Những điều mẹ bầu cần biết về nhau tiền đạo

(VOH) – Nhau tiền đạo là biến chứng không thể lường trước trong thai kỳ, có thể gây nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi. Do đó, việc nắm bắt những thông tin về tình trạng này sẽ rất cần thiết cho mẹ bầu.

Câu hỏi thính giả

Vợ em cách đây 2 năm có sinh 1 cháu và bây giờ lại mang bầu được 14 tuần rưỡi, cháu trước là thứ 2, cháu này là thứ 3. Vợ em lần đầu sinh thường, lần thứ 2 là mổ, từ lúc mang thai đến tháng thứ 8 thì theo dưỡng thai ở BV Từ Dũ, đến tháng thứ 8 do bụng to quá nên vợ em khám ở Vũng Tàu. Khi siêu âm thì bác sĩ ở Vũng Tàu nói bị nhau tiền đạo, tuy nhiên trước đây khi đi siêu âm ở Từ Dũ thì không thấy nói gì về nhau tiền đạo. Vậy bác sĩ cho em hỏi nhau tiền đạo là sau này mới phát hiện ra hay có ngay từ lúc đầu ạ? Ngoài ra, liệu đứa bé sau này có bị nhau tiền đạo không ạ?

1. BSCKII Trần Ngọc Hải (Phó GĐ BV Từ Dũ) giải đáp

1.1 Nhau tiền đạo là gì? Nhận biết được khi nào?

Nhau tiền đạo là bệnh lý của bánh nhau trong đó bánh nhau bám ở vị trí bất thường. Bánh nhau là gì? Bánh nhau thai hiểu đơn giản là một nơi có dây rốn kết nối từ tử cung của mẹ đến em bé và làm nhiệm vụ cung cấp oxy cũng như chất dinh dưỡng cho thai nhi phát triển.

Trong thai kỳ bình thường, bánh nhau thường bám vào phần đáy tử cung (có thể mặt trước hoặc mặt sau), nhưng nếu bị nhau tiền đạo, bánh nhau sẽ bám vào đoạn dưới tử cung và nằm ở gần cổ tử cung. Trong nhau tiền đạo được chia thành nhiều mức độ như:

  • Nhau tiền đạo nhóm 1 (nhau bám thấp).
  • Nhau tiền đạo nhóm 2 (nhau bám mép).
  • Nhau tiền đạo nhóm 3 (nhau tiền đạo bán trung tâm).
  • Nhau tiền đạo nhóm 4 (nhau tiền đạo trung tâm).

nhung-dieu-me-bau-can-biet-ve-nhau-tien-dao-voh

Nhau tiền đạo được chia thành 4 mức độ khác nhau (Nguồn: Internet)

Trong 4 mức độ trên, nếu thai phụ được chẩn đoán thuộc nhau tiền đạo nhóm 4, tức là nhau tiền đạo trung tâm thì sẽ rất nguy hiểm, bởi lúc này bánh nhau bám vào đoạn dưới tử cung và che kín hoàn toàn lỗ trong cổ tử cung, khi sinh nở quá trình đau bụng đẻ ở thai phụ có thể gây chảy máu tử cung nghiêm trọng. 

Tuy nhiên, do vị trí của bánh nhau có thay đổi trong quá trình mang thai do em bé và tử cung của người mẹ to lên, cho nên các bác sĩ thường sẽ không thể xác định tình trạng nhau tiền đạo trong 3 tháng đầu và 3 tháng giữa thai kỳ. Đa phần tình trạng này sẽ được xác định vào 3 tháng cuối (tức là từ tháng 7- 8 - 9 trong thai kỳ).

1.2 Nhau tiền đạo có thể được can thiệp trong thai kỳ được không?

Trong quá trình mang thai, tất cả các dấu hiệu nằm trong buồng tử cung đều không thể can thiệp được, bởi việc thực hiện các can thiệp trong thai kỳ có thể ảnh hưởng đến thai phụ lẫn thai nhi, chẳng hạn như: dọa sinh non hay sinh non.... 

Do đó, thông thường khi xác định thai phụ bị nhau tiền đạo bác sĩ sẽ “tiên đoán” khả năng nguy hiểm và sau đó tiến hành tư vấn cho thai phụ để chuẩn bị những điều kiện tốt nhất nhằm giải quyết vấn đề nhau tiền đạo một cách thật an toàn để tránh nguy cơ chảy máu nhiều hoặc phải phải cắt bỏ tử cung.

Ngoài ra cần lưu ý, nhau tiền đạo có thể xuất hiện ở bất cứ thai kỳ nào cho nên việc quan trọng nhất mà các thai phụ cần nhớ là nhận diện sớm các dấu hiệu để phòng ngừa và can thiệp đúng thời điểm.

Bạn có thể nghe lại phần tư vấn trực tiếp của bác sĩ từ video bên dưới: