Bệnh rối loạn sinh tủy: Dấu hiệu nhận biết và cách điều trị

(VOH) - Rối loạn sinh tủy là một nhóm bệnh ác tính của các dòng tế bào tạo máu trong tủy xương, đặc trưng bởi tình trạng sinh máu không hiệu lực. Vậy mắc hội chứng rối loạn sinh tủy nên làm gì?

1. Rối loạn sinh tủy là gì?

Rối loạn sinh tủy hay rối loạn tăng sinh tủy, là nhóm các rối loạn do các tế bào máu hình thành không bình thường hoặc không hoạt động gây ra. Nói cách khác, rối loạn sinh tủy xảy ra khi có bất ổn trong tủy xương, nơi sản sinh ra các tế bào máu.

roi-loan-sinh-tuy-la-gi-voh

Rối loạn sinh tủy thường khiến người bệnh mệt mỏi vì thiếu máu (Nguồn: Internet)

Rối loạn sinh tủy là căn bệnh nghiêm trọng, có thể gây ra những rủi ro về sức khỏe như nhiễm trùng, xuất huyết, ứ sắt do truyền máu nhiều lần,… tuy nhiên nếu nhận biết sớm và điều trị đúng hướng thì người bệnh vẫn có thể kiểm soát tốt và duy trì sự sống.

2. Nguyên nhân gây rối loạn sinh tủy

Hội chứng rối loạn sinh tủy xảy ra khi có một cái gì đó phá vỡ trật tự sản sinh tế bào máu. Điều này có thể xuất phát từ 2 nguyên nhân chính là:

  • Yếu tố di truyền: Một số người bị rối loạn sinh tủy đều có một nhiễm sắc thể bất thường rút ngắn, được gọi là nhiễm sắc thể Philadelphia.
  • Yếu tố môi trường: Một số nghiên cứu cho rằng rối loạn sinh tủy có thể là hậu quả của việc tiếp xúc quá nhiều với bức xạ, hệ thống dây điện hoặc hóa chất. Bệnh thường xảy ra khi phản ứng với điều trị ung thư như hóa trị liệu và xạ trị hoặc phản ứng với sự phơi nhiễm hóa học. Trường hợp này còn được gọi là hội chứng rối loạn sinh tủy thứ phát và thường khó điều trị hơn.

Theo một nghiên cứu tại Viện huyết học và truyền máu trung ương, hội chứng rối loạn sinh tủy chiếm 4.5%, đứng hàng thứ 6 trong tổng số các bệnh về máu gặp tại Viện. Bệnh có thể là nguyên phát hoặc thứ phát (xuất hiện sau khi điều trị một bệnh khác).

3. Các dạng rối loạn sinh tủy

3.1 Đa hồng cầu nguyên phát

Loại rối loạn này xảy ra khi tủy xương sản sinh quá nhiều tế bào máu, đặc biệt là các tế bào máu đỏ. Hơn 95% người bị đa hồng cầu nguyên phát mang đột biến JAK2V617F trong máu.

3.2 Tăng tiểu cầu thiết yếu

Tình trạng này xảy ra khi cơ thể sản xuất quá nhiều tế bào tiểu cầu, làm máu bị đóng cục. Cục máu đông có thể làm nghẽn mạch máu dẫn đến các cơn đau tim và đột quỵ.

3.3 Chứng xơ cứng tủy

Xảy ra khi tủy xương sản sinh quá nhiều collagen hoặc mô xơ trong tủy xương. Điều này làm giảm khả năng sản xuất các tế bào máu của tủy.

3.4 Bệnh bạch cầu mạn tính dòng tủy (CML)

Ung thư tủy xương sản sinh bạch cầu hạt bất thường (một loại tế bào máu trắng) trong tủy xương.

4. Dấu hiệu nhận biết rối loạn sinh tủy

Bệnh rối loạn sinh tủy thường không có biểu hiện rõ ràng khi đi khám trong giai đoạn đầu tiên. Tuy nhiên, sau một khoảng thời gian, triệu chứng của rối loạn sinh tủy có thể là:

  • Mệt mỏi, khó thở.
  • Gan to, lách to.
  • Da xanh xao, nhợt nhạt, không bình thường do thiếu máu.
  • Dễ bầm hoặc chảy máu.
  • Các đốm đỏ có kích thước nhỏ chỉ nằm dưới da do chảy máu.
  • Bị nhiễm trùng thường xuyên.

Các triệu chứng trên có thể xuất hiện đơn độc hoặc phối hợp với nhau, các hội chứng nhiễm khuẩn, xuất huyết, gan, lách to gặp với tỷ lệ thấp hơn hội chứng thiếu máu.

5. Điều trị rối loạn sinh tủy như thế nào?

Hiện nay, chưa có phương pháp chữa khỏi chứng rối loạn sinh tủy. Các phương pháp điều trị chủ yếu tập trung làm chậm sự phát triển của bệnh và chăm sóc hỗ trợ để giúp bệnh nhân kiểm soát các triệu chứng nhằm ngăn ngừa chảy máu, nhiễm trùng.

roi-loan-sinh-tuy-la-gi-voh

Truyền máu nếu người bệnh bị thiếu máu nặng (Nguồn: Internet)

Bác sĩ có thể chọn một số phương pháp sau đây:

  • Truyền máu: Truyền máu có thể được sử dụng để thay thế các tế bào hồng cầu, bạch cầu hoặc tiểu cầu ở những người bị rối loạn sinh tủy.
  • Thuốc: Các loại thuốc được dùng để tăng số lượng tế bào máu khỏe mạnh bao gồm thuốc tăng số lượng tế bào máu cơ thể tạo ra, thuốc kích thích tế bào máu hoàn thiện, thuốc ngăn chặn hệ thống miễn dịch, thuốc cho người có những bất thường di truyền
  • Ghép tế bào gốc tủy xương: Trong quá trình ghép tế bào gốc tủy xương, bác sĩ sẽ loại bỏ các tế bào máu bị lỗi, bị tổn thương bằng cách sử dụng thuốc hóa trị. Sau đó các tế bào gốc bất thường ở tủy xương được thay thế bằng các tế bào được hiến tặng.

6. Chế độ ăn uống và sinh hoạt cho người bị rối loạn sinh tủy

Để kiểm soát bệnh tốt nhất, người bệnh cần chú ý:

  • Ăn những thực phẩm có chất oxy hóa như các loại trái cây và rau củ quả.
  • Tránh các thực phẩm tinh chế như bánh mì trắng, mì ống và đặc biệt là đường.
  • Chọn các loại thịt nạc, cá, đậu nành hoặc đậu giàu protein. Nên nấu chín tất cả các loại thịt, cá và hạn chế ăn các thực phẩm, trái cây không thể bóc vỏ.
  • Sử dụng các loại dầu lành mạnh như dầu ô liu hoặc dầu từ các loại hạt.
  • Không dùng các chất kích thích như rượu, bia, cà phê, thuốc lá.
  • Uống đủ nước mỗi ngày.
  • Tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày.

Nhìn chung, rối loạn sinh tủy là chứng bệnh nguy hiểm, tuy nhiên người bệnh có thể kiểm soát tốt để duy trì sự sống nếu thăm khám sớm và tuân thủ hướng dẫn điều trị của bác sĩ.