Phòng ngừa bệnh tay chân miệng cho bé trong mùa tựu trường

(VOH) - Những ngày qua, bệnh viện Nhi đồng 1 và Nhi đồng 2 ghi nhận số ca tay chân miệng nhập viện điều trị bắt đầu tăng.

Ảnh minh họa: Báo Giao thông

Theo chu kỳ dịch, mùa tựu trường cũng là lúc tay chân miệng vào chu kỳ thứ 2 trong năm. Nếu không có biện pháp chủ động đối phó thì tình hình sẽ diễn biến khó lường.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh – Trưởng khoa nhiễm – Bệnh viện Nhi đồng 1 cho hay, mặc dù tuyến y tế cơ sở thực hiện tốt tuyên truyền về những triệu chứng điển hình của tay chân miệng trong những năm gần đây, nhưng hiện tại đã có những ca tay chân miệng nặng nhập viện điều trị.

Phóng viên VOH phỏng vấn bác sĩ Trương Hữu Khanh – Trưởng khoa nhiễm – Bệnh viện Nhi đồng 1.  

* Bác sĩ cho biết tình hình bệnh tay chân miệng ?

- Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Bệnh tay chân miệng hiện vô mùa. Nghĩa là từ đầu năm đến nay số ca rất thấp nhưng cách đây 2 tuần số ca tăng lên. So với cùng kỳ năm ngoái, số ca tay chân miệng không phải quá cao nhưng số ca nặng vẫn có và dự báo có thể tăng. 

* Các trường học có thể chủ động phòng ngừa như thế nào thưa bác sĩ?

- Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Tới mùa tựu trường em bé đi học có khả năng bị lây bệnh từ các em khác. Nên lưu ý, bé tới trường là phải rửa tay liền, sinh hoạt tại trường theo đúng quy định của trường, về nhà thì rửa tay. Nếu bé bị mắc bệnh thì cách ly ở nhà khoảng 10 ngày. Phụ huynh phải gọi báo để cô giáo vệ sinh ngay phòng học tránh lây lan bé khác. Ở trường phải thực hiện biện pháp vệ sinh thông thường và khi có mầm bệnh phải thực hiện đúng hướng dẫn của trung tâm y tế dự phòng để diệt mầm bệnh.

* Một số phụ huynh lơ là nên khi đưa trẻ vào bệnh viện thì diễn tiến rất nặng. Vậy làm sao chúng ta phát hiện sớm bệnh tay chân miệng ?

- Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Bệnh tay chân miệng  có những mốc quan trọng. Đa phần bé sẽ tự khỏi từ 5 đến 7 ngày. Khi bé sốt 2 ngày trở lên, sốt cao khó hạ, có nôn ói hoặc nhợn ói - thì đó là dấu hiệu bệnh có thể biến chứng. Và khi có biến chứng rồi sẽ xuất hiện giật mình, nẩy người chới với khi mới thiu thiu ngủ, tần suất ngày càng nhiều...

Ngoài ra có các dấu hiệu khác như yếu tay yếu chân, run tay run chân, thở mệt, da nổi bông, trụy mạch có thể tử vong rất nhanh. Đây là những dấu hiệu đặc trưng nặng phải được đưa đến cơ sở y tế khám ngay.

* Có trường hợp nào mà tay chân miệng không có triệu chứng điển hình nhưng khi vào viện lại diễn tiến nặng không, thưa bác sĩ?

- Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Cũng có trường hợp bị bóng nước và vết loét rất kín đáo, mình không chú ý tới khi xuất hiện những triệu chứng nặng của tay chân miệng, đi tìm mới thấy. Cho nên bé sốt cao trên hai ngày, hoặc có triệu chứng giật mình thì phải đi tìm dấu chứng và đi khám ngay tay chân miệng

* Một lần nữa, bác sĩ gửi thông điệp cho cộng đồng đặc biệt với bà mẹ có con nhỏ trong phòng ngừa tay chân miệng?

- Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Đây là bệnh đến hẹn lại lên nên mình phải phòng ngừa bằng ý thức thường xuyên rửa tay bằng xà phòng cả người lớn và em bé.

Không chỉ mầm bệnh ở bàn tay mà còn ở đồ chơi, những vật dụng trẻ có thể ngậm vô miệng, sàn nhà trẻ chơi, những nơi này phải sát khuẩn vệ sinh. Phụ huynh ý thức phòng vệ cho con mình và những người khác nếu con em mình bị bệnh phải cách li, phải thông báo cho nhà trường, để trường vệ sinh phòng bệnh cho những bé khác.

Chúng ta nên nhớ rửa tay phòng bệnh tay chân miệng sẽ cùng lúc phòng ngừa rất nhiều bệnh khác.

* Cảm ơn bác sĩ!