Nhiều công nghệ, trang thiết bị mới nhất tại Triển lãm Y tế Quốc tế Việt Nam 2019

(VOH) - Các thành tựu, ứng dụng công nghệ mới nhất của Đức, Hàn Quốc, Đài Loan về dược phẩm, thiết bị chẩn đoán, hóa nghiệm, phẫu thuật, thiết bị thẩm mỹ, nha khoa…sẽ có mặt tại triển lãm.

Chiều ngày 20/8, tại TPHCM, đại diện Bộ Y tế, Công ty ADPEX phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp Dược Việt Nam và Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Y tế Việt Nam đã họp báo về Triển lãm Y tế Quốc tế Việt Nam (Pharmed & Healthcare Vietnam 2019).

Quang cảnh họp báo

Quang cảnh họp báo

Đây là Triển lãm quốc tế chuyên ngành Y Dược có quy mô và chất lượng lớn nhất tại Việt Nam, diễn ra từ ngày 11 - 14/9/2019 tại Trung tâm Hội chợ Triển lãm Sài Gòn (SECC), quận 7, TPHCM với qui mô 600 gian hàng đến từ 25 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Dự kiến triển lãm sẽ thu hút 15 ngàn lượt khách tham quan, chuyên gia tham dự.

Triển lãm là nơi hội tụ nhiều công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, hiện đại, mới nhất trên thế giới, là điểm đến của các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong lĩnh vực liên quan đến y tế, dược phẩm, chăm sóc sức khỏe...như OT2200 là bàn mổ mới nhất và phổ biến nhất, mẫu đèn LED mới nhất tuân thủ tiêu chuẩn mới là chất lượng chiếu sáng cao ST-LED70DCM, các hệ thống hình ảnh não dựa trên chức năng công nghệ quang phổ hồng ngoại (fNIRS) …

Đặc biệt tại triển lãm sẽ diễn ra 3 hội thảo chuyên sâu gồm: một số tiến bộ trong chẩn đoán, điều trị ung thư, hệ thống phẫu thuật robot, ứng dụng soi nhuộm màu phóng đại trong ung thư thực quản (Bệnh viện K Trung ương trình bày). Ngoài ra, còn cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành trong lĩnh vực Dược (Cục Quản lý Dược chủ trì) và tọa đàm về các qui định mới trong quản lý trang thiết bị y tế (Vụ Trang Thiết bị và Công trình Y tế ).

Khách tham quan, đơn vị sẽ có các chương trình kết nối giao thương, dự các chương trình giới thiệu các ứng dụng, sản phẩm mới.

Theo Business Monitor International - BMI, tỷ lệ tăng trưởng lũy kế hàng năm (CAGR) tiêu dùng cho nhu cầu chăm sóc sức khỏe của Việt Nam được dự đoán ở mức 9,5% trong giai đoạn 2016 - 2021 trong tương quan với mức 17,2% của giai đoạn 2011-2016. Con số này một phần  là nỗ lực của chính phủ trong việc đẩy mạnh liên kết giữa các đơn vị cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe công và các đơn vị tư nhân, nhằm giảm thiểu chi phí.

Chi tiêu cho chăm sóc sức khoẻ tư nhân cũng được đánh giá tích cực ở mức lũy kế 7,5% với phần lớn sự tăng trưởng nhờ vào mức bảo hiểm của người lao động.