Mẹ bầu có thể gây hại cho trẻ nhỏ bởi thói quen ‘ăn cho hai người’

( VOH ) -Rất nhiều mẹ bầu khi mang thai đều nghĩ phải ăn thật nhiều để con được hấp thu và phát triển tốt nhất. Thế nhưng, thực tế với suy nghĩ ‘ăn cho hai người’ của mẹ bầu lại có thể làm hại đến bé.

Trái với suy nghĩ truyền thống ‘ăn để nuôi hai người’, một nghiên cứu gần đây được công bố trên tạp chí Diabetologia cho biết, thai phụ ăn quá nhiều hoặc quá ít trong thời gian mang thai có thể gây những ảnh hưởng nghiêm trọng đến thai nhi.

Theo Independent, sau khi tiến hành phân tích 905 cặp mẹ - con tại Hồng Kông và so sánh với cân nặng khuyến cáo của Viện Y học Hoa Kỳ (Institute of Medicine), các nhà khoa học nhận định việc tăng cân quá mức trong giai đoạn mang thai có thể làm tăng nguy cơ bị kháng insulin và huyết áp cao ở trẻ.

Ngoài ra, các em bé này khi sinh ra cũng dễ bị sốt rét và các bệnh liên quan đến tim mạch nhiều hơn do chỉ số BMI (chỉ số cơ thể) vượt quá mức bình thường. 

Theo IOM, phụ nữ mang thai chỉ nên tăng khoảng 15kg so với trước khi có bầu. Việc mẹ tăng quá 15 kg trong thai kỳ có thể khiến trẻ sinh ra dễ bị huyết áp cao, sốt rét và bệnh tim mạch.

me-bau-co-the-gay-hai-cho-tre-nho-boi-thoi-quen-an-cho-hai-nguoi-VOH

Thói quen 'ăn cho hai người' không tốt cho sự phát triển của trẻ trong bụng mẹ (Nguồn: Internet)

Giáo sư Wing Hung Tam - Trưởng nhóm nghiên cứu - nhấn mạnh rằng, mọi người cần phải xóa bỏ tư tưởng ‘ăn cho hai người’ bởi nó hoàn toàn không có lợi cho sự phát triển của trẻ trong bụng mẹ và khi sinh ra đời. Ngoài ra, việc tăng cân quá mức trong thai kỳ cũng làm tăng nguy cơ đái tháo đường thai kỳ ở mẹ.

Khi mang thai, người mẹ cần phải nạp thêm 300 calo mỗi ngày và cái người mẹ cần chính là một chế độ ăn uống cân bằng đáp ứng các yêu cầu đó với những vi chất dinh dưỡng đầy đủ.

Lời khuyên chuyên gia về chế độ ăn cho phụ nữ mang thai

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, chế độ dinh dưỡng đối với phụ nữ mang thai là cực kỳ quan trọng. Một chế độ ăn uống tốt cho phụ nữ mang thai chính là:

Chị em cần tăng thêm 15g chất đạm/ngày. Trong đó, đạm động vật gồm: sữa, thịt, trứng, thủy sản như tôm, cua, cá, ốc... Đạm thực vật gồm: đậu tương, đậu xanh, các loại đậu khác và vừng, lạc. Đây là những thức ăn có lượng đạm cao, lượng chất béo nhiều giúp tăng năng lượng bữa ăn và giúp hấp thu tốt các nguồn vitamin tan trong chất béo.  

Cần ăn thêm bữa và tăng lượng thức ăn, chú ý tăng cường thực phẩm chứ nhiều chất kẽm, sắt, vitamin A, vitamin C và canxi. Ăn đầy đủ, đa dạng các loại thực phẩm theo 4  nhóm:

  • Thực phẩm giàu sắt như: thịt đỏ (thịt lợn, thịt bò), rau dền, các loại rau có màu xanh đậm…
  • Thực phẩm giàu canxi: sữa, tôm, cá nhỏ (ăn cả xương), cua, ốc, hạt vừng...

me-bau-co-the-gay-hai-cho-tre-nho-boi-thoi-quen-an-cho-hai-nguoi-1-VOH

Một chế độ dinh dưỡng phù hợp sẽ giúp thai nhi phát triển tốt nhất (Nguồn: Internet)

  • Mỗi tuần nên ăn cá ít nhất 3 - 4 lần để bổ sung các axit béo thiết yếu giúp phát triển trí não thai nhi.
  • Chú ý ăn đủ rau xanh, ngày 400 - 600g để tránh táo bón. Bổ sung quả chín để cung cấp vitamin.

Trong giai đoạn mang thai, thai phụ không nên dùng các chất kích thích như: rượu, cà phê, thuốc lá, chè đặc, ớt, hạt tiêu, giấm.... Nên ăn nhạt, giảm bớt muối, nhất là những bà mẹ bị phù thận để giảm phù và tai biến khi sinh đẻ. 

Uống thêm viên sắt hàm lượng 60 mg/ngày để phòng thiếu máu thiếu sắt, uống cho đến sau khi sinh 1 tháng. Chú ý khi uống sắt phải bổ sung thêm vitamin C để giúp hấp thu sắt 100%. Ngoài ra, lượng canxi mà mẹ bầu cần bổ sung trong suốt thời gian mang thai là 800-1.000 mg một ngày. 

Bên cạnh đó, cần bổ sung các loại vitamin: A; D; B1,2,6; C... sẽ giúp hấp thu các khoáng chất như canxi, photpho tốt hơn.

Ngoài việc ăn uống hợp lý, phụ nữ mang thai cần tạo cho mình cuộc sống vui vẻ, không bực tức, lo lắng để tránh stress. Chú ý nghỉ ngơi, làm việc nhẹ nhàng. Cần phải vận động, đi lại, tránh nằm một chỗ (trừ trường hợp bác sĩ chỉ định) và không thức quá khuya.