Những đối tượng dễ mắc bệnh bụi phổi và cách phòng ngừa căn bệnh

(VOH) - Không khí bị ô nhiễm hoặc làm việc trong các môi trường nhiều khói bụi là yếu tố nguy cơ hàng đầu gây nên bệnh bụi phổi. Vậy bệnh bụi phổi là gì, nhận biết và phòng tránh ra sao?

1. Bệnh bụi phổi là gì?

Bệnh bụi phổi là một thuật ngữ chung cho bất kỳ bệnh phổi nào do bụi gây ra và sau đó bụi tích tụ sâu trong phổi, gây ra các tổn thương. Bệnh bụi phổi thường được coi là bệnh phổi lao động, bao gồm bệnh bụi phổi silic nghề nghiệp, bệnh bụi phổi amiang, bệnh bụi phổi bông, bệnh phổi mổ than (CWP) còn được gọi là “bệnh phổi đen”,…

nhung-doi-tuong-de-mac-benh-bui-phoi-voh

Bụi tích tụ trong phổi (Nguồn: Internet)

Mức độ nghiêm trọng của bệnh bụi phổi rất khác nhau tùy vào loại bụi, phần phổi bị ảnh hưởng và mức độ tiếp xúc của bụi.

2. Triệu chứng bệnh bụi phổi

Trong giai đoạn đầu của bệnh bụi phổi, bệnh nhân ít gặp triệu chứng, khi bệnh tiến triển sẽ có những triệu chứng rõ ràng hơn. Các triệu chứng bao gồm:

  • Ho (có đờm hoặc không có đờm).
  • Tức ngực.
  • Khó thở.

Những bệnh nhân bị bệnh bụi phổi thường thở nhiều và thở gấp khi hoạt động như đi bộ hoặc leo cầu thang. Một số người còn thấy khó thở khi nghỉ ngơi.

Nếu ho khan liên quan đến một phần ở phổi, máu có thể khó tiếp cận được với oxy trong quá trình hô hấp. Điều này dẫn đến tình trạng thiếu oxy máu. Tình trạng thiếu oxy máu chỉ xảy ra khi hoạt động hoặc ngủ.

3. Nguyên nhân gây bệnh bụi phổi

Theo các nhà khoa học, bệnh bụi phổi là do bụi tích lũy trong phổi thông qua quá trình người bệnh hít thở khói bụi bẩn vào trong cơ thể thường xuyên. Nếu kích thước bụi lớn nó sẽ bị bắt giữ ở đường thở và đào thải ra ngoài dễ dàng. Tuy nhiên, nếu bụi có kích thước nhỏ sẽ tiến sâu vào trong phế nang, dẫn đến việc đào thải chậm. Lâu dần, những hạt bụi đó sẽ gây nên bệnh bụi phổi.

Như vậy, nguyên nhân gây bệnh bụi phổi chủ yếu là do tiếp xúc với vật liệu có tính phân tán thành những hạt rất nhỏ, có khả năng xâm nhập vào phổi.

4. Đối tượng dễ mắc bệnh bụi phổi

Những người có nguy cơ cao mắc bệnh bụi phổi là:

  • Bệnh bụi phổi silic: Những thợ khai thác đá, cắt đá, đào hầm, phun cát, làm đồ gốm,…dễ bị bệnh bụi phổi silic.
  • Bệnh bụi phổi amiăng: Những người lao động có tiếp xúc với amiăng như thợ ống nước, thợ lợp mái, thợ cơ khí, công nhân đóng tàu, các viên chức hải quan,…là đối tượng dễ bị bệnh bụi phổi amiang.
  • Bệnh bụi phổi than: Thường gặp ở công nhân mỏ than.
  • Bệnh bụi phổi bông: Thường gặp ở người công nhân dệt, thường xuyên hít phải bụi bông.

nhung-doi-tuong-de-mac-benh-bui-phoi-voh

Các thợ đào mỏ khoáng dễ bị bệnh bụi phổi (Nguồn: Internet)

5. Điều trị bệnh bụi phổi bằng cách nào?

Hiện không có thuốc điều trị đặc hiệu và cũng không có phương pháp đặc biệt nào có thể chữa trị bệnh bụi phổi. Hầu hết các phương pháp điều trị cho bệnh nhân bệnh bụi phổi chỉ nhằm hạn chế thêm thiệt hại cho phổi, giảm các triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống.

Nếu bệnh nhân có triệu chứng hen hoặc phổi tắc nghẽn thì có thể dùng các loại thuốc hít.

Nếu bạn đang sống với bệnh bụi phổi thì bạn cần bỏ thuốc lá và tránh xa khói thuốc lá. Bạn cũng nên tránh tiếp xúc với các loại bụi có hại để chăm sóc tốt cho phổi và tim.

Lưu ý: Bệnh bụi phổi có thể dẫn tới biến chứng nguy hiểm như viêm phế quản mãn tính, suy hô hấp hoặc nhiễm khuẩn cấp tính phế quản phổi. Do đó, việc ngăn chặn bệnh trở nặng hơn là rất quan trọng.

6. Giải pháp phòng ngừa bệnh bụi phổi

nhung-doi-tuong-de-mac-benh-bui-phoi-voh

Khi làm việc trong môi trường nhiều khói, bụi bạn nên sử dụng dụng cụ bảo hộ lao động (Nguồn: Internet)

  • Người lao động thường xuyên tiếp xúc với bụi khoáng phải luôn sử dụng các thiết bị bảo hộ như quần áo, kính mắt, khẩu trang chống bụi theo đúng chỉ dẫn của nhà sản xuất.
  • Tránh tiếp xúc amiăng tại nhà: Nếu bạn đang sở hữu một ngôi nhà cũ nát sẽ rất nguy hiểm bởi chất amiăng trong các thiết bị nhà bạn không được an toàn, nó có thể khiến bạn mắc bệnh bụi phổi. Vì vậy, bạn nên thay mới cho những vật dụng đã quá cũ.
  • Nên tập thói quen không hút thuốc lá và tránh xa khói thuốc lá.