Người bệnh đái tháo đường cần chăm sóc tâm lý

(VOH) - Bệnh nhân đái tháo đường cần phải quản lý được cảm xúc của chính mình, vượt qua được rào cản tâm lý để có thái độ nghiêm túc, đúng mực trong quá trình điều trị.

Thông tin tại chương trình tư vấn sức khỏe chủ đề "Chăm sóc tâm lý cho bệnh nhân bệnh mạn tính" vừa diễn ra tại Phòng khám đa khoa – Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, chuyên gia tâm lý Thạc sĩ Trần Thị Tâm Nhàn, giảng viên Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch cho biết tầm quan trọng trong chăm sóc tâm lý bệnh nhân đái tháo đường.

Chuyên gia tâm lý Thạc sĩ Trần Thị Tâm Nhàn, giảng viên Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch

Cụ thể khi biết mình mắc bệnh người bệnh có một trong các cơ chế phòng vệ như hoảng sợ, mất kiểm soát xúc cảm, chống đối lại tác nhân gây lo âu, hoặc là né tránh, tự xem như là không có chuyện gì. Những cơ chế này đều khiến cho bệnh nhân nhìn nhận không đúng để giải quyết. Nếu không thực hiện điều trị bệnh đái tháo đường một cách phù hợp, bệnh sẽ chuyển biến trầm trọng hơn và gây ra các biến chứng như suy tim, đột quỵ, bệnh thận, bệnh võng mạc, tổn thương bàn chân…

Vậy nên, bản thân bệnh nhân cần phải quản lý được cảm xúc của chính mình, vượt qua được rào cản tâm lý để có thái độ nghiêm túc, đúng mực trong quá trình điều trị. Người thân cũng cần hiểu biết cơ chế tâm lý này để hỗ trợ người nhà.

Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo, 20 năm nữa bệnh đái tháo đường và những bệnh liên quan sẽ trở thành khủng hoảng y tế lớn nhất thế kỷ 21, dự ước có khoảng 330 triệu người mắc bệnh. Việt Nam có tỷ lệ người mắc đái tháo đường cao, nhất là tại các thành phố lớn khoảng trên 6% dân số trong khi  tỷ lệ này trên toàn quốc là 4,4%.