Phòng bệnh hô hấp, bệnh cúm dịp Tết như thế nào?

(VOH) - Thời tiết những ngày giáp Tết bắt đầu có sự thay đổi, khí hậu sẽ lạnh hơn về đêm cũng như vào sáng sớm. Thời tiết chuyển mùa làm cho nhóm bệnh hô hấp ở trẻ gia tăng.

Phòng bệnh hô hấp

Mùa này, theo ghi nhận có rất nhiều trẻ phải nhập viện vì viêm phổi. Mẹ bé Nguyễn Khánh Lan, 2 tuổi nhà ở Quận Bình Tân, đang điều trị viêm phổi cho con tại Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết bé nhà em bị viêm phổi, lúc trước nó bị viêm tiểu phế quản 15 ngày. Bé bị khó thở, thở khò khè nhập viện lần hai tại khoa hô hấp, có kèm theo ho và sổ mũi.

Với bệnh hô hấp thường chia thành hai nhóm viêm hô hấp trên và hô hấp dưới. Ở đường hô hấp trên các bệnh thường gặp vào mùa này là viêm mũi xoang, viêm mũi dị ứng, viêm họng trong khi đó viêm đường hô hấp dưới sẽ là viêm tiểu phế quản, viêm phế quản đặc biệt là viêm phổi rất nguy hiểm ở trẻ nhỏ. Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm – thần kinh – Bệnh viện Nhi đồng 1, lưu ý khi phụ huynh có con mắc bệnh viêm đường hô hấp trên thì phải điều trị ngay, để kéo dài trẻ rơi vào viêm phổi hoặc biến chứng nguy hiểm.

"Nếu không điều trị kịp thời thì bệnh sẽ diễn tiến xuống đường hô hấp dưới, xuống phổi làm viêm phổi. Khi viêm phổi sẽ làm em bé thở nhanh, khó thở, thiếu oxy thậm chí nếu không điều trị kịp thời sẽ tử vong. Mặt khác nếu viêm đường hô hấp mà không điều trị tốt sẽ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như là vi trùng xâm nhập vào đường máu, lên não gây viêm màng não",  Bác sĩ Trương Hữu Khanh chia sẻ.

Khám bệnh cho trẻ em tại bệnh viện

Hình minh họa: PN

Phòng bệnh cúm

Sự thay đổi thời tiết thời điểm giáp Tết luôn là điều kiện thuận lợi cho vi rút cúm phát triển. Đáng nói nếu không kiểm soát kịp thời khống chế, cúm A H1N1 sẽ lây lan thành dịch lớn vì bệnh lây qua đường hô hấp. Những người già, trẻ em hay người mắc bệnh mãn tính càng có nguy cơ nhiễm cúm và sẽ biến chứng nặng thậm chí tử vong nếu không phát hiện bệnh kịp thời.

Bác sĩ Lê Hồng Nga - Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm - Trung tâm Y tế dự phòng Thành phố lưu ý cộng đồng nên chủ động phòng bệnh bằng các biện pháp như thường xuyên rửa tay bằng nước, bằng xà bông, giữ gìn nhà cửa sạch thông thoáng, hạn chế tiếp xúc với những người đang mắc bệnh hô hấp. Mọi người nên chủ động đi tiêm ngừa vắc xin phòng ngừa bệnh cúm nhất là những người nằm trong nhóm đối tượng nguy cơ cao là thai phụ, trẻ em, người già, người mắc bệnh mạn tính.

Bên cạnh cúm A H1N1 thì cúm gia cầm trên người cũng rất nguy hiểm khi khả năng tử vong nhiễm cúm này ở khoảng 50%. Nguy cơ càng cao khi mới đây, dịch cúm A H5N1 trên gia cầm đã xuất hiện với ổ dịch được phát hiện tại xã Long Sơn, huyện Cần Đước, tỉnh Long An. Khả năng vi rút cúm này lây sang người luôn tiềm ẩn nếu cộng đồng không nâng cao ý thức cảnh giác, vẫn còn thói quen ăn uống, chế biến gia cầm bệnh, không đảm bảo an toàn.

Phòng cúm A H5N1 có nguy cơ lây sang người

Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế Trương Đình Bắc cảnh báo cúm A H5N1 có thể tiềm ẩn nguy cơ lây sang người. Theo giám sát của cơ quan thú y thì người ta thấy cúm A H5N1 lưu hành trên đàn gia cầm, đàn thủy cầm đặc biệt đàn thủy cầm mang mầm bệnh nhưng không có biểu hiện bệnh nên chúng ta sẽ không biết lúc nào chúng bị nhiễm vi rút này. Những tháng cuối năm dịp lễ hội, lễ Tết nhiều sự kiện nên việc tiêu thụ sản phẩm từ gia cầm gà vịt sẽ gia tăng rất cao nên nguy cơ sẽ lây vi rút cúm sang người.

Để tăng cường phòng chống dịch bệnh dịp Tết, Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế chỉ đạo các đơn vị y tế dự phòng tăng cường hoạt động giám sát tại khu vực cửa khẩu và cộng đồng nhằm phát hiện sớm các trường hợp bệnh nghi ngờ, trường hợp bệnh xâm nhập, đặc biệt là các ổ dịch cũ, các trường hợp về từ vùng có dịch, tổ chức cách ly, quản lý kịp thời và xử lý triệt để các ổ dịch mới phát sinh, lưu ý các bệnh cúm gia cầm, ho gà, sởi, rubella, tiêu chảy cấp, tay chân miệng, sốt xuất huyết, không để dịch bệnh bùng phát và lan rộng.

Về phía ngành y tế, Cục cũng chỉ đạo đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trong dịp Tết và mùa lễ hội, các biện pháp phòng, chống các bệnh dịch lây truyền qua đường hô hấp như bệnh sởi, cúm ở người, các bệnh dịch lây truyền qua đường tiêu hóa, thực hiện vệ sinh cá nhân, bảo đảm an toàn thực phẩm và lợi ích của tiêm vắc xin phòng bệnh.