đau và thư giãn căng cơ

Trong quá trình sinh nở, toàn bộ cơ thể mẹ, đặc biệt là bụng, lưng dưới và hông phải chịu những tác động lớn nhất. Sau khi sinh, nếu cho con bú không đúng tư thế mẹ có thể sẽ bị đau ê ẩm vùng lưng và vai. Việc được massage sau sinh sẽ giúp mẹ giảm đau và bớt căng thẳng.

2.2 Tăng lưu lượng máu và oxy đến cơ bắp

massage-sau-sinh-bi-quyet-cham-soc-suc-khoe-cho-me-trong-thoi-gian-o-cu-voh

Massage sau sinh giúp loại bỏ độc tố, tăng lưu lượng máu và oxy đến các cơ bắp (Nguồn: Internet)

Nếu mẹ sau sinh được massage thường xuyên sẽ giúp loại bỏ độc tố, tăng lưu lượng máu và oxy đến các cơ bắp giúp cơ thể nhanh chóng phục hồi, từ đó cải thiện tâm trạng và củng cố hệ miễn dịch.

2.3 Giảm tình trạng sưng phù

Massage sau sinh giúp kích thích quá trình dẫn lưu hệ bạch huyết, loại bỏ chất lỏng dư thừa và chất thải nên có tác dụng giảm sưng. Ngoài ra, việc các mô được kích thích trong quá trình massage cũng sẽ giúp cơ thể vận chuyển nước đến đúng nơi cần thiết.

2.4 Giải phóng hormone endorphin và oxytocin

Việc massage giúp thúc đẩy giải phóng endorphin – một loại hormone có tác dụng giảm đau tự nhiên, giúp cơ thể cảm thấy thư giãn. Không chỉ thế, loại hormone này còn giúp mẹ ngủ ngon hơn.

Trong lúc massage cơ thể cũng sẽ giải phóng oxytocin. Đây là hormone kích hoạt phản xạ sản xuất sữa. Điều này có nghĩa việc massage sau sinh sẽ giúp mẹ tiết ra sữa nhiều hơn để cho con bú.

2.5 Thông tắc tia sữa, phòng tránh viêm vú

Massage sau sinh còn giúp thông tắc tia sữa, giảm nguy cơ bị viêm vú. Tuy nhiên, cần lưu ý trong quá trình massage vùng ngực nên nhẹ nhàng để tránh dồn sữa vào các nang một cách quá mạnh, sẽ dẫn đến tắc tia sữa và viêm vú.

2.6 Đối phó với hội chứng muộn phiền sau sinh và trầm cảm sau sinh

Massage có thể giúp làm cải thiện tâm trạng và giảm mức độ căng thẳng của mẹ sau sinh, cho nên rất hữu ích trong việc tránh cho phụ nữ mới sinh rơi vào trạng thái buồn phiền hoặc trầm cảm sau sinh.

2.7 Giúp mẹ được nghỉ ngơi nhiều hơn

Trong khi massage, mẹ sẽ có cơ hội được nghỉ ngơi thư giãn. Điều này không chỉ giúp tốc độ hồi phục sau sinh nhanh hơn mà còn có thêm năng lượng để chăm sóc bé yêu được tốt hơn.

3. Một số động tác massage sau sinh tại nhà đơn giản

Việc massage sau sinh không nên chỉ tập trung vào một vài bộ phận của cơ thể như bụng, vai, bầu vú.... mà nên được tiến hành massage toàn thân. Thông thường, massage sẽ bắt đầu với việc xoa bóp từ bàn chân, đùi, hông, bụng, ngực, vai và kết thúc ở đầu.

3.1 Massage chân

Kỹ thuật viên (KTV) massage sẽ dùng tay ấn với lực vừa phải lên lòng bàn chân để giúp mẹ giảm đau và thư giãn. Sau đó, sẽ xoa bóp các ngón chân và kéo nhẹ chúng.

3.2 Massage cơ bắp chân

KTV sẽ tiến hành massage cơ bắp chân của mẹ theo tuần tự từ mắt cá chân lên đến đầu gối. Điều này sẽ giúp giảm đau cơ chân sau thời gian mang thai và cải thiện lưu lượng máu. Việc xoa bóp được thực hiện từ dưới lên trên nhằm hỗ trợ các tĩnh mạch chống lại trọng lực đưa máu từ chân về tim. 

massage-sau-sinh-bi-quyet-cham-soc-suc-khoe-cho-me-trong-thoi-gian-o-cu-1-voh

Phụ nữ sau sinh massage chân sẽ giúp cải thiện lưu lượng máu toàn cơ thể (Nguồn: Internet)

Trường hợp mẹ bị giãn tĩnh mạch thì tuyệt đối không được xoa bóp theo chiều từ trên xuống dưới và các động tác massage cũng không nên tác động lực quá mạnh.

3.3 Massage đầu gối và cơ đùi

KTV thực hiện các động tác chuyển động tròn xoay xung quanh đầu gối. Sau đó, mẹ sẽ co đầu gối lại để KTV tiến hành massage đùi. Việc massage đùi được tiến hành bằng những “vú vuốt” với lực tương đối mạnh theo hướng từ đầu gối đến hông. Những động tác vuốt dài này sẽ giúp máu lưu thông tốt hơn, giảm căng thẳng cho đùi và hông.

3.4 Massage bụng

Để massage bụng, KTV sẽ tiến hành xoa bóp bụng một cách nhẹ nhàng. Việc xoa bóp này sẽ giúp cơ bụng săn chắc, từ đó giúp mẹ nhanh lấy lại được vóc dáng.

Tiếp theo, KTV massage sẽ xoa bóp từ xương sườn xuống xương mu. Trong thời gian sau khi mới sinh xong, tử cung của người mẹ đang co bóp để tống xuất sản dịch ra ngoài, do đó, việc massage sau sinh tại vùng bụng sẽ giúp hỗ trợ tử cung đẩy sạch sản dịch ra ngoài hiệu quả.

Ngoài ra, KTV cũng sẽ xoa bóp trên bụng theo chiều kim đồng hồ. Động tác xoa bóp này có tác dụng giúp mọi thứ chuyển động dọc theo đường tiêu hóa, giúp quá trình tiêu hóa diễn ra thuận lợi hơn.

Tuy nhiên, nếu mẹ sinh mổ, mẹ cần đợi vết mổ lành hẳn rồi mới tiến hành massage bụng. Đồng thời cũng nên tham khảo ý kiến bác sĩ sản khoa về thời điểm tốt nhất để tiến hành massage, bởi việc gây áp lực lên vùng bụng, gần với vết mổ quá sớm có thể gây ra nhiều vấn đề như nhiễm trùng vết mổ, nứt vết mổ...

3.5 Massage lưng

Trong quá trình sinh nở, cơ lưng dưới sẽ bị căng rất nhiều. Việc massage lưng thường xuyên sẽ giúp cho vùng lưng được giảm đau và thư giãn.

Khi thực hiện massage lưng, mẹ phải nằm úp để KTV xoa bóp lưng được dễ dàng. Nếu sinh mổ, mẹ có thể massage lưng trong tư thế ngồi để tránh gây đau cho vùng bụng. 

3.6 Massage cơ bắp lưng

Việc massage sau sinh thực sự hiệu quả cho việc làm dịu bất cứ điểm đau nào trên lưng. Các chuyện động tròn đều sẽ giúp làm giảm những căng thẳng ở lưng. Ngoài ra, việc hít thở sâu trong khi massage cũng sẽ giúp mẹ được tư giãn nhiều hơn.

3.7 Massage vai và cổ

massage-sau-sinh-bi-quyet-cham-soc-suc-khoe-cho-me-trong-thoi-gian-o-cu-2-voh

Massage vai và cổ giúp mẹ bầu giảm bớt căng thẳng ở khu vực này (Nguồn: Internet)

Không chỉ có vùng bụng dưới, lưng mà cơ vai và cổ của mẹ cũng có thể bị đau do phải bế bé liên tục hoặc cho bé bú sai tư thế. Sự căng thẳng từ vai có thể tích tụ vào khu vực cổ và dẫn đến đau đầu

Mẹ sẽ ngồi với tư thế thoải mái nhất, sau đó KTV sẽ xoa bóp vai và cổ cho mẹ để giảm căng thẳng ở khu vực này.

3.8 Xoa bóp cánh tay và ngón tay

KTV massage sẽ tiến hành xoa bóp cánh tay của mẹ theo hướng từ vai xuống tới bàn tay. Sau đó sẽ đến lòng bàn tay, ngón tay và khu vực giữa các ngón tay.

3.9 Massage đầu

Khi thực hiện massage đầu, KTV sẽ sử dụng các đầu ngón tay để day và xoa đầu của mẹ theo hình tròn. Có thể sử dụng dầu massage hoặc không để tránh tình trạng tóc có quá nhiều dầu.

3.10 Massage bầu ngực

Massage ngực sau sinh có thể giúp thông tắc tia sữa và giảm nguy cơ viêm vú. Mặc dù các mẹ có thể để KTV massage vùng ngực, tuy nhiên tốt nhất vẫn là mẹ nên tự xoa bóp bầu ngực của mình, vì đây là bộ phận nhạy cảm và chỉ có mẹ mới biết lực tác động như thế nào là vừa phải.

Để tự massage, mẹ hãy bắt đầu ở nách với các chuyển động tròn nhẹ nhàng. Tiếp đến là bầu vú và cuối cùng là núm vú.

Sau khi hoàn tất quá trình massage, mẹ nên đi tắm. Nếu có thể, mẹ nên tắm bồn để cơ thể và tâm trí thực sự được thư giãn.

4. Những ai không nên tiến hành massage sau sinh?

Massage sau sinh là một phương pháp chăm sóc sức khỏe rất tốt tuy nhiên, phương pháp này không được khuyến khích nếu sản phụ đang gặp phải một trong các vấn đề sau đây:

  • Có bất kỳ biến chứng y khoa nào, đặc biệt là trong và sau khi sinh.
  • Có vấn đề về da như: phát ban, mụn nước, mụn nhọt và chàm.
  • Sinh con bằng phương pháp mổ: Nếu sinh mổ, mẹ bầu nên chờ đến khi vết thương lành hẳn rồi mới tiến hành massage để tránh những biến chứng không mong muốn.
  • Bị huyết áp cao, thoát vị đĩa đệm...

Do vậy, để nhận được những lợi ích to lớn từ việc massage sau sinh, tốt nhất là mẹ hãy tham khảo ý kiến bác sĩ sản khoa về thời điểm thích hợp để bắt đầu. Sau đó, mẹ có thể đến các trung tâm spa có dịch vụ này hoặc thuê KTV massage đến nhà thể thực hiện. Tuy nhiên, cần lưu ý là chỉ nên tiến hành massage với những kỹ thuật viên có tay nghề cao để tránh các rủi ro hay tổn thương đáng tiếc.

Nếu không có điều kiện để massage sau sinh, mẹ có thể nhờ chồng hoặc người thân xoa bóp lưng khi mỏi, ngủ cùng con khi bé ngủ để cơ thể được nghỉ ngơi, nghe những bản nhạc dịu êm hay trò chuyện cùng người thân, bạn bè... cũng là cách để mẹ sau sinh giải tỏa căng thẳng trong thời gian ở cữ.