Chẩn đoán và điều trị hiệu quả rối loạn cương dương

(VOH) - Rối loạn cương dương là bệnh lý thường xảy ra và ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động sinh lý của nam giới. Nguyên nhân nào gây nên tình trạng rối loạn này và làm sao để điều trị dứt điểm?

Theo nhiều thống kê, trước đây, rối loạn cương dương thường xảy ra ở nam giới ngoài 40 tuổi, tuy nhiên, bệnh nam khoa này ngày càng trẻ hóa, thậm chí trong độ tuổi từ 18-20 cũng có nguy cơ mắc bệnh.

1. Rối loạn cương dương là gì?

Ths.Bs Nguyễn Hồ Vĩnh Phước (Chuyên khoa nam học, Bệnh viện Bình Dân) cho biết, rối loạn cương là một trong số các rối loạn tình dục thường gặp ở nam giới, đó là tình trạng nam giới không có khả năng duy trì được độ cương cứng của dương vật đủ để giao hợp. Trước đây, người ta gọi tình trạng này là bất lực ở nam giới và ngày nay, nó được gọi là rối loạn cương dương. 

Có nhiều tài liệu cho thấy, rối loạn cương dương được xác định khi nó diễn ra thường xuyên trên 3 tháng, trong điều kiện cặp đôi quan hệ điều độ. Nếu rối loạn cương dương thoáng qua vài lần do yếu tố tâm lý, stress, sự thiếu tự tin,…và tình trạng này được khắc phục sau đó thì nam giới không cần quá lo ngại.

Xem thêm: Những tín hiệu cho thấy bạn đang mắc chứng bệnh rối loạn lo âu

2. Biểu hiện rối loạn cương dương

Nam giới có thể nhận biết mình có bị rối loạn cương dương hay không dựa vào những biểu hiện cơ bản sau đây:

  • “Cậu bé” không khởi động được khi cuộc giao hợp đã bắt đầu từ lâu
  • Đang quan hệ giữa chừng thì “cậu bé” xìu xuống
  • Nam giới có “ham muốn” nhưng “cậu bé” không thể cương cứng
  • “Cậu bé” cương cứng bất thường (khi nam giới cần giao hợp thì “cậu bé” không cương cứng, nhưng trong một số trường hợp khác như đang làm việc, đang ngủ thì “cậu bé” lại cương cứng).
chan-doan-va-dieu-tri-hieu-qua-roi-loan-cuong-duong-voh-0
Sinh hoạt vợ chồng ảnh hưởng bởi rối loạn cương dương (Nguồn: Internet) 

3. Nguyên nhân gây rối loạn cương dương 

Bác sĩ Phước cho biết, có rất nhiều nguyên nhân và yếu tố nguy cơ liên quan đến tình trạng rối loạn cương dương ở nam giới. Cụ thể là:

  • Yếu tố tâm lý: Tình trạng căng thẳng, mệt mỏi, stress,…có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống chăn gối và làm giảm độ cương cứng khi nam giới giao hợp. 
  • Yếu tố liên quan đến thần kinh: Trầm cảm và một số bệnh thần kinh khác như rối loạn lo âu,…cũng có thể liên quan đến tình trạng rối loạn cương ở nam giới.
  • Một số bệnh lý về chuyển hóa như: tiểu đường, cholesterol trong máu cao, cao huyết áp,…cũng có thể ảnh hưởng và làm giảm độ cương cứng khi nam giới giao hợp. 
  • Suy giảm nội tiết: Nội tiết tố testosterone suy giảm khiến nam giới dễ bị rối loạn tình dục, trong đó có rối loạn cương dương.
  • Bệnh Peyronie: Đây là bệnh làm biến dạng và để lại các mô sẹo bên trong dương vật. Mô sẹo này sẽ dày lên, làm "cậu nhỏ" bị cong hoặc lệch đi, ảnh hưởng đến khả năng cương dương. 
  • Sử dụng chất kích thích: Thói quen sử dụng rượu, bia hay thuốc lá làm gia tăng nồng độ chất kích thích trong cơ thể nam giới, ảnh hưởng tới khả năng tuần hoàn máu cũng như ức chế quá trình sản sinh testosterone. 
group-bi-mat-nam-gioi-voh-noi-chia-se-kien-thuc-huu-ich-danh-cho-nam-gioi-1
Group Bí mật nam giới VOH - Nơi chia sẻ kiến thức hữu ích dành cho nam giới

4. Chẩn đoán rối loạn cương dương 

Để có thể chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh lý, nam giới cần tới các cơ y tế để được các bác sĩ nam khoa thăm khám. Dưới đây là một số phương pháp chẩn đoán đang được áp dụng.

  • Thăm hỏi tiền sử bệnh và khám toàn thân: Đây là bước thăm khám đầu tiên để bác sĩ hiểu được tình trạng sức khỏe cũng như các bệnh lý bệnh nhân đang mắc phải, nhằm chẩn đoán nguyên nhân được chính xác. 
  • Khám cơ quan sinh dục: Bác sĩ sẽ kiểm tra "cậu nhỏ", tinh hoàn, xác định vấn đề bất thường hoặc để kiểm tra mức độ nhạy cảm của thần kinh tại cơ quan sinh dục. 
  • Thực hiện xét nghiệm: Xét nghiệm máu và xét nghiệm nước tiểu để xem có các yếu tố nguy cơ nào không, cụ thể là những bệnh lý về rối loạn chuyển hóa như tiểu đường, huyết áp, tim mạch.
  • Siêu âm: Siêu âm để kiểm tra vùng mạch máu cung cấp máu cho dương vật có bị vấn đề gì không. 
chan-doan-va-dieu-tri-hieu-qua-roi-loan-cuong-duong-voh-1
Bác sĩ sẽ thăm khám và tiến hành các xét nghiệm cần thiết (Nguồn: Internet) 

5. Điều trị rối loạn cương dương

Không nên tự ý điều trị rối loạn cương dương tại nhà, việc áp dụng sai phương pháp sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới chức năng của cơ quan sinh sản. Sau khi tới thăm khám tại các cơ sở chuyên khoa, cần tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ.

5.1. Điều trị nội khoa 

  • Bổ sung testosterone: Việc bổ sung thêm nội tiết tố chỉ được áp dụng sau khi đã có xét nghiệm và xác định nồng độ hormone này đang thấp, không được tự ý mua các loại thuốc bổ sung testosterone. 
  • Nhóm thuốc PDE5: Đây là nhóm thuốc giúp điều hòa lượng máu trong dương vật, hạn chế khả năng tắc động mạch hay tĩnh mạch, cải thiện tình trạng rối loạn cương dương. 
  • Nhóm thuốc giãn mạch: Hiện nay có nhiều loại thuốc uống giúp hỗ trợ tăng cường hiệu quả của chất nitric oxit, đây là chất tự nhiên trong cơ thể được sản sinh ra nhằm giúp cơ trơn trong dương vật giãn ra, tăng cường ngăn chặn dòng máu đi ra, từ đó tạo kích thích cho "cậu nhỏ".

5.2. Điều trị ngoại khoa

  • Thủ thuật đặt ống bơm dương vật: Đây là phương pháp được thực hiện trong trường hợp suy tĩnh mạch dương vật. Ống bơm sẽ hút không khí để tạo sức ép đẩy máu vào "cậu nhỏ", sau đó được giữ lại bằng một vòng thắt.
  • Phẫu thuật đặt thể hang: Nếu những phương pháp trên không đem lại hiệu quả thì bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật đặt thể hang nhân tạo. Đây là phương pháp điều trị cuối cùng, đòi hỏi bác sĩ có nhiều kinh nghiệm và điều kiện phòng mổ phải an toàn.

Xem thêm: Điều trị rối loạn cương: Nội khoa hay phẫu thuật ?

6. Phòng ngừa rối loạn cương dương

Để không gặp phải cảm giác khó chịu khi điều trị tình trạng rối loạn này, nam giới hãy chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa bệnh dưới đây:

  • Giữ lối sống lành mạnh, kiểm tra sức khỏe của mình thường xuyên. Nếu mắc các bệnh như tiểu đường, tim mạch và các bệnh mãn tính khác thì phải thường xuyên theo dõi sức khỏe, tuân theo chỉ định điều trị của bác sĩ để khả năng cương dương không bị ảnh hưởng.
  • Kiểm tra sức khỏe định kỳ, ít nhất 1 năm/lần. Nam giới trên 40 tuổi nên kiểm tra thêm hormone sinh dục, nồng độ testosterone.
  • Không hút thuốc lá vì thuốc lá ảnh hưởng đến khả năng cương dương.
  • Hạn chế hoặc tránh hoàn toàn những thức uống chứa cồn.
  • Tập thể dục, vận động mỗi ngày.
  • Học cách quản lý stress.
  • Sinh hoạt tình dục lành mạnh, an toàn, điều độ. 

Nhìn chung, rối loạn cương dương là một trong những rối loạn tình dục thường gặp ở nam giới. Khi có những biểu hiện rối loạn cương dương thì nam giới nên đi khám, không ngần ngại, e dè mà hãy chia sẻ với bác sĩ để được tư vấn tận tình, điều trị đúng cách để tránh ảnh hưởng đến đời sống chăn gối, hạnh phúc gia đình và khả năng sinh con của mình.

Bạn có thể nghe lại phần tư vấn trực tiếp của bác sĩ Nguyễn Hồ Vĩnh Phước tại audio bên dưới:

group-bi-mat-nam-gioi-voh-noi-chia-se-kien-thuc-huu-ich-danh-cho-nam-gioi
Group Bí mật nam giới VOH - Nơi chia sẻ kiến thức hữu ích dành cho nam giới

🔴 Theo dõi chương trình Bí mật nam giới để được bác sĩ chuyên khoa tư vấn về các vấn đề nam khoa vào lúc 22h00 - 23h00 thứ 3 hàng tuần trên kênh FM 95.6 MHz và FM 90 MHz Hà Nội.

Radio VOH: radio.voh.com.vn/bi-mat-nam-gioi-797.html

Youtube: youtube.com/c/BiMatNamGioiVOH

Fanpage Facebook: fb.com/BiMatNamGioi.VOH

Group thảo luận kín: fb.com/groups/BiMatNamGioi

Form đặt câu hỏi ẩn danh cho bác sĩ: bit.ly/bmngvoh