Mùa đông, trẻ thường mắc bệnh gì?

(VOH) - Ở các tỉnh miền Bắc nước ta hiện nay đang là mùa Đông - Xuân, thời tiết lạnh, ẩm, mưa phùn… gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người.


Ảnh minh họa. 

Theo Cục Y tế dự phòng, điều kiện môi trường trong khoảng thời gian này rất dễ gây mắc các bệnh cảm, cúm, bệnh đường hô hấp (viêm phế quản, viêm phổi…), đặc biệt là với trẻ em.

Trong khi đó, một số gia đình, các bậc cha mẹ chưa chú ý việc giữ ấm cho trẻ em, để trẻ mặc không đủ ấm, khi đưa trẻ đi ra ngoài, thậm chí khi đưa trẻ đi tiêm chủng cũng chưa đảm bảo giữ ấm cho trẻ, để trẻ bị nhiễm lạnh, dễ dẫn đến mắc các bệnh viêm phế quản, viêm phổi nặng, có thể dẫn đến tử vong.

Cục Y tế dự phòng khuyến cáo mọi gia đình cần quan tâm, chủ động thực hiện việc giữ ấm cho trẻ trong mùa đông và khi thời tiết lạnh, cụ thể như sau:

1. Khi đưa trẻ đi ra ngoài trời, đưa trẻ đi tiêm chủng, khi đi bằng xe máy, xe đạp phải cho trẻ mặc quần áo đủ ấm, đi tất, đeo khẩu trang, đội mũ, quàng khăn ấm cho trẻ, tránh để trẻ nhiễm lạnh dẫn đến bị ốm, mắc các bệnh như viêm phế quản, viêm phổi... Nên có người lớn bế, tránh gió và ủ ấm cho trẻ, nhưng lưu ý không nên bọc trẻ quá kín hoặc dùng áo mưa bọc kín trẻ.

2. Trong mùa đông và khi thời tiết lạnh phải thường xuyên mặc quần áo đủ ấm, đi tất cho trẻ. Khi đi ngủ đắp chăn đủ ấm cho trẻ, tuy nhiên không đắp quá nhiều chăn, làm cho trẻ toát mồ hôi, sẽ dễ gây cảm lạnh và bị bệnh.

3. Không cho trẻ tiếp xúc với những trẻ hoặc người lớn đang có dấu hiệu bị các bệnh cúm, bệnh đường hô hấp, tiêu chảy, sởi, rubella, thủy đậu… Hạn chế cho trẻ đến những chỗ đông người.

4. Cho trẻ ăn uống đủ chất, đảm bảo dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả để giúp cơ thể tăng cường vitamin, nâng cao sức đề kháng. Ăn cân đối các nhóm dưỡng chất: tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Cho trẻ uống nước ấm, tránh ăn, uống những thức ăn, nước uống lấy trực tiếp từ tủ lạnh.

5. Khi trẻ có các dấu hiệu ho, sốt… cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.