Rối loạn giọng nói là gì? Tìm hiểu nguyên nhân và cách điều trị  

(VOH) – Rối loạn giọng nói là tình trạng bất thường trong việc phát ra âm thanh. Vậy có những nguyên nhân nào gây ra rối loạn giọng nói cũng như đâu là những phương pháp giúp chẩn đoán và điều trị?

Rối loạn giọng nói là gì?

Theo ThS, BS Trần Thị Thúy Hằng (Chuyên khoa Tai Mũi Họng, BV Tai Mũi Họng SG), rối loạn giọng nói là một chứng bệnh khó phát âm thành, có nhiều thuật ngữ để mô tả về rối loạn giọng nói như: giọng thì thào, giọng thô ráp, khàn giọng, giọng yếu ớt hay giọng đứt hơi.

Trong dân gian, rối loạn giọng nói còn được gọi là khàn tiếng, khan tiếng hay khản tiếng. Đây thực chất là một triệu chứng biểu hiện của sự suy yếu hay thay đổi giọng nói.

Bất kỳ một bệnh nhân nào nếu có triệu chứng khàn tiếng kéo dài hơn 3 tuần thì bệnh nhân đó cần đến bệnh viện để được nội soi thanh quản, bởi đó có thể là dấu hiệu lâm sàng của tình trạng rối loạn giọng nói.

Tại sao lại bị rối loạn giọng nói?

ThS, BS Trần Thị Thúy Hằng cho biết, có rất nhiều yếu tố có thể dẫn đến và gây ra rối loạn giọng nói, tuy nhiên, phần lớn là do bệnh nhân sử dụng giọng nói quá mức.

roi-loan-giong-noi-la-gi-tim-hieu-nguyen-nhan-va-cach-dieu-tri-voh

Sử dụng giọng nói quá mức là nguyên nhân hàng đầu gây rối loạn giọng nói (Nguồn: Internet)

Ngoài ra, các nguyên nhân thường gặp khác bao gồm:

Nguyên nhân do nhiễm trùng

Bệnh cảnh hàng đầu là viêm thanh quản. Tác nhân gây viêm thanh quản có thể do nhiễm virus, nhiễm khuẩn, vi khuẩn. Đặc biệt trong nhiễm trùng có 2 bệnh lý cần lưu ý là lao thanh quản và nấm thanh quản, đây là những bệnh lý thường gây khàn tiếng kéo dài và cần phải điều trị sớm.

Nguyên nhân không do nhiễm trùng

  • Bị phù nề do bệnh nhân hít phải khí độc.
  • Do chấn thương vùng cổ, thanh quản.
  • Bị phù do những bệnh bẩm sinh hoặc do dị ứng với một loại thức ăn hay một loại thuốc nào đó.

Thông thường, những tổn thương ở dây thanh sẽ được phân ra 2 nhóm, đó là tổn thương lành tính và tổn thương ác tính.

  • Tổn thương lành tính thường là trên dây thanh sẽ có tổn thương phù nề hoặc có những tổn thương thực thể như có hạt dây thanh, nang dây thanh, polyp dây thanh hoặc những u nhú dây thanh.
  • Tổn thương u ác tính là các bệnh lý có thể gây ung thư thanh quản, ví dụ như: ung thư tuyến giáp, ung thư phổi hoặc bệnh lymphoma.

Nguyên nhân thần kinh

Một số vấn đề xuất hiện ở hệ thần kinh có thể gây liệt dây thanh quản như có tình trạng u hoặc phình động mạch, thậm chí bệnh nhân bị đột quỵ cũng có thể xuất hiện khàn tiếng.

Nguyên nhân bệnh lý toàn thân

Những bệnh nhân bị nhược cơ hay là bị parkinson hay mắc phải các bệnh hệ thống như bệnh suy giáp hay viêm khớp dạng thấp đều có thể gián tiếp làm ảnh hưởng đến dây thanh quản.

Nguyên nhân khác

  • Rối loạn giọng nói chức năng là những trường hợp bị rối loạn giọng nói co thắt, giảm động ở dây thanh, tăng động ở dây thanh.
  • Rối loạn giọng nói ở tuổi dậy thì gọi là rối loạn giọng nói dậy thì.
  • Rối loạn giọng nói do yếu tố tâm lý, được gọi là rối loạn giọng nói tâm lý.

Những yếu tố nguy cơ làm tăng tình trạng rối loạn giọng nói

Không chỉ là bệnh lý có nhiều nguyên nhân mà đây cũng là căn bệnh thuộc nhóm có nhiều yếu tố nguy cơ nhất.

  • Nhóm thứ nhất là những người có nghề nghiệp phải dùng giọng nói nhiều như nghề ca sĩ, diễn viên, MC hay nghề buôn bán….
  • Nhóm thứ 2 là những người có thói quen hút thuốc lá. Hút thuốc không chỉ gây ra khàn tiếng, những tổn thương lành tính mà nó còn được xác nhận là có nguy cơ gây ung thư thanh quản.
  • Nhóm thứ 3 là những người bị nghiện rượu, uống cà phê. Nguyên nhân là do những chất cồn trong rượu, bia và cà phê sẽ gây kích thích, làm phù nề, mất nước dây thanh, gây ra khàn. 

roi-loan-giong-noi-la-gi-tim-hieu-nguyen-nhan-va-cach-dieu-tri-1-voh

Uống nhiều rượu bia là yếu tố nguy cơ tăng tình trạng rối loạn giọng nói (Nguồn: Internet)

  • Nhóm thứ 4 là những bệnh nhân có vấn đề ở dạ dày. Những bệnh nhân viêm dạ dày có trào ngược dạ dày thực quản.
  • Nhóm thứ 5 là những người sống trong môi trường ồn ào, độ ẩm thấp.
  • Nhóm cuối cùng là những người có bệnh đái tháo đường tuyp 2, căn bệnh này có thể gây ra bệnh lý thần kinh và sẽ làm ảnh hưởng đến dây thanh quản.

Chẩn đoán và điều trị rối loạn giọng nói như thế nào?

  1. Chẩn đoán rối loạn giọng nói

Để chẩn đoán rối loạn giọng nói bệnh nhân cần đến khám ở chuyên khoa tai mũi họng. Lúc này, bác sĩ sẽ nội soi tai mũi họng thanh quản, đây là một dạng nội soi thường quy, bởi vì một số bệnh lý ở tai mũi họng có thể gây viêm dây thanh dẫn đến khàn tiếng.

Sau khi tầm soát những cái chung, nếu có nghi ngờ khác bác sĩ sẽ chỉ định nội soi hoạt nghiệm thanh quản. Đây là một dạng nội soi đặc biệt, sử dụng nguồn ánh sáng sợi quang học để quay lại hình ảnh chuyển động chậm hoạt động dây thanh, từ đó đánh giá được các chức năng rung động của dây thanh khi phát ra âm thanh.

Sau khi khảo sát được hình thể và chức năng truyền thanh cũng như các tổn thương dây thanh, bác sĩ sẽ phát hiện được nguyên nhân gây ra rối loạn giọng nói.

Ngoài thực hiện nội soi, bác sĩ sẽ tiến hành thực hiện test khảo sát rối loạn giọng nói để phân tích giọng nói, phân tích giọng hát và sẽ đo hình thể biên độ giọng nói, đo được chỉ số độ nặng rối loạn phát âm, và đo chỉ số khiếm khuyết giọng nói cho bệnh nhân. Kết quả của bài test này sẽ giúp bác sĩ biết được mức độ bệnh nhân rối loạn giọng nói nhẹ, trung bình hay nặng và dựa trên cơ sở đó bác sĩ sẽ điều trị cho bệnh nhân, cũng như đánh giá lại kết quả sau khi điều trị.

  1. Tiến trình điều trị rối loạn giọng nói

Điều trị rối loạn giọng nói thường sẽ điều trị theo nguyên nhân. Thông thường những tổn thương lành tính sẽ ưu tiên điều trị bảo tồn, không phẫu thuật, có nghĩa là uống thuốc, bảo vệ giọng nói và kèm theo luyện thanh.

Trong đó, luyện thanh là vấn đề rất quan trọng trong quá trình điều trị bảo tồn rối loạn giọng nói. Đối với các tổn thương lành tính dây thanh có rối loạn chức năng thì bệnh nhân đều được dạy luyện thanh phối hợp với luyện thở để điều chỉnh các cơ ở vùng cổ, vùng thanh quản để trợ giúp cho các chức năng nói tốt hơn. Đối với bệnh nhân có rối loạn chức năng do tâm lý sẽ được bác sĩ điều trị cả về mặt tâm lý.

roi-loan-giong-noi-la-gi-tim-hieu-nguyen-nhan-va-cach-dieu-tri-2-voh

Điều trị rối loạn giọng nói sẽ dựa vào nguyên nhân (Nguồn: Internet)

Bệnh nhân sẽ được chỉ định phẫu thuật khi có tổn thương u nhú thanh quản gây ra tắc nghẽn, khó thở. Những tổn thương như polyp, nang dây thanh,...sau khi điều trị bảo tồn nhưng tổn thương không giảm hoặc vẫn gây ra mức độ khàn tiếng nặng thì cũng sẽ được chỉ định phẫu thuật. Sau khi cắt vẫn được bác sĩ theo dõi điều trị và có thể luyện thanh phối hợp.

Những trường hợp ung thư thanh quản hoặc liệt dây thanh hoàn toàn chắc chắn phải phẫu thuật để điều trị cho bệnh nhân. Sau khi xác định được những tổn thương ung thư sẽ tiếp tục điều trị xạ trị. Nếu bệnh nhân bị liệt dây thanh thì sẽ giải quyết vấn đề đường thở cho bệnh nhân.

Phòng ngừa rối loạn giọng nói bằng cách nào?

Bạn có thể bảo vệ giọng nói bằng cách áp dụng một số biện pháp đơn giản để không làm dây thanh quản bị tổn thương nhiều hơn, cụ thể:

  • Hạn chế nói to và nói nhiều.
  • Nói với những âm trầm lại.
  • Không cố gắng nói lớn hoặc hét.
  • Tránh tằng hắng quá nhiều.  .
  • Cố gắng bổ sung đầy đủ nước để dây thanh quản không bị khô.
  • Hạn chế hút thuốc lá, cà phê, bia, rượu.
  • Đối với những bệnh nhân có bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản thì phải được điều trị và thực hiện đúng chế độ ăn, ăn đúng bữa và tránh ăn khuya để hạn chế tình trạng trào ngược. Khi ngủ có thể kê đầu cao và nằm nghiêng bên trái để tránh trào ngược lên trên thanh quản.

Trên đây là những thông tin về bệnh lý rối loạn giọng nói cũng như các biện pháp điều trị và phòng ngừa. Hy vọng với những chia sẻ trên sẽ có thể mang đến cho bạn nhiều thông tin hữu ích.

Bạn có thể nghe lại phần tư vấn của bác sĩ từ audio bên dưới:

Rối loạn ngôn ngữ ở trẻ: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị : rẻ bị rối loạn ngôn ngữ thường gặp khó khăn khi giao tiếp cũng như thể hiện suy nghĩ, cảm xúc của mình. Do đó, cha mẹ cần nhận biết các dấu hiệu rối loạn ngôn ngữ ở trẻ để giúp bé ...
Làm sao để nhận biết trẻ có đang bị rối loạn ngôn ngữ hay không? : Rối loạn ngôn ngữ có thể khiến người đối diện không hiểu được những gì trẻ nói. Vậy làm sao có thể nhận biết một đứa trẻ có đang bị rối loạn ngôn ngữ hay không?