Rối loạn kinh nguyệt tiền mãn kinh ảnh hưởng tâm sinh lý phụ nữ thế nào?

(VOH) – Tiền mãn kinh là giai đoạn tất yếu trong cuộc đời người phụ nữ. Trong giai đoạn này phụ nữ có thể gặp phải nhiều vấn đề, một trong số đó là tình trạng rối loạn kinh nguyệt tiền mãn kinh.

Rối loạn kinh nguyệt được xem là biểu hiện thường thấy nhất ở thời kỳ tiền mãn kinh và có thể kéo dài trong suốt giai đoạn tiền mãn kinh của người phụ nữ. Trong thời kỳ tiền mãn kinh, buồng trứng sản xuất hormon estrogen ít hơn. Đây chính là nguyên nhân của nhiều sự thay đổi trong cơ thể phụ nữ cũng như những rối loạn về kinh nguyệt.

1. Tại sao có tình trạng rối loạn kinh nguyệt tiền mãn kinh?

Mãn kinh là giai đoạn chuyển tiếp từ tuổi trung niên sang tuổi già. Về mặt sinh lý, là giai đoạn chuyển tiếp tự nhiên từ khả năng sinh sản sang không sinh sản do buồng trứng không còn hoạt động nữa.

Trước khi chính thức bước vào giai đoạn mãn kinh, phụ nữ sẽ trả qua giai đoạn tiền mãn kinh. Trong giai đoạn này, nội tiết tố sẽ bắt đầu suy giảm, buồng trứng ngừng sản sinh tế bào trứng nên kinh nguyệt có thể ít dần đi và xuất hiện những dấu hiệu bất thường dẫn đến rối loạn kinh nguyệt.

roi-loan-kinh-nguyet-tien-man-kinh-anh-huong-tam-sinh-ly-phu-nu-the-nao-voh

Phụ nữ tiền mãn kinh tâm sinh lý thường hay thay đổi (Nguồn: Internet)

Phụ nữ thường bị rối loạn kinh nguyệt vào độ tuổi từ 47, 48 hoặc 50 tuổi. Lúc này, chị em sẽ có những sự thay đổi lớn về mặt tâm sinh lý. Nguyên nhân chủ yếu là do buồng trứng hoạt động kém dần, nội tiết tố estrogen giảm dần nên làm xuất hiện dấu hiệu rối loạn kinh nguyệt, kinh nguyệt không đều. Cụ thể:

  • Ít kinh, vô kinh: Nếu như phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, chu kỳ kinh nguyệt bình thường là từ 28 – 32 ngày, thì khi bước vào giai đoạn tiền mãn kinh chu kỳ ấy sẽ thưa hơn, có thể trên 32 ngày hoặc có khi 2 – 3 tháng mới có kinh nguyệt một lần. Lượng kinh mỗi chu kỳ cũng sẽ ít hơn.
  • Rong kinh, kinh mau: Đây là trường hợp ít xảy ra nhưng vẫn có xảy ra ở phụ nữ tiền mãn kinh. Một số phụ nữ có thể sẽ gặp phải chu kỳ kinh nguyệt nhiều hơn, lương máu kinh ra nhiều hơn, kèm theo đó là triệu chứng đau bụng dữ đội. Những trường hợp này cần được đi thăm khám bác sĩ vì có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh lý.

Ngoài ra, phụ nữ giai đoạn tiền mãn kinh còn gặp phải rất nhiều các triệu chứng khác như: bức rức, khó chịu, toát mồ hôi, nhức mỏi chân tay, cáu gắt bất thường, bốc hỏa...

2. Rối loạn kinh nguyệt tiền mãn kinh có nguy hiểm không?

Theo bác sĩ Huỳnh Thị Trong (Trưởng khoa Sản, BV An Sinh), phần lớn phụ nữ bị rối loạn kinh nguyệt tiền mãn kinh là vấn đề sinh lý bình thường của cơ thể. Tuy nhiên, nó cũng có thể gây ra một vài rắc rối cho chị em trong thời kỳ này, chẳng hạn như:

  • Ảnh hưởng đến sinh hoạt: Chị em có thể sẽ không xác định ngày hành kinh dẫn đến nhiều bất tiện trong sinh hoạt.
  • Giảm “chuyện chăn gối”: Vùng kín bị “khô hạn” khiến chuyện “chăn gối” không còn được như trước.

roi-loan-kinh-nguyet-tien-man-kinh-anh-huong-tam-sinh-ly-phu-nu-the-nao-1-voh

Phụ nữ tuổi mãn kinh "chuyện chăn gối" thường không như ý (Nguồn: Internet)

  • Ảnh hưởng đến nhan sắc, vóc dáng: Phụ nữ sẽ gặp các vấn đề như nếp nhăn quanh khóe mắt, miệng, trán và cổ nhiều hơn, da xỉn màu, xuất hiện nám, tàn nhang... Ngoài ra, một số phụ nữ có thể bị tăng cân.
  • Ảnh hưởng đến sức khỏe: Rối loạn tiền kinh nguyệt gây ra các triệu chứng bất thường có thể khiến vùng kín bị kích thích và gây ra bệnh lý, chẳng hạn như tiền ung thư, ung thư nội mạc.... Vì thế, khi thấy kinh nguyệt không còn bỗng dưng lại ra huyết với số lượng nhiều, chị em nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám và kiểm tra.

3. Cách khắc phục triệu chứng giai đoạn tiền mãn kinh

Phụ nữ ở giai đoạn tiền mãn kinh cần hiểu rằng, rối loạn kinh nguyệt hay bất cứ một thay đổi nào trong cơ thể đều là quá trình sinh lý tự nhiên, do đó, điều đầu tiên là cần phải biết chấp nhận, thích nghi với sự thay đổi này với thái độ tích cực.

Khi các triệu chứng tiền mãn kinh diễn ra với mức độ nghiêm trọng chị em phụ nữ nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám, kê đơn thuốc uống nhằm làm giảm các triệu chứng. Hiện nay có rất nhiều loại thuốc trên thị trường có thể giúp bình chỉnh lại những triệu chứng tiền mãn kinh. Tuy nhiên, việc dùng loại thuốc nào, liều lượng ra sao cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ.

Ngoài ra, phụ nữ cần lưu ý không nên tự ý dùng các loại thuốc bổ sung nội tiết tố để kéo dài thời kỳ có kinh nguyệt, bởi thuốc nội tiết là con dao 2 lưỡi, lạm dụng quá nhiều sẽ gây nhiều nguy hiểm cho sức khỏe.

Bạn có thể nghe lại phần tư vấn của bác sĩ từ audio bên dưới: