Sởi vẫn chưa 'hạ nhiệt' !

(VOH) - Tiếp tục diễn tiến phức tạp từ trước Tết, cho đến hiện nay, bệnh sởi trên địa bàn TPHCM vẫn chưa 'hạ nhiệt'.

Trẻ mắc sởi tăng dần

Đầu năm 2019 đến nay, TPHCM ghi nhận gần 980 ca mắc bệnh sởi, phủ khắp 24/24 quận, huyện. Đáng quan tâm trong tổng số trường hợp mắc sởi có đến 95% chưa được tiêm ngừa phòng bệnh !

Sau Tết, theo ghi nhận của VOH, trẻ lại nhập viện tăng vì biến chứng do sởi.

Khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 hiện có gần 20 trẻ bị sởi đang điều trị trong đó có nhiều trẻ bị nặng, biến chứng viêm phổi, tiêu chảy...

Phụ huynh của một bé đang điều trị sởi tại đây không khỏi lo ngại khi trước giờ, vì nhiều lý do mà chị trễ nải việc tiêm ngừa:

“Bác sĩ nói trẻ bị bệnh do không tiêm ngừa đầy đủ. Cứ nóng nóng hoài nên không đi tiêm ngừa được, lần sau đi tiêm thì hết thuốc. Bé 9 tháng chưa đi học mới nổi ban rồi chuyển vào đây nhập viện. Bé còn hai mũi chưa tiêm".

Bác sỹ thăm khám cho trẻ em mắc bệnh sởi tại Bệnh viện Nhi Đồng 1. 

Bác sỹ thăm khám cho trẻ em mắc bệnh sởi tại Bệnh viện Nhi Đồng 1. 

Trong dịp tết Nguyên đán 2019, Khoa Nhiễm – thần kinh (Bệnh viện Nhi đồng 1) tiếp nhận từ 15-20 ca sởi/ngày. Điều này cho thấy còn nhiều người mắc sởi trong cộng đồng và việc tuyên truyền chích ngừa chưa được nhiều người thực hiện.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh – Trưởng khoa Nhiễm – thần kinh (Bệnh viện Nhi đồng 1) cảnh báo: “Những ca sởi ra vào bệnh viện đều đều như vậy chứng tỏ ngoài cộng đồng còn nhiều. Mình đã tuyên truyền về chủng ngừa nhưng còn một số người không chịu cho con em chích ngừa”. 

Tỷ lệ tiêm chủng tại cộng đồng chưa cao là lý do khiến cho các bệnh viện luôn quá tải các bệnh nhi mắc sởi. Điều này đã được các bác sĩ chuyên ngành không ngừng lên tiếng cảnh báo ngay từ tháng 8/2018 khi các ca sởi bỗng dưng tăng đột biến lại.

Phụ huynh không tiêm ngừa sởi cho trẻ, không biết phải làm sao ? 

Bác sĩ Trương Minh Thống Nhất - Trưởng trạm y tế phường Tân Thới Nhất – Quận 12 cho biết, đầu năm 2019, tỉ lệ tiêm chủng trên địa bàn mới chỉ có 56%. Đây là một tỉ lệ thấp so với mặt bằng chung của thành phố. Nhiều lần trạm y tế mời phụ huynh đến tiêm phòng cho con nhưng nhiều người cũng không đưa trẻ đến trạm.

“Mình mới bị 2 ca đầu năm 2019. Tiêm ngừa theo chiến dịch mới khoảng 56% trong đó theo yêu cầu là 90 đến 95%. Giờ không biết làm sao. Đầu năm trung tâm y tế quận đã chỉ đạo trạm tiêm vét liền để phòng ngừa đang có dịch sởi do vậy trạm y tế tích cực đến tất cả trường học trên địa bàn đặc biệt là các bé nào chín tháng tuổi, mời người ta ra để tư vấn đến trạm y tế chích hoặc chích tại trường học.” - Bác sĩ Trương Minh Thống Nhất nói.

Tỷ lệ tiêm chủng nếu tiêm sót mỗi năm 5% thì nhiều năm dồn lại sẽ có nhiều trẻ không được chích ngừa. Việc mắc bệnh và lây lan sẽ nhanh chóng hơn và có thể thành dịch.

Với bệnh này việc phòng bệnh rất dễ dàng nhưng chính việc cộng đồng không tuân thủ, không thực hiện tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch dẫn đến hậu quả bệnh tật ập xuống ngay chính con em mình. Điều này cũng là trăn trở của ngành y tế khi tỷ lệ tiêm chủng sởi chưa cao.

Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng – Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP nói: “Đối với tỷ lệ tiêm mũi sởi cho trẻ ở TPHCM thì hàng năm thành phố thực hiện tiêm chủng cho trẻ dưới 1 tuổi tức là tiêm mũi sởi đầu tiên lúc 9 tháng tuổi đều đạt theo chỉ tiêu của quốc gia yêu cầu là 95% thậm chí đạt hơn đến 96, 97%. Tuy nhiên với mỗi sởi thứ hai là mũi tiêm nhắc lại cho trẻ lúc 18 tháng tuổi thì thành phố chỉ đạt khoảng 60 đến 70% hàng năm cho nên  tỷ lệ bảo vệ trẻ sẽ bị giảm đi”. 

Hiện nay đang trong mùa đông xuân với sự gia tăng giao lưu, du lịch, cùng với tỷ lệ tiêm vắc xin còn chưa cao tại khu vực mật độ dân cư cao, đồng thời dịch bệnh sởi thường có chu kỳ 4 - 5 năm/lần, đang nằm trong chu kỳ dịch, vì vậy rất dễ bùng phát nếu không thực hiện các biện pháp đáp ứng kịp thời.

Để phòng chống bệnh sởi, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo cộng đồng chủ động thực hiện tiêm chủng vắc xin. Đây là biện pháp phòng bệnh đặc hiệu và tốt nhất phòng bệnh sởi. 

Hãy đưa trẻ từ 9-12 tháng đến cơ sở y tế để được tiêm vắc xin phòng sởi mũi 1, tiêm nhắc lại mũi 2 khi trẻ đủ 18 tháng tuổi. Đưa trẻ đi tiêm bổ sung vắc xin phòng bệnh sởi tại các vùng nguy cơ theo các đợt tổ chức tiêm của ngành y tế và chính quyền địa phương. T

rẻ trên 5 tuổi và người lớn chưa được tiêm vắc xin sởi cần được tiêm vắc xin tại các điểm tiêm chủng dịch vụ, nếu không tiêm sẽ có nguy cơ rất cao mắc bệnh sởi bất kỳ lúc nào.

Bệnh viện đầu tiên dùng robot phẫu thuật não - Lần đầu tiên Bệnh viện Nhân dân 115 đã phối hợp tiến hành phẫu thuật thành công khối u não bằng hệ thống robot.
Báo động đỏ liên viện cứu sống bệnh nhân bị đâm thấu tim - Bệnh viện quận Tân Phú thông tin tại đây đã thực hiện báo động đỏ liên viện với Bệnh viện Nhân dân 115 cứu sống bệnh nhân nam, 32 tuổi bị đâm thấu tim với 3 vết thương hở.