Mụn trong mũi: Nguyên nhân và cách phòng ngừa

(VOH) – Mụn có thể mọc ở nhiều vị trí khác nhau trên cơ thể như mặt, lưng... và một số trường hợp mụn mọc hẳn ở trong mũi. Thế nhưng, bạn có bao giờ tự hỏi tình trạng mụn trong mũi có nguy hiểm không?

Theo tiến sĩ Gary Goldenberg – phó giáo sư lâm sàng da liễu tại Trường Y khoa Icahn (Mỹ), tình trạng mụn mọc trong mũi cũng giống như những nốt mụn nổi ở bất kỳ nơi nào khác trên cơ thể và phần lớn trường hợp là không nguy hiểm. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp mụn trong mũi có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe của bạn.

4 nguyên nhân mọc mụn trong mũi thường gặp

Đa phần các trường hợp mụn mọc trong lỗ mũi là do không đeo khẩu trang khi đi ngoài môi trường bụi bẩn tạo điều kiện cho vi khuẩn bên ngoài tích tụ và gây mụn. Bên cạnh đó, một chế độ ăn uống chứa nhiều chất kích thích, lượng muối cao sẽ rất dễ gây ra tình trạng tăng huyết áp và biểu hiện bên ngoài sẽ là những nốt mụn trong lỗ mũi.

Ngoài ra, tình trạng mụn mọc trong mũi còn có thể đến từ những nguyên nhân sau đây:

  1. Lông mọc ngược

Lông mọc ngược có thể xảy ra ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể, kể cả bên trong mũi. Khi bạn cố gắng dùng sức để nhổ lông mũi bằng cách sử dụng nhíp hay dụng cụ nhổ lông mũi... sẽ khiến cho các mảnh lông mọc ngược trở lại. Điều này sẽ gây ra hiện tượng lông mọc ngược dẫn tới viêm, sưng tấy vùng da bên trong và làm xuất hiện tình trạng mụn trong mũi.

Tình trạng lông mọc ngược không chỉ khiến bạn bị nổi mụn trong lỗ mũi mà còn gây ra nhiều triệu chứng khác như: ngứa, đau đớn, nhạy cảm, da bị kích thích.

Thông thường, tình trạng lông mọc ngược sẽ tự khỏi mà không cần điều trị. Tuy nhiên, nếu các triệu chứng trở nên dai dẳng và nghiêm trọng bạn có thể đến gặp bác sĩ để được tư vấn những cách điều trị phù hợp.

  1. Viêm tiền đình mũi

Viêm mũi tiền đình là sự nhiễm trùng ở phần trước của khoang mũi, đây là một trong những lý do gây ra tình trạng mọc mụn ở trong lỗ mũi.

mun-trong-mui-nguyen-nhan-va-cach-phong-ngua-voh

Ngoái mũi thường xuyên là một trong những nguyên nhân dẫn đến mụn trong mũi (Nguồn: Internet)

Nguyên nhân gây tình trạng viêm tiền đình mũi là do: thường ngoáy mũi, xỏ khuyên mũi, sổ mũi nhiều, làm việc trong môi trường nhiều bụi bẩn hoặc do nhiễm vi khuẩn, virus...

Các trường hợp bị viêm tiền đình mũi có thể được cải thiện bằng cách sử dụng thuốc kháng sinh dạng bôi. Trường hợp nặng, gây ra nhọt, bác sĩ có thể sẽ điều trị bằng cả 2 phương pháp là dùng kháng sinh tại chỗ và kháng sinh uống.

  1. Mụn nhọt

Mụn nhọt mũi là tình trạng nhiễm trùng xuất hiện mụn sâu trong mũi. Tình trạng này thường hiếm gặp nhưng lại khá nguy hiểm vì nó có thể dẫn đến viêm mô tế bào và nhiễm trùng da lan rộng nghiêm trọng, xâm nhập vào máu. Trong một số trường hợp có thể gây tử vong.

Để điều trị tình trạng viêm mô tế bào do mụn nhọt mũi, bác sĩ sẽ sử dụng kháng sinh bằng đường uống dài hạn (trên 10 ngày). Người bệnh cần phải nghỉ ngơi và dùng thuốc theo đúng phác đồ của bác sĩ.

  1. Lupus

Lupus (hay còn gọi là Lupus ban đỏ hệ thống) là bệnh tự miễn lâu dài có thể gây phá hủy bất kỳ bộ phận nào của cơ thể.

Lupus đôi khi có thể gây đau mũi, xuất hiện mụn trong mũi kéo dài từ vài ngày đến một tháng. Tuy nhiên, mụn trong mũi không phải là dấu hiệu đặc trưng của căn bệnh Lupus, những triệu chứng điển hình của căn bệnh này chính là:

  • Thường phát ban đỏ ở trên mặt.
  • Rụng tóc, mắt khô dai dẳng.
  • Lú lẫn, mệt mỏi, mất trí nhớ.
  • Sốt không rõ nguyên nhân.
  • Đau đầu, đau ngực, khó thở, đau khớp, cơ bắp...

Hiện nay chưa có phương pháp nào giúp điều trị bệnh Lupus, việc điều trị chỉ nhằm mục đích giảm nhẹ tình trạng bệnh. Tuy nhiên, hầu hết những người mắc bệnh này đều sống thọ bình thường.

Có thể phòng ngừa mọc mụn trong mũi bằng cách nào?

mun-trong-mui-nguyen-nhan-va-cach-phong-ngua-1-voh

Có thể ngăn ngừa tình trạng nổi mụn trong mũi bằng nhiều cách (Nguồn: Internet)

Để ngăn ngừa trình trạng nổi mụn ở trong lỗ mũi bạn có áp dụng một số cách sau đây:

  • Tránh ngoáy mũi.
  • Rửa tay trước và sau khi chạm vào mũi và mặt.
  • Muốn loại bỏ lông mũi hãy sử dụng thiết bị và tay sạch.
  • Tránh căng thẳng vì căng thẳng có thể làm giảm hệ miễn dịch và làm chậm thời gian hồi phục khi bị mụn trong mũi.

Tuy nhiên, nếu tình các nốt mụn trong mũi ngày càng lớn dần và gây đau đớn, bạn hãy đến gặp bác sĩ để được kiểm tra. Ngoài ra, nếu tình trạng mụn trong mũi kèm theo những triệu chứng sau đây, bạn hãy đến gặp bác sĩ ngay:

  • Bị sốt cao.
  • Lú lẫn.
  • Chóng mặt.
  • Phát ban đỏ, sưng và đau đớn.
  • Đồng tử có những kích thước khác nhau.
  • Thay đổi về thị lực, chẳng hạn như nhìn đôi.

Nhìn chung, tình trạng mụn trong mũi có thể gây đau và khó chịu nhưng đa phần là vô hại, nhưng đôi khi, chúng cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo vấn đề sức khỏe. Vì thế, hãy theo dõi tình trạng mụn trong mũi của mình, nếu thấy bất thường hãy đến gặp bác sĩ ngay bạn nhé!

Tài liệu tham khảo

  1. Trang hellobacsi.com
  2. Trang thanhnien.vn
Mụn nhọt và cách điều trị hiệu quảMụn nhọt thường gây đau, mụn có mủ nổi dưới da khi vi khuẩn gây viêm nhiễm lỗ chân lông hoặc tuyến dầu. Nếu điều trị không đúng cách có thể gây ra những tác hại nghiêm trọng cho da.
Ung thư mũi – nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết và cách điều trị : Ung thư mũi có thể tiến triển nặng và đe dọa tính mạng người bệnh. Tuy nhiên, nếu phát hiện sớm qua những dấu hiệu đầu tiên thì tỷ lệ chữa khỏi bệnh là rất cao.