Mặt mưng mủ, sưng phù vì tiêm filler

(VOH) - Khoa Thẩm mỹ da – Bệnh viện Da Liễu Thành phố vừa tiếp nhận và chỉ định nhập viện 1 trường hợp tai biến do tiêm chất làm đầy (filler) để làm đầy rãnh mũi, má.

Bệnh nhân 26  tuổi, ngụ tại quận Bình Tân đến khám tại Khoa Thẩm mỹ da – Bệnh viện Da Liễu trong tình trạng mặt bên trái có mảng hồng ban, phù nề ở môi, rãnh mũi, má, bề mặt đóng mài vàng, bên trong niêm mạc miệng có vết loét, bệnh nhân ko sốt, than đau nguyên vùng má, hàm bên trái và vách mũi ăn uống kém.

Bệnh nhân cho biết trước đó 6 ngày có đến một viện thẩm mỹ tại quận 1 và được nhân viên ở đây tư vấn tiêm 1ml chất làm đầy với giá 3.5 triệu đồng cho 2 bên rãnh mũi, má. Khi tiêm bên trái, bệnh nhân thấy đau nhói và cơn đau vẫn kéo dài sau đó. Khi than đau, nhân viên tại viện thẩm mỹ lập tức tiêm thuốc giải ngay. Sau tiêm 2 ngày, bệnh nhân bị sưng đau môi - nhân trung bên trái. Quá hoảng sợ, bệnh nhân đã quay lại viện thẩm mỹ và được nhân viên ở đây hướng dẫn đến một phòng mạch tư để được xử lý.

filter, mưng mủ, ngày 2 tháng 10 năm 2020

Tuy nhiên, sau điều trị 1 ngày thì mặt sưng và rỉ dịch mủ nhiều hơn nên bệnh nhân vội vàng đến 1 bệnh viện quốc tế để cấp cứu và sau đó được chuyển đến Bệnh viện Da Liễu Thành phố.

Bác sĩ Lê Thảo Hiền – Khoa Thẩm mỹ da – Bệnh viện Da Liễu cho biết mặt bên trái của bệnh nhân có triệu chứng viêm, phù nề và nhiễm trùng do biến chứng của việc tiêm chất làm đầy.

Phân tích, Bác sĩ Hiền cho biết có 3 nguyên nhân có thể gây tình trạng tai biến này. Thứ nhất có thể đến từ chất làm đầy là hàng trôi nổi, không tinh khiết dẫn đến phản ứng của cơ thể đối với một chất lạ như chất làm đầy. Nguyên nhân thứ 2 đến từ kỹ thuật tiêm. Nguyên nhân thứ 3 là do không đảm bảo nguyên tắc vô trùng trước, trong và sau khi tiêm chất làm đầy. Cụ thể trường hợp bệnh nhân này có hiện tượng tắc mạch do tiêm không đúng kỹ thuật. Việc tiêm thuốc giải nếu thực hiện sai kỹ thuật sẽ càng làm tai biến trầm trọng hơn.Tại Bệnh viện, bệnh nhân được bác sĩ chỉ định dùng kháng sinh toàn thân, kháng viêm, giảm đau và chăm sóc vết thương hàng ngày, thời gian hồi phục ít nhất phải từ 10-14 ngày.

Theo thống kê, trung bình mỗi tháng Khoa tiếp nhận vài trường hợp tai biến chất làm đầy. Nhiều trường hợp tai biến nặng phải phẫu thuật để lấy hết chất làm đầy ra, chi phí khá tốn kém và mất nhiều thời gian để phục hồi. Di chứng sau phẫu thuật có thể tạo sẹo xấu và mất mô da gây ảnh hưởng thẩm mỹ.

Xem thêm: