Những ‘thủ phạm’ khiến răng bị đen theo thời gian

(VOH) - Thực tế, có rất nhiều người gặp phải tình trạng răng bị đen mà không biết nguyên nhân cũng như khắc phục thế nào. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về tình trạng răng bị đen.

Không phải ai cũng may mắn được sở hữu bộ răng trắng đẹp, thực tế có rất nhiều người lại phải chấp nhận hàm răng “xấu xí” ám màu đen tối. Vậy nguyên nhân gây ra tình trạng này là do đâu, liệu răng bị đen có tẩy trắng được không hay khắc phục bằng cách nào hiệu quả nhất?

1. Vì sao răng bị đen?

nhung-thu-pham-khien-rang-bi-den-theo-thoi-gian-voh

Răng bị đen có thể xuất phát từ nhiều tác nhân (Nguồn: Internet)

Màu trắng tự nhiên của răng xuất phát từ lượng canxi ở lớp ngoài của răng, được gọi là men răng. Theo thời gian, các yếu tố nguy cơ gây hại cho răng tích tụ làm cho răng chuyển màu, phổ biến là tình trạng răng chuyển màu đen. Một số tình trạng răng đen thường gặp là răng bị đen ở chân răng, trên răng có chấm đen nhỏ, răng bị đen bên trong (mặt trong),…

Răng bị đen có thể do các tác nhân bên ngoài hoặc các nguyên nhân bên trong cơ thể. Cụ thể:

1.1 Nguyên nhân từ bên ngoài

Răng bị đen có thể do tổn thương men răng, răng có vết ố, sự tích tụ vôi răng. Các tác nhân bên ngoài gây ra tình trạng này là do:

  • Do có thói quen sử dụng thuốc lá.
  • Dùng một số loại thuốc như sắt bổ sung dạng lỏng.
  • Do một số loại nước súc miệng và kem đánh răng làm hư men răng.
  • Trám răng có chứa hỗn hợp bạc sulfide, có thể làm cho răng xuất hiện màu đen.
  • Thường xuyên ăn hoặc uống những thức uống có màu tối sẽ dễ làm răng bị đen. Nhiều người quan niệm thức ăn và đồ uống không làm thay đổi màu răng, tuy nhiên, trên thực tế các loại đồ uống như trà, cà phê, thuốc lá, gia vị, rau và rượu vang đỏ, cocacola,…lắng đọng vào cấu trúc răng sẽ khiến răng bị đổi màu. Các loại thức ăn như xì dầu, nước sốt cà chua, cacao,…cũng là nguyên nhân làm thay đổi màu răng.

nhung-thu-pham-khien-rang-bi-den-theo-thoi-gian-voh

Sử dụng những thức uống màu tối trong thời gian dài sẽ khiến răng bị đen (Nguồn: Internet)

1.2 Nguyên nhân từ bên trong

Răng bị đen có thể do hư hại từ bên trong. “Thủ phạm” phổ biến nhất là sâu răng. Ngoài ra, nhiễm trùng tủy răng hoặc răng chết cũng có thể khiến răng biến thành màu đen.

Một số trường hợp mắc bệnh về máu và các yếu tố khác cũng có thể làm thay đổi màu răng như nhiễm sắc bilirubin (Bilirubin máu cao bẩm sinh, nhiễm sắc porphyrin, alkapton niệu),…

2. Răng bị đen khắc phục bằng cách nào?

Hầu hết các trường hợp răng bị đen không thể điều trị tại nhà mà cần đến nha sĩ để điều trị. Việc sử dụng một số bộ dụng cụ làm trắng răng tại nhà có thể giúp răng bạn giảm sự đổi màu một chút nhưng chỉ có nha sĩ mới có thể điều trị hoàn toàn tình trạng răng bị đen. Do đó, nếu muốn sở hữu một hàm răng đẹp bạn nên đến các trung tâm nha khoa để kiểm tra và xử lý tình trạng răng bị đen.

Trường hợp răng bị đen do cao răng, nha sĩ sẽ loại bỏ sự tích tụ cao răng bằng cách cạo cao răng ra khỏi răng. Nha sĩ có thể cần sử dụng các dụng cụ phát ra sóng siêu âm, sử dụng rung động để phá vỡ các cao răng và làm cho cao răng dễ dàng bị loại bỏ.

Trong trường hợp bị sâu răng, nha sĩ có thể áp dụng phương pháp làm sạch hoặc loại bỏ phần răng bị sâu. Nha sĩ sẽ loại bỏ phần răng bị ảnh hưởng và đóng lỗ sâu bằng cách trám răng.

3. Cách phòng tránh răng bị đen

Để phòng ngừa răng bị đen, Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ khuyến cáo bạn nên:

nhung-thu-pham-khien-rang-bi-den-theo-thoi-gian-voh

Vệ sinh răng miệng đúng cách để bảo vệ răng khỏe mạnh, không đổi màu (Nguồn: Internet)

  • Hạn chế ăn đồ ngọt có đường.
  • Khám răng định kỳ.
  • Đánh răng 2 lần một ngày với kem đánh răng có flour.
  • Làm sạch hoặc dùng chỉ nha khoa để vệ sinh răng ít nhất một lần/ngày.
  • Hạn chế uống cà phê, trà đen, rượu vang đỏ.
  • Học cách từ bỏ thuốc lá.

Lời khuyên: Hãy tập thói quen vệ sinh răng miệng thật tốt mỗi ngày để chống lại các tác nhân tiềm ẩn khiến răng bị đen. Đi khám nha sĩ là cách tốt nhất để bạn kiểm tra xem răng bị đen xuất phát từ những nguyên nhân nào để từ đó điều trị đúng cách.