Nuốt nghẹn - nguyên nhân và mẹo khắc phục

(VOH) - Ăn cơm bị ‘mắc nghẹn’ là tình trạng xảy ra phổ biến, đặc biệt là những người lớn tuổi. Vậy nguyên nhân gây ra tình trạng này là do đâu và nên làm gì để khắc phục chứng nuốt nghẹn?

Thắc mắc của thính giả:

Chào bác sĩ! mẹ em bị thiếu máu cơ tim và cao huyết áp, mẹ cũng đã đi khám định kỳ hàng tháng ở bệnh viện Chợ Rẫy. Tuy nhiên, vấn đề mẹ em gặp phải đó là ăn cơm hay bị mắc nghẹn, vậy bác sĩ cho em hỏi, ăn cơm hay mắc nghẹn là bị gì vậy ạ?

nuot-nghen-cho-xem-thuong

Vì sao ăn cơm bị nghẹn? (Nguồn: Internet)

1. Nuốt nghẹn là do đâu?

Hiện tượng, ăn cơm bị nghẹn có thể xảy ra ở bất kỳ ai, nhưng thường gặp nhất là người cao tuổi. Theo PGS.TS BS Nguyễn Thị Bay (Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM), nguyên nhân gây ra tình trạng này có thể do:

  • Nuốt vội, thức ăn chưa được nghiền nát có thể gây nghẹn khi nuốt.
  • Vừa ăn vừa nói chuyện cũng có thể gây hóc hạt cơm, kích thích gây ho, góp phần co thắt cơ vòng. Tình trạng này xảy ra thường xuyên có thể làm tổn thương thực quản và dễ dẫn đến mắc nghẹn khi nuốt.
  • Dạ dày yếu hoặc phản ứng của cơ hoành không tốt cũng có thể là nguyên nhân gây nuốt nghẹn.

Bác sĩ Bay cho biết, người cao tuổi khi ăn cơm rất dễ bị nghẹn, vì vậy, cần chú ý ăn chậm, nhai kỹ, nuốt từng phần thức ăn, không nên nuốt vội và đừng nói chuyện hay đùa giỡn trong khi ăn. 

2. Mẹo khắc phục nuốt nghẹn tạm thời

Theo bác sĩ Bay, tại thời điểm bị nghẹn, bạn có thể “chữa cháy” bằng cách uống một chút nước ngọt có gas, nó sẽ có tác dụng giải quyết tạm thời tình trạng nghẹn. Tuy nhiên, đây chỉ là mẹo vặt, hơn nữa uống nhiều nước ngọt có gas cũng không tốt cho sức khỏe. Vì vậy, bạn không nên áp dụng cách này thường xuyên.

Nếu tình trạng nuốt nghẹn diễn ra liên tục trong các bữa ăn thì bạn phải đi khám để bác sĩ kiểm tra tình trạng bên trong, xác định nguyên nhân và hướng dẫn cách giải quyết phù hợp.

Xem nội dung bài viết nhanh hơn tại video này: