Nguyên nhân thoái hóa cột sống và những dấu hiệu nhận biết

(VOH) - Thoái hóa cột sống tưởng chừng chỉ xảy ra ở người cao tuổi, tuy nhiên, hiện nay, căn bệnh này đang có xu hướng ‘trẻ hóa’. Vậy nguyên nhân thoái hóa cột sống là do đâu?

1. Tìm hiểu về cấu trúc cột sống con người

Cột sống còn gọi là xương sống, là một cấu trúc xương được tìm thấy trong động vật có xương. Nó được hình thành từ các xương cá nhân gọi là đốt sống, tạo thành một ống sống, một khoang bao quanh và bảo vệ tủy sống.

Trong giải phẫu người, cột sống hay xương sống bao gồm 33 đốt sống, xương cùng, các đĩa đệm cột sống và xương cụt nằm ở phía lưng, tách biệt các đĩa cột sống. Nó chứa và bảo vệ tủy sống bên trong ống tủy sống.

Cột sống chia thành 3 khu vực gồm 7 đốt sống cổ C1 - C7, 12 đốt sống ngực T1 - T2, 5 đốt sống lưng L1 – L5. Tỏng đó, cổ và thắt lưng là 2 bộ phận dễ bị thoái hóa nhất.

2. Nguyên nhân thoái hóa cột sống là gì?

Có nhiều nguyên nhân thoái hóa cột sống nhưng phổ biến nhất có thể kể đến là do:

nguyen-nhan-thoai-hoa-cot-song-va-nhung-dau-hieu-nhan-biet-voh-1

Thoái hóa cột sống do nhiều nguyên nhân gây ra (Nguồn: Internet)

2.1 Quá trình lão hóa tự nhiên

Quá trình lão hóa của cơ thể là quy luật không thể tránh khỏi. Khi tuổi càng cao, cột sống càng dễ bị thoái hóa, tình trạng loãng xương, bào mòn sụn khớp xảy ra nhiều hơn.

2.2 Thói quen sinh hoạt

Ngồi lâu, ngồi nhiều một chỗ, ngủ sai tư thế, làm chuyện “ấy” thường xuyên,…cũng là những nguyên nhân thoái hóa cột sống phổ biến.

2.3 Do tính chất công việc

Những người làm nghề bê vác, gồng gánh đồ nặng, hay cúi gập người hoặc xoay cổ, ngửa cổ nhiều,…cũng dễ bị thoái hóa cột sống.

2.4 Di truyền huyết thống

Tỷ lệ thoái hóa cột sống ở người châu Á thấp hơn người châu Âu. Mắc các bệnh lý bẩm sinh di truyền như hẹp ống sống, gai cột sống,…là những đối tượng dễ mắc bệnh thoái hóa cột sống.

2.5 Chế độ dinh dưỡng

Chế độ ăn thường xuyên thiếu canxi, magie, vitamin,…sẽ khiến cột sống bị bào mòn, hạn chế khả năng tái tạo, làm tăng nguy cơ thoái hóa.

2.6 Thừa cân, béo phì

Tình trạng thừa cân, béo phì cũng là một yếu tố nguy cơ dẫn đến thoái hóa cột sống.

2.7 Chấn thương cột sống

Tiền sử chấn thương cột sống, bất thường trục chi dưới, tiền sử phẫu thuật cột sống,…cũng là những nguyên nhân phổ biến gây thoái hóa cột sống.

3. Triệu chứng thoái hóa cột sống

Tùy vị trí thoái hóa ở cổ hay thắt lưng mà triệu chứng sẽ khác nhau.

3.1 Thoái hóa cột sống cổ

  • Đau nhức cổ, cứng cổ, khó khăn khi vận động cổ, cơn đau xuất hiện đột ngột với mức độ nặng, kéo dài trong vài giờ hoặc vài ngày. Triệu chứng đau có thể lan xuống 1 bên vai hoặc cánh tay.
  • Tê, yếu liệt bả vai, cánh tay, ngón tay, mất cảm giác đôi bàn tay.
  • Nấc, ngáp, đau đầu, chóng mặt nếu bị thoái hóa đốt sống cổ C1 - C2.

3.2 Triệu chứng thoái hóa cột sống thắt lưng

nguyen-nhan-thoai-hoa-cot-song-va-nhung-dau-hieu-nhan-biet-voh-2

Khi có dấu hiệu bị thoái hóa cột sống nên đi khám để được chẩn đoán và điều trị sớm (Nguồn: Internet)

  • Đau thắt lưng âm ĩ kéo dài trong nhiều tuần.
  • Cơn đau tăng khi người bệnh ngồi trong thời gian dài, thực hiện các tư thế cong, xoay người hoặc nâng vác đồ vật.
  • Khi vào giai đoạn nặng, các cơn đau có thể lan xuống chân, gây tê liệt, yếu chân, gây khó khăn cho người bệnh khi di chuyển.

Khi có những dấu hiệu thoái hóa cột sống vừa kể trên, bạn nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa cơ xương khớp để thăm khám. Các bác sĩ sẽ xem xét, chẩn đoán và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp nhất cho bạn, nhằm hạn chế và khắc phục những cơn đau khó chịu do tình trạng thoái hóa gây ra.