Sốt xuất huyết nên ăn gì và kiêng gì để mau khỏi?

(VOH) - Khi bị sốt xuất huyết, người bệnh thường sốt cao nên cơ thể mệt mỏi, chán ăn. Vậy sốt xuất huyết nên ăn gì và kiêng gì để nhanh khỏi bệnh?

Việc chăm sóc và điều trị bệnh sốt xuất huyết phải tuân thủ nghiêm ngặt theo những phương pháp y khoa để tránh những biến chứng nguy hiểm. Bên cạnh đó, cần tìm hiểu và chọn lọc thực phẩm kĩ lưỡng để thay đổi chế độ ăn uống của người bệnh, nhằm hỗ trợ chữa trị bệnh hiệu quả.

1. Người mắc sốt xuất huyết nên ăn gì?

Thể trạng của người mắc bệnh sốt xuất huyết thường sẽ không tốt, nên khuyến khích và động viên người bệnh bổ sung các thực phẩm dưới đây để mau lại sức. 

1.1. Nước

Khi bị sốt xuất huyết, hiện tượng sốt cao có thể xảy ra, đặc biệt, xuất hiện tình trạng sốc, thoát huyết tương ra ngoài, do đó chế độ ăn uống của người sốt xuất huyết quan trọng là bù nước, điện giải bằng cách uống nhiều nước lọc hoặc oresol.

1.2. Thức ăn dạng lỏng

Trong tình trạng sức khỏe giảm sút, hệ tiêu hóa hoạt động kém hiệu quả, vì thế người bệnh nên được ăn các món ăn dạng lỏng, mềm như cháo thịt bằm, cháo lươn, cháo yến mạch, canh súp hoặc uống sữa.

Chia nhỏ bữa ăn trong ngày, không nên ăn một lượng lớn cùng một lúc sẽ giúp tránh được tình trạng nôn ói xảy ra gây mất sức. 

sot-xuat-huyet-nen-an-gi-va-kieng-gi-de-mau-khoi-voh-0
Nên cho người bệnh ăn cháo để dễ tiêu hóa (Nguồn: Internet) 

1.3. Rau xanh

Sốt xuất huyết sẽ làm biến động chỉ số tiểu cầu trong máu, có thể giảm vượt qua mức an toàn, chính vì vậy cần bổ sung nhiều dưỡng chất từ các loại rau xanh để tăng tiểu cầu trở lại. Các loại rau như cải bó xôi, bông cải xanh, cải kale cung cấp rất nhiều vitamin K và chất sắt - chất xúc tác để sản sinh tiểu cầu. 

Xem thêm: Bạn đã biết gì về cải xoăn kale – ‘nữ hoàng của rau cải’ ?

1.4. Trái cây

Trái cây là nhóm thực phẩm đem đến hàm lượng khoáng chất và vitamin C dồi dào, giúp tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Theo nhiều nghiên cứu, vitamin C được xem như chất xúc tác nhằm cải thiện khả năng hấp thu chất sắt, giúp thành mạch bền vững. 

Trong bữa ăn hàng ngày, nhớ kết hợp cho người bệnh ăn hoặc uống thêm các loại nước ép trái cây từ cam, bưởi, chanh hoặc nước dừa. 

2. Thực phẩm người mắc sốt xuất huyết không nên ăn

Bên cạnh việc tăng cường các thực phẩm có lợi cho sức khỏe, hãy lưu ý một số thực phẩm sau đây mà người bệnh sốt xuất huyết nên kiêng ăn trong thời gian điều trị.

2.1. Thực phẩm cay, nóng

Khi bị sốt xuất huyết, sức đề kháng của cơ thể bệnh nhân giảm và năng lượng bị hao hụt nhiều. Những đồ ăn cay, nóng như gừng, ớt, mù tạt,…sẽ làm tăng nhiệt trong cơ thể. Điều này không chỉ khiến bệnh nặng thêm mà còn ảnh hưởng đến sự hồi phục của người bệnh.

Xem thêm: Củ gừng – gia vị ‘nên thuốc’ cho ai?

2.2. Đồ ăn nhiều dầu mỡ

Người bệnh nên tránh các món chiên, xào, nướng chứa nhiều dầu mỡ vì chúng gây ra các triệu chứng như đầy bụng, khó tiêu, làm cho cơ thể chậm hồi phục hơn.

sot-xuat-huyet-nen-an-gi-va-kieng-gi-de-mau-khoi-voh-1
Hạn chế ăn đồ chiên nhiều dầu mỡ gây khó tiêu (Nguồn: Internet) 

2.3. Đồ ngọt

Bánh kẹo hay các loại nước giải khát làm gia tăng đường trong máu, điều này khiến cho bạch cầu chống lại các vi khuẩn chậm hơn và vì thế thời gian phục hồi bệnh càng trở lâu khỏi hơn.

2.3. Thực phẩm sẫm màu

Bệnh nhân sốt xuất huyết rất dễ bị xuất huyết (chảy máu). Do đó không nên ăn loại thực phẩm có màu đỏ, nâu, đen trong suốt giai đoạn theo dõi bệnh để bác sĩ không nhầm lẫn và dễ dàng nhận biết bệnh nhân có bị chảy máu dạ dày trong quá trình nôn ói hay không.

2.4. Trứng gà

Tiếp nạp protein từ trứng gà vào cơ thể sẽ tạo ra một nhiệt lượng lớn sau khi ăn. Những người bị sốt, nhất là trẻ em, ăn trứng gà sẽ làm cho nhiệt lượng cơ thể tăng lên không phát tán ra ngoài được, do đó, sốt càng cao và rất lâu khỏi.

Xem thêm: Lượng calo có trong một quả trứng là bao nhiêu? Ăn nhiều trứng có tốt không?

2.5. Chất kích thích 

Các đồ uống như rượu, bia, trà hay cà phê có chứa nhiều chất kích thích, làm tăng huyết áp và nhịp tim, khiến cơ thể trở nên mệt mỏi. Đặc biệt, tình trạng khó đông máu khi thiếu tiểu cầu có thể trở nên trầm trọng hơn khi sử dụng rượu, bia. 

3. Lưu ý khi chăm sóc người mắc sốt xuất huyết tại nhà 

Để tránh lây nhiễm nhiều bệnh từ các nguồn ở bệnh viện, khi sốt xuất huyết chưa chuyển biến nặng, người bệnh có thể ở tại nhà để được chăm sóc và điều trị. Trong trường hợp đó, người thân cần thực hiện các lưu ý sau:

3.1. Hạ sốt

Sốt cao là triệu chứng thường gặp nhất của sốt xuất huyết, nếu nhiệt độ cơ thể tăng lên 38 đến 39 độ C, có thể dùng paracetamol kết hợp với chườm lạnh ở vị trí trán, nách và các nếp gấp để hạ sốt. Không tự ý hạ sốt bằng thuốc aspirin hoặc ibuprofen để tránh tình trạng xuất huyết nặng. 

sot-xuat-huyet-nen-an-gi-va-kieng-gi-de-mau-khoi-voh-2
Kết hợp chườm lạnh để hạ sốt (Nguồn: Internet)

3.2. Bù dịch

Để bù đắp lại lượng nước mất đi khi huyết tương thoát qua thành mạch, cần chủ động bù dịch cho cơ thể. Có thể bơm truyền dung dịch qua đường tĩnh mạch nếu bệnh nhân không thể duy trì bù nước qua đường uống.

3.3. Vệ sinh cơ thể

Người bệnh sốt xuất huyết cần giữ vệ sinh cơ thể sạch sẽ, có thể lau người bằng nước ấm. Không tắm gội bằng nước lạnh vì có thể làm co mạch ở bề ngoài da nhưng lại làm giãn mạch bên trong nội tạng cơ thể, đây là một căn nguyên gây ra tử vong liên quan đến xuất huyết.

3.4. Dọn dẹp không gian sống

Vệ sinh kĩ càng các dụng cụ chứa nước, tránh để tồn đọng nước tạo điều kiện cho muỗi, loăng quăng, bọ gậy sinh sôi. Ngủ nghỉ ở nơi thông thoáng và nhớ mắc mùng (màn), không để muỗi đốt. 

Xem thêm: Việc phun thuốc diệt muỗi có cần thiết và an toàn cho sức khỏe hay không?

3.5. Tới cơ sở y tế

Nếu có chuyển biến xấu và không thể xử lý tại nhà như đau bụng dữ dội, đại tiện phân đen, phát ban đỏ nhiều ở các bộ phận trên cơ thể và tình trạng khó thở xuất hiện, cần đưa người bệnh tới các cơ sở y tế để có sự can thiệp chuyên khoa, nhằm ngăn chặn biến chứng. 

Hy vọng những thông tin trên đây đã giúp bạn có thêm thông tin về người mắc sốt xuất huyết ăn gì tốt cũng như những thực phẩm cần hạn chế, để từ đó có thể chăm sóc đúng cách và giúp phục hồi sức khỏe nhanh chóng.