Mù tạt có tác dụng gì? Những ai không nên ăn mù tạt?

(VOH) – Khác với các loại tương cay truyền thống, gần đây, mù tạt xuất hiện ở bữa ăn của người Việt như một ‘làn gió’ mới mẻ. Bạn có biết mù tạt làm từ gì và ăn mù tạt có tác dụng gì với sức khỏe?

Mù tạt vốn nổi tiếng là gia vị lâu đời được các đầu bếp châu Âu tận dụng để tạo nên hương thơm nồng cho món ăn. Sau đó, sau khi có sự trao đổi văn hoá và ẩm thực với các nước châu Á, mù tạt ngày càng được sử dụng rộng rãi hơn.

1. Mù tạt làm từ gì?

Mù tạt làm từ hạt mù tạt – thu hái được từ quả của cây mù tạt (danh pháp hai phần: Brassica nigra) – một loài thực vật thuộc chi Brassica và Sinapis, họ Cải (Brassicaceae).

Thông thường, khi nói tới mù tạt chúng thường nghĩ tới wasabi – gia vị cay nồng của đất nước Nhật Bản, tuy nhiên đây là hai loại gia vị hoàn toàn khác nhau. Wasabi được sản xuất từ thân cây wasabi, có màu xanh rất đặc trưng, còn mù tạt có màu sắc nguyên bản là nâu hoặc nâu vàng, có vị chua dịu xen lẫn vị cay.

mu-tat-co-tac-dung-gi-nhung-ai-khong-nen-an-mu-tat-voh-0
Mù tạt và wasabi được sản xuất từ 2 nguyên liệu khác nhau (Nguồn: Internet)

Ngoài ra, không chỉ dùng làm tương mù tạt, hạt mù tạt cũng được tận dụng để làm dầu, tinh dầu mù tạt và phần lá mù tạt thì có thể dễ dàng chế biến như một loại rau xanh.

2. Mù tạt có tác dụng gì với sức khỏe?

Tưởng chừng chỉ đơn thuần là tương thơm cay giúp tăng hương vị cho các món ngon, song các dưỡng chất mà mù tạt đem tới đều vô cùng quý giá và tốt cho sức khỏe. Dưới đây là một số tác dụng của mù tạt không hẳn ai cũng biết:

2.1 Phòng chống ung thư

Theo nhiều nghiên cứu, Isothiocyanate được tìm thấy trong mù tạt có khả năng ngăn ngừa sự hình thành của các tế bào ung thư ác tính và ức chế sự phát triển của các tế bào ung thư. Đặc biệt, hoạt chất này còn giúp khôi phục mức glutathione và kích thích cảm ứng chết rụng tế bào (apoptosis), do đó không làm ảnh hưởng đến các tế bào khỏe mạnh.

2.2 Mù tạt có tác dụng giảm đau viêm khớp

Mù tạt được đánh giá là thực phẩm cung cấp khá dồi dào khoáng chất magie và selen. Theo đó, những dưỡng chất này khi vào cơ thể sẽ đảm nhiệm vai trò chống viêm khớp, đồng thời tăng kết nối giữa các khớp xương và hỗ trợ giảm đau nhức.

Xem thêm: Ấn vào một khớp nào đó và cảm thấy đau, bạn có thể đang mắc một trong các loại bệnh viêm khớp

2.3 Kích thích tiêu hóa

Nếu chúng ta ăn kèm một lượng mù tạt vừa phải với các món ăn thì vị cay của sốt sẽ kích thích vị giác cũng như thúc đẩy hoạt động tiêu hóa hiệu quả hơn.

mu-tat-co-tac-dung-gi-nhung-ai-khong-nen-an-mu-tat-voh-1
Vị cay dịu của mù tạt sẽ kích thích vị giác và tiêu hóa (Nguồn: Internet)

2.4 Cải thiện bệnh vẩy nến

Tác dụng của mù tạt trong việc cải thiện bệnh vẩy nến đang được nghiên cứu và kì vọng khá cao. Điều này là bởi hoạt chất superoxide effutase cùng với glutathione peroxidase từ mù tạt có đặc tính kháng viêm, giảm cảm giác ngứa và rát xung quanh mảng vẩy nến.

Xem thêm: Tiếp xúc với người mắc bệnh vảy nến liệu có bị lây bệnh không?

2.5 Tốt cho tim mạch

Một trong những lợi ích sức khỏe tuyệt vời nhất của mù tạt là khả năng cải thiện sức khỏe tim mạch. Các nghiên cứu cho thấy mù tạt giúp họ giảm tỷ lệ rối loạn nhịp tim, giảm tình trạng dày thất và đau ngực, nhờ vào thành phần axit béo omega-3 có trong mù tạt.

2.6 Mù tạt có tác dụng giảm cholesterol

Hấp thu vitamin B3 từ mù tạt sẽ góp phần quan trọng ức chế quá trình tổng hợp triglycerid, từ đây giảm thiểu lượng cholesterol xấu tích tụ ở thành mạch – tác nhân chính gây ra tình trạng tắc nghẽn mạch máu nguy hiểm.

Xem thêm: 3 thời điểm cơ thể tự tổng hợp cholesterol xấu mà bạn không hay biết

2.7 Tác dụng của mù tạt bảo vệ hệ hô hấp

Tác dụng của mù tạt có thể cải thiện các bệnh như cảm lạnhviêm xoang hoặc hen xuyễn. Đây được xem là một loại thuốc trị nghẹt mũi, làm thông thoáng khí quản, dịu cơn ho dai dẳng và làm sạch chất nhầy trong đường dẫn khí.

2.8 Kiểm soát đường huyết

Hạt mù tạt và lá mù tạt được xếp vào nhóm dược liệu rất thích hợp với người bệnh đang điều trị tiểu đường. Tinh chất chiết xuất từ các bộ phận này của cây sẽ kiểm soát tốc độ chuyển hóa glucose vào máu, từ đó duy trì nồng độ đường huyết ổn định.

Xem thêm: Gợi ý về chế độ ăn và thực đơn lành mạnh cho bệnh nhân tiểu đường

2.9 Trị mụn, dưỡng da

Mù tạt chứa thành phần sulfinyl giúp chống lại sự lão hóa và mang lại màu da tươi sáng. Bạn có thể rang hạt mù tạt với dầu mè hoặc dầu dừa, sau đó bôi hỗn hợp này lên mụn để khắc phục tình trạng mụn nhọt.

Bạn cũng cần lưu ý rằng nếu dùng mù tạt làm mặt nạ đắp trực tiếp, tốt nhất nên thử trên da ở cổ tay trước khi sử dụng để đảm bảo rằng da bạn không bị kích ứng.

2.10 Mù tạt có tác dụng chăm sóc tóc

Bạn hãy đun sôi một ít lá móng, tiếp theo tán thành bột với dầu mù tạt rồi lọc qua vải sạch và đựng vào lọ kín. Mỗi ngày bạn hãy lấy một ít hỗn hợp này để massage da đầu giúp kích thích tóc mọc nhanh, khỏe hơn.

mu-tat-co-tac-dung-gi-nhung-ai-khong-nen-an-mu-tat-voh-2
Dầu mù tạt cũng hỗ trợ dưỡng tóc hiệu quả (Nguồn: Internet)

3. Hướng dẫn ăn mù tạt đúng cách

Vốn được biết đến như một loại tương cay ăn kèm nên cách ăn mù tạt đơn giản nhất là dùng chấm trực tiếp hoặc hòa trộn với nước tương (xì dầu). Tuy nhiên mù tạt thường có vị cay nồng hơn so với tương ớt thông thường, do đó bạn hãy chấm từng chút một, tránh chấm “ngập” thức ăn. Bên cạnh đó, vừa ăn vừa thở bằng miệng, hạn chế ngậm chặt miệng vì sẽ làm tăng mức độ cay.

4. Ai không nên ăn mù tạt?

Vừa là một gia vị tăng hương vị món ăn, mù tạt vừa có tác dụng cải thiện nhiều vấn đề sức khỏe. Song nếu bạn không may thuộc một trong những đối tượng sau thì nên hạn chế sử dụng mù tạt, cụ thể:

4.1 Không có khả năng ăn cay

Tuy thêm một chút cay cay từ mù tạt sẽ giúp món ăn trở nên hấp dẫn hơn bội phần nhưng nếu khả năng ăn cay của bạn bị “giới hạn”, lời khuyên là nên tránh dùng mù tạt, nhằm phòng ngừa tình trạng tê lưỡi hoặc mất vị giác.

4.2 Mắc bệnh dạ dày

Trường hợp đang điều trị các bệnh lý liên quan đến dạ dày như viêm loét dạ dày, đau dạ dày hay thường bị ợ hơi, ợ nóng, bạn cũng cần hạn chế nêm nếm hoặc chấm món ăn với mù tạt.

Xem thêm: 'Điểm mặt' 7 triệu chứng đau dạ dày và giải đáp thắc mắc về sự nguy hiểm của căn bệnh này

4.3 Có tiền sử dị ứng

Nếu từng có tiền sử dị ứng ớt, dễ nổi mẩn đỏ, ngứa ngáy sau khi ăn cay thì bạn phải cẩn trọng và theo dõi chuyển biến sức khỏe trong quá trình sử dụng mù tạt để kịp thời tới cơ sở y tế thăm khám.

5. Thành phần dinh dưỡng của mù tạt

Hạt mù tạt có thể mang đến nhiều lợi ích sức khỏe nhờ chứa nhiều khoáng chất như canxi, magie, phốt pho và kali cùng với nguồn folate và vitamin A. Tương tự, rau mù tạt hoặc lá của cây mù tạt cũng có chứa kali, canxi, magie, phốt pho. Chúng cũng có chứa một lượng chất xơ lành mạnh và giàu vitamin A cũng như folate (vitamin B9).

Hàm lượng một số dưỡng chất điển hình trong mù tạt được phân tích như sau:

  • Vitamin B3: 0.743 mg
  • Axit pantothenic: 0.203 mg
  • Pyridoxine: 0.274 mg
  • Riboflavin: 0.114 mg
  • Thiamin: 0.13. mg
  • Vitamin A: 35 IU
  • Vitamin C: 41.9 mg
  • Magie: 69 mg
  • Mangan: 0.126 mg
  • Phốt pho: 80 mg
  • Kẽm: 1.62 mg

Hy vọng rằng với một vài thông tin được chia sẻ trong bài viết trên đây bạn đã hiểu hơn về tác dụng của mù tạt – loại gia vị với màu sắc cùng hương vị độc đáo, mới lạ. Gia giảm thêm mù tạt trong bữa ăn nhưng đừng quên thực hiện các lưu ý an toàn để bảo vệ sức khỏe bạn nhé!