Rối loạn ăn uống: Nguyên nhân và cách điều trị

(VOH) - Rối loạn ăn uống là một chứng bệnh thường gặp ở phụ nữ, nó để lại hậu quả nặng nề đối với tâm lý và sức khỏe. Vậy rối loạn ăn uống là gì, nguyên nhân do đâu và chữa trị bằng cách nào?

1. Rối loạn ăn uống là gì?

Rối loạn ăn uống là một bệnh có nguồn gốc tâm lý, người bệnh thường đau khổ hoặc lo ngại về vóc dáng và cân nặng của cơ thể. Hầu hết các rối loạn ăn uống đều do người bệnh chú trọng quá nhiều vào cân nặng, hình dáng, thực phẩm, dẫn đến chế độ ăn uống không đúng cách.

roi-loan-an-uong-nguyen-nhan-va-cach-dieu-tri-voh-1

Rối loạn ăn uống ảnh hưởng đến thể chất lẫn tinh thần (Nguồn: Internet)

Theo Ths.Bs Nguyễn Ngọc Quang (Giám đốc Trung tâm giám định pháp y tâm thần), rối loạn ăn uống thường có các hình thức như chán ăn tâm thần hoặc ăn uống vô độ (hay còn gọi là cuồng ăn hay chứng háu ăn). 

  • Chán ăn tâm thần là người bệnh tự nhịn đói hay không chịu ăn, dẫn đến không đủ chất để nuôi dưỡng cơ thể. Người bị chán ăn tâm thần thường có cảm giác không thèm ăn, cho rằng mình đang mập, béo nhưng thực tế thì đang rất gầy. 
  • Ăn uống vô độ (hay cuồng ăn) thường gặp ở những người có thói quen ăn uống không có lợi cho sức khỏe. Họ hay có những cuộc chè chén say sưa và ăn nhiều trong một bữa ăn. Điều này làm họ cảm thấy có tội và không làm chủ được bản thân, vì thế họ sợ hãi và muốn trừng phạt mình bằng cách nhịn đói, làm bản thân trở nên ốm yếu hay uống thuốc nhuận tràng hoặc tập thể dục quá mức. Điều này có thể dẫn đến một số rắc rối về thể chất như sâu răng, táo bón, thậm chí gây nguy hiểm cho tim mạch, ruột hay thận,…

2. Nguyên nhân gây rối loạn ăn uống

Theo bác sĩ Quang, những người bị rối loạn ăn uống thường do các nguyên nhân sau đây:

  • Do thói quen ăn uống đơn điệu, ăn kiêng khem kèm theo căng thẳng, lo âu dẫn đến rối loạn ăn uống.
  • Do lạm dụng rượu, ma túy.
  • Do môi trường xã hội, nhiều người thường cho rằng tiêu chuẩn của đẹp là vóc dáng mảnh khảnh nên người bệnh chạy theo xu hướng giảm cân, muốn gầy ốm. 
  • Ngoài ra, rối loạn ăn uống còn có liên quan đến trục não bộ tuyến yên dưới đồi.
  • Do người bệnh bị rối loạn hệ thần kinh nội tiết, trầm cảm, lo âu, căng thẳng.

3. Hậu quả của rối loạn ăn uống

Bác sĩ Quang cho biết, rối loạn ăn uống để lại nhiều hậu quả nặng nề cho thể chất lẫn tinh thần. Cụ thể, nó gây ra những tác hại sau đây:

  • Ảnh hưởng trực tiếp đến vẻ bề ngoài như nét mặt, làn da bị xuống sắc, mái tóc bị ảnh hưởng, mất cân đối về vóc dáng, người gầy gò, ốm yếu, xanh xao hoặc béo phì, cơ bắp nhão, mỡ chảy xệ vùng đùi, mông.
  • Dẫn đến các biến chứng nặng nề như thiếu máu nhẹ; giảm cơ bắp; dễ bị táo bón; da khô, vàng; tóc và móng giòn, dễ gãy; trọng lượng xương giảm; nhịp thở chậm; huyết áp giảm; ảnh hưởng đến răng miệng.
  • Có nguy cơ tự sát cao. Theo khảo sát, tỷ lệ người bệnh rối loạn ăn uống có nguy cơ tự sát xấp xỉ 60%.
  • Người bệnh có nguy cơ tử vong cao gấp 10 lần so với người bình thường.
  • Dễ bị rối loạn tâm thần như rối loạn lo âu, trầm cảm, hành vi ám ảnh và các biến chứng về thần kinh.
  • Nếu ăn uống vô độ sẽ dễ lâm vào trạng thái mất cảm giác no. Nếu không kiểm soát kịp thời dễ dẫn đến béo phì, tiểu đường, tăng huyết áp, mắc bệnh tim mạch.

Như vậy, hậu quả của rối loạn ăn uống là vô cùng lớn, nó không chỉ “tàn phá” thể chất mà còn ảnh hưởng đến tinh thần của người bệnh. 

4. Điều trị rối loạn ăn uống bằng cách nào?

Việc chữa trị rối loạn ăn uống không chỉ có bác sĩ tâm lý mà còn có sự tham gia của bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng. Việc điều trị có thể bao gồm:

roi-loan-an-uong-nguyen-nhan-va-cach-dieu-tri-voh-2

Điều trị rối loạn ăn uống cần phối hợp liệu pháp tâm lý và dinh dưỡng (Nguồn: Internet)

  • Giúp tạo lại thói quen ăn uống lành mạnh.
  • Tác động về mặt tâm lý để giúp người bệnh thay đổi niềm tin và hành vi có hại liên quan đến ăn uống. 
  • Sử dụng thuốc chống trầm cảm, chống loạn thần…tuy nhiên, cần chú ý các bất lợi đi kèm sau khi dùng thuốc.

Việc can thiệp sớm khi bệnh mới bắt đầu thì kết quả điều trị sẽ khả quan hơn. Vì vậy, khi có những dấu hiệu rối loạn ăn uống như chán ăn tâm thần hay ăn uống vô độ thì hãy đến gặp các chuyên gia dinh dưỡng và chuyên gia tâm lý để được tư vấn và can thiệp kịp thời.

Bạn có thể nghe lại phần tư vấn trực tiếp của bác sĩ Nguyễn Ngọc Quang tại audio bên dưới: