Nga nói vắc-xin COVID-19 Sputnik V đạt hiệu quả đến 92%

(VOH) – Vắc-xin Sputnik V của Nga cho hiệu quả đến 92% trong việc bảo vệ khỏi COVID-19 theo các kết quả tạm thời, Quỹ đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) cho biết hôm 11/11.

Các kết quả ban đầu này chỉ là thông số thứ hai được công bố sau một đợt thử nghiệm trên người trong nỗ lực chung toàn cầu sản xuất ra loại vắc-xin có thể chế ngự đại dịch đã làm chết hơn 1,2 triệu người và tàn phá nền kinh tế thế giới.

Nga đã đăng ký chủng vắc-xin COVID-19 này cho việc sử dụng đại trà hồi tháng 8, là quốc gia đầu tiên làm việc này, dù việc chấp thuận này đến trước khi đợt thử nghiệm diện rộng cuối cùng bắt đầu vào tháng 9 sau đó.

Vắc-xin COVID-19 Sputnik V của Nga. Nguồn: Reuters

Các kết quả tạm thời này dựa trên dữ liệu của 16.000 người tham gia thử nghiệm đầu tiên nhận 2 mũi tiêm, theo RDIF, là tổ chức tài trợ cho việc nghiên cứu và phát triển vắc-xin. Các phân tích tạm thời được tiến hành sau khi 20 người tham gia thử nghiệm đã nhiễm virus COVID-19 và kiểm tra xem có bao nhiêu người đã tiếp nhận vắc-xin so với giả dược. Đây là con số thấp đáng kể so với 94 người được tiêm trong đợt thử nghiệm loại vắc-xin phát triển bởi công ty Pfizer và BioNTech. Để xác nhận tỷ lệ hiệu quả, Pfizer cho biết sẽ tiếp tục đợt thử nghiệm cho đến khi số ca COVID-19 tham gia là 164.

Đợt thử nghiệm của Nga sẽ tiếp tục kéo dài trong sáu tháng tới, RDIF cho biết trong một thông cáo, và dữ liệu từ đợt thử nghiệm cũng sẽ được công bố trên tạp chí y khoa quốc tế hàng đầu sau khi có cuộc đánh giá ngang hàng các vắc-xin ứng viên.

Cái gọi là thử nghiệm giai đoạn III của loại thuốc này do Viện Gamaleya phát triển đang diễn ra tại 29 phòng khám trên khắp Moscow và sẽ có sự tham gia của tổng cộng 40.000 tình nguyện viên, với một phần tư được tiêm giả dược.

Cơ hội nhiễm COVID-19 ở những người được tiêm chủng Sputnik V thấp hơn 92% so với những người được dùng giả dược, RDIF cho biết. Con số này cao hơn nhiều so với ngưỡng hiệu quả 50% đối với vắc xin COVID-19 do Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ đưa ra.

Thông báo của Nga nhanh chóng được đưa ra sau khi kết quả được Pfizer và BioNTech BNTX.O đăng vào hôm thứ Hai, cho biết vắc-xin của họ cũng có hiệu quả hơn 90%.

Vắc-xin của Pfizer và BioNTech sử dụng công nghệ RNA thông tin (mRNA) và được thiết kế để kích hoạt phản ứng miễn dịch mà không sử dụng mầm bệnh.

Vắc-xin Sputnik V được tạo ra để kích hoạt phản ứng sau hai mũi tiêm cách nhau 21 ngày, dựa trên các vectơ virus khác nhau thường gây ra cảm lạnh thông thường: adenovirus Ad5 và Ad26.

Ngoài ra, Nga cũng đang cho thử nghiệm một loại vắc-xin khác, sản xuất bởi Viện Vector tại Siberia, và đang chuẩn bị đăng ký loại vắc-xin thứ ba, ông Putin cho biết hôm thứ Ba và nói thêm rằng tất cả vắc-xin của nước này đều có hiệu quả.

RDIF cho biết chưa có báo cáo về phản ứng khác nghiêm trọng trong giai đoạn thử nghiệm đợt 3 Sputnik V.

Các vắc-xin thành công được coi là yếu tố quan trọng để khôi phục cuộc sống hàng ngày trên khắp thế giới bằng cách giúp chấm dứt cuộc khủng hoảng y tế khiến các doanh nghiệp phải đóng cửa và khiến hàng triệu người phải nghỉ việc.

Nga đã đăng ký vắc-xin này để sử dụng trong nước vào tháng 8, trước khi bắt đầu thử nghiệm quy mô lớn và cũng đã tiêm cho 10.000 người được coi là có nguy cơ cao mắc COVID-19 bên ngoài cuộc thử nghiệm.

Ông Putin nói rằng Nga dự kiến sẽ bắt đầu tiêm chủng hàng loạt vào cuối năm nay.

Moscow cũng đang triển khai một mạng lưới các phòng tiêm chủng và người dân muốn tiêm vắc-xin này có thể có thể tiêm sớm vào tháng tới nếu số lượng lớn liều được cung cấp vào thời điểm đó, Phó Thị trưởng Anastasia Rakova cho biết vào ngày 30/10.

Tuy nhiên, những thách thức về sản xuất vẫn còn. Ước tính trước đó rằng Nga có thể sản xuất 30 triệu liều vắc-xin trong năm nay đã được thu nhỏ lại.

Bộ trưởng Công nghiệp Denis Manturov cho biết Moscow đặt mục tiêu sản xuất 800.000 liều trong tháng này, tiếp theo là 1,5 triệu vào tháng 12. Nhưng khối lượng sản lượng hàng tháng sẽ cao hơn đáng kể từ đầu năm 2021.

Manturov đã trích dẫn các vấn đề với việc mở rộng sản xuất từ các lò phản ứng sinh học quy mô nhỏ đến lớn, trong khi ông Putin hồi tháng trước nêu các vấn đề về sự sẵn có của thiết bị.

Các quan chức đã nói rằng việc sản xuất vắc-xin trong nước trước tiên sẽ được sử dụng để đáp ứng nhu cầu của Nga.

RDIF, tuy nhiên, cũng đã thực hiện một số hợp đồng cung cấp quốc tế, tổng cộng lên tới 270 triệu liều.

Dự kiến, những liều vắc-xin này phần lớn sẽ được sản xuất ở các quốc gia khác và RDIF trước đó đã công bố thỏa thuận sản xuất 300 triệu liều ở Ấn Độ và một lượng liều không được tiết lộ ở Brazil, Trung Quốc và Hàn Quốc.