Nhịp tim chậm: Nguyên nhân và cách xử lý khi mắc bệnh

( VOH ) - Nhiều người thường lo lắng khi nhịp tim đập nhanh vì nó có thể nguy hiểm đến tính mạng. Vậy nếu nhịp tim chậm thì có nguy hiểm không?

1. Như thế nào là nhịp tim chậm?

Nhịp tim bình thường của một người khỏe mạnh sẽ dao động trong khoảng 60 – 80 lần/phút. Nếu nhịp tim dưới 60 lần/phút thì được gọi là nhịp tim chậm.

Thông thường, người có thể trạng càng khỏe mạnh thì nhịp tim càng thấp. Đối với những vận động viên chuyên nghiệp, khi nghỉ ngơi, nhịp tim trung bình của họ chỉ khoảng 40 nhịp/phút nhưng sức khỏe của họ vẫn không có vấn đề gì. Các vận động viên được đào tạo cao cũng có thể có hội chứng tim thể thao, nhịp tim nghỉ ngơi rất chậm xảy ra như một sự thích ứng thể thao và giúp ngăn ngừa nhịp tim nhanh trong quá trình tập luyện.

Người bình thường, nhịp tim cũng có thể xuống dưới 60 nhịp/phút trong lúc ngủ sâu.

nhip-tim-cham-co-sao-khong-voh-1

Nhịp tim chậm có nguy hiểm không? (Nguồn: Internet)

2. Nguyên nhân nhịp tim chậm

Một số nguyên nhân có thể gây bệnh nhịp tim chậm bao gồm:

  • Tổn thương mô tim do lão hóa.
  • Tổn thương mô tim do bệnh tim hoặc nhồi máu cơ tim.
  • Nhịp tim chậm huyết áp cao.
  • Rối loạn tim bẩm sinh.
  • Nhiễm trùng mô cơ tim (viêm cơ tim).
  • Biến chứng của phẫu thuật tim.
  • Tuyến giáp kém hoạt động.
  • Mất cân bằng các chất điện giải cần thiết để thực hiện các xung điện.
  • Ngưng thở lặp đi lặp lại trong khi ngủ (hội chứng ngưng thở khi ngủ).
  • Chất sắt tích tụ trong các cơ quan.
  • Do thuốc, bao gồm một số loại thuốc dùng trong các rối loạn nhịp tim khác.

3. Biểu hiện của nhịp tim chậm

Nhịp tim chậm thường không gây ra triệu chứng nào cho đến khi nhịp tim chậm dưới 50 nhịp/phút. Các triệu chứng bao gồm:

  • Sắp ngất hoặc ngất xỉu.
  • Chóng mặt.
  • Yếu ớt, mệt mỏi.
  • Khó thở.
  • Đau ngực.
  • Lú lẫn hoặc gặp các vấn đề về trí nhớ.
  • Dễ bị mệt mỏi trong hoạt động thể lực.

4. Nhịp tim chậm có sao không?

Nếu tình trạng nhịp tim chậm kéo dài mà không điều trị thì có thể dẫn đến một số biến chứng như:

  • Thường xuyên ngất.
  • Suy tim, diễn tiến sau cùng của hầu hết các bệnh tim mạch.
  • Ngưng tim đột ngột hoặc đột tử.

Do đó, nếu bạn cảm thấy khó thở hoặc đau ngực kéo dài hơn vài phút thì hãy đi khám bác sĩ ngay, tránh để tình trạng này kéo dài.

5. Nhịp tim chậm phải làm sao?

nhip-tim-cham-co-sao-khong-voh-2

Hãy đi đo điện tim khi có dấu hiệu nhịp tim chậm để điều trị kịp thời (Nguồn: Internet)

Nhìn chung, nhịp tim chậm có thể bình thường nhưng nếu thấy kèm theo các dấu hiệu ngất xỉu, chóng mặt, yếu ớt, mệt mỏi, khó thở, đau ngực,…thì bạn nên đi đo điện tim để kiểm tra và điều trị kịp thời.

Những cách điều trị nhịp tim chậm phụ thuộc vào loại vấn đề điện động trên điện tâm đồ, mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng và nguyên nhân làm nhịp tim chậm. Hiện nay, điều trị nhịp tim chậm có 2 phương pháp chính là dùng thuốc làm tăng nhịp tim và cấy máy tạo nhịp tim.

5.1 Dùng thuốc

Thuốc tăng nhịp tim có hiệu quả điều trị thấp và có nhiều tác dụng phụ, đặc biệt là khi phải sử dụng lâu dài.

5.2 Cấy máy tạo nhịp tim

Máy này là thiết bị hoạt động bằng pin được cấy dưới xương đòn. Bác sĩ sẽ luồn dây điện của thiết bị này qua tĩnh mạch và vào tim. Điện cực ở cuối sợi dây được gắn vào mô tim. Thiết bị này giúp theo dõi nhịp tim và tạo ra các xung điện khi cần thiết để duy trì nhịp tim thích hợp. Hầu hết các máy tạo nhịp tim cũng có thể chụp và ghi lại thông tin để bác sĩ tim mạch có thể sử dụng nhằm theo dõi tim. Người bệnh phải tái khám thường xuyên theo lịch để kiểm tra tim và đảm bảo máy tạo nhịp tim hoạt động đúng chức năng. Cấy máy tạo nhịp tim rất hiệu quả và an toàn nhưng giá thành cao.

Bên cạnh việc điều trị theo chỉ định của bác sĩ, bạn hãy lưu ý những điều sau:

  • chế độ ăn uống lành mạnh cho tim bao gồm nhiều trái cây, rau, ngũ cốc, cá và thực phẩm từ sữa không béo hoặc ít chất béo.
  • Vận động thể lực thường xuyên, nếu có thể bạn nên tập tất cả các ngày trong tuần. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để biết cường độ tập luyện nào là an toàn cho bạn.
  • Giữ cân nặng ở mức cân đối.
  • Bỏ thuốc lá.
  • Kiểm soát các vấn đề sức khỏe khác, chẳng hạn như huyết áp cao và cholesterol cao.