Sự nguy hiểm của bệnh viêm tụy cấp

(VOH) - Tụy là tuyến tiêu hóa vừa có khả năng ngoại tiết vừa có khả năng nội tiết. Khi viêm tụy cấp chức năng của tuyến tụy sẽ bị ảnh hưởng. Vậy viêm tụy cấp là gì, ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe?

Tuyến tụy là một cơ quan nhỏ nằm trong ổ bụng (dân gian thường gọi là lá mía), dài khoảng 12 – 15cm, nằm dựa vào thành sau ổ bụng. Tụy có vai trò khá quan trọng vì nó tiết ra một số men giúp tiêu hóa các chất đường, đạm và mỡ từ thức ăn.

Viêm tụy cấp là gì?

Viêm tụy là thuật ngữ dùng để mô tả tình trạng viêm ở tuyến tụy. Viêm tụy cấp là tình trạng viêm (sưng) ở tụy và thường xảy ra đột ngột trong một khoảng thời gian ngắn. Độ nghiêm trọng của bệnh thay đổi từ mức gây khó chịu cho đến nguy hiểm tính mạng. 

su-nguy-hiem-cua-benh-viem-tuy-cap-voh

Hình ảnh tụy bị viêm (Nguồn: Internet)

Bác sĩ Lê Hữu Phước, Phó Khoa Gan Mật Tụy, Bệnh viện Bình Dân (TPHCM) cho biết tuyến tụy vừa có chức năng nội tiết, tiết hormone insulin và glucagon để giữ ổn định lượng đường trong máu, vừa là cơ quan ngoại tiết, tiết ra các men tiêu hóa thức ăn. Tình trạng viêm tụy xảy ra khi các men này hoạt hóa trước khi được đổ vào ruột non. Lúc này men tụy sẽ tấn công chính tuyến tụy, gây tổn thương, viêm hoại tử và có thể đe dọa tính mạng người bệnh.

Nguyên nhân gây viêm tụy cấp

Có nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng viêm tụy cấp như:

  • Nghiện rượu: Hiện nay, rượu bia là nguyên nhân hàng đầu gây nên bệnh viêm tụy cấp.
  • Tắc nghẽn: Sỏi ống mật chủ, u tụy hay u bóng Vater, giun chui vào ống mật hoặc dị vật…làm tắc ống dẫn chung, làm ngưng dòng chảy của ống tụy. Các men tụy bị giữ lại gây phá hủy cấu trúc tuyến tụy.
  • Chấn thương: Chấn thương ở bụng làm dập vùng tụy cũng có thể dẫn đến tình trạng viêm tụy cấp.
  • Do rối loạn chuyển hóa: Tăng triglycerid máu, tăng canxi máu,…cũng là nguyên nhân gây viêm tụy cấp.
  • Các nguyên nhân khác: Nhiễm khuẩn, ký sinh trùng, virus, do thuốc (azathioprin, mercaptopurin, tetracyclin, ethylalcol, thuốc trừ sâu photpho hữu cơ...), loét dạ dày...

Tuy nhiên, vẫn có khoảng 10 – 15% các trường hợp viêm tụy cấp không tìm thấy nguyên nhân gây bệnh.

Triệu chứng nhận biết viêm tụy cấp

Thông thường, người bệnh có thể nhận biết bệnh viêm tụy cấp thông qua các triệu chứng lâm sàng và bác sĩ sẽ chẩn đoán chính xác qua biểu hiện cận lâm sàng.

  1. Triệu chứng lâm sàng

  • Đau bụng: Viêm tụy cấp chủ yếu gây đau vùng thượng vị, đau dữ dội, đột ngột sau một bữa ăn no. Cơn đau thường kéo dài, lan ra sau lưng hoặc hạ sườn 2 bên.
  • Buồn nôn và nôn: Triệu chứng này thường xảy ra sau đau bụng, nôn xong người bệnh vẫn không thấy đỡ hay hết đau. Dịch nôn ra thường là dịch dạ dày, dịch mật, thể nặng có thể nôn ra máu loãng.
  • Chướng bụng: Bụng người bệnh cũng có thể bị chướng nhẹ, nhu động ruột giảm hoặc mất do liệt ruột,… Ở thể viêm tụy cấp hoại tử nặng, một số trường hợp đi ngoài phân lỏng nhiều lần.

Ngoài ra, tùy bệnh cảnh mà người bệnh có thể bị rối loạn ý thức, nhịp tim nhanh, huyết áp tụt, sốt, thiểu niệu hoặc vô niệu. 

  1. Triệu chứng cận lâm sàng

  • Xét nghiệm thấy tăng amylase và lypase trong huyết thanh.
  • Siêu âm thấy tụy to, có thể to toàn bộ hay từng phần, nhu mô tụy không đều, có thể có dịch quanh tụy và trong ổ bụng.
  • Chụp cắt lớp vi tính giúp chẩn đoán xác định viêm tụy cấp thông qua hình ảnh, chẩn đoán viêm tụy cấp nặng thông qua hình ảnh các biến chứng.

Viêm tụy cấp có nguy hiểm không?

Viêm tụy cấp nếu không được điều trị sẽ diễn biến rất nhanh, phức tạp dẫn đến các biến chứng nặng, dễ dàng ảnh hưởng đến các cơ quan khác, thậm chí là gây tử vong. Dưới đây là những diễn biến nguy hiểm của viêm tụy cấp:

  • Sốc

Sốc là một trong những biến chứng sớm xảy ra ngay những ngày đầu của bệnh. Sốc có thể do nhiễm khuẩn nặng hay do xuất huyết. Trường hợp sốc do nhiễm khuẩn nhu mô tụy nặng thường xảy ra muộn hơn.

  • Xuất huyết

Biến chứng xuất huyết có thể xuất hiện tại tuyến tụy, trong ống tiêu hóa hoặc các cơ quan khác, dẫn đến tình trạng tổn thương các mạch máu. Biến chứng này xảy ra trong tuần đầu tiên của bệnh. Tất cả những trường hợp có biến chứng xuất huyết đa phần đều có tiên lượng nặng.

  • Nhiễm trùng tại tuyến tụy

Xảy ra ở cuối tuần đầu hoặc đầu tuần thứ hai của bệnh. Điều này là nguyên nhân chính dẫn đến sự hình thành các ổ áp xe ở tuyến tụy gây viêm phúc mạc toàn thể, hoại tử mô. Trường hợp này cũng có tiên lượng nặng.

  • Suy hô hấp cấp

Suy hô hấp do viêm tụy cấp cũng được tiên lượng nặng.

  • Nang giả tụy

Xuất hiện vào tuần thứ 2 - 3, khám vùng tụy có khối ấn căng và tức, amylase còn cao, siêu âm có khối echo trống. Trong nang giả tụy có chứa các enzym tuyến tụy, các chất dịch và các mảnh vỡ của nhu mô tuyến tụy. Nang này có thể được thu dọn hoặc tự dẫn lưu vào đường tụy rồi biến mất sau 4 đến 6 tuần. Nang nếu để kéo dài có thể tiến triển thành áp xe hoặc gây bội nhiễm.

Nhìn chung, viêm tụy cấp là một trong những cấp cứu nội khoa nghiêm trọng, có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm với tiên lượng nặng nếu không điều trị kịp thời.

Viêm tụy cấp chữa trị như thế nào?

su-nguy-hiem-cua-benh-viem-tuy-cap-voh

Khi bị đau bụng vùng thượng vị nên đi khám để xem có bị viêm tụy hay không? (Nguồn: Internet)

Việc điều trị viêm tụy cấp thường mang tính chất hỗ trợ và được tiến hành tại bệnh viện. Bác sĩ có thể thực hiện truyền dịch làm tăng lượng máu và thay thế các chất điện phân như kali hay canxi. Nếu bệnh nhân không thể kiểm soát chứng nôn mửa, bác sĩ sẽ đặt ống tạm thời nối từ mũi đến dạ dày để rút dịch và không khí.

Bệnh nhân mắc bệnh viêm tụy nhẹ có thể không ăn được trong 3 – 4 ngày nên sẽ được truyền dịch và điều trị bằng thuốc giảm đau. Người bệnh viêm tụy nặng có thể phải truyền dịch lâu hơn. 

Phẫu thuật sẽ cần được thực hiện khi có dấu hiệu nhiễm trùng, u nang hay xuất huyết. Cơn đau bởi sỏi mật có thể được điều trị bằng cách loại bỏ túi mật hay phẫu thuật ống mật khi chứng viêm tụy đã thuyên giảm. Nhìn chung, sau khi bệnh nhân viêm tụy đã ổn định, bác sĩ sẽ tập trung loại bỏ nguyên nhân.

Một số lưu ý cho người bệnh viêm tụy cấp

Viêm tụy cấp là bệnh khá nguy hiểm, do đó, người bệnh cần chú ý điều chỉnh lối sống để kiểm soát bệnh tốt hơn. Dưới đây là một số lưu ý mà người bệnh viêm tụy cấp cần biết:

  • Ngừng uống rượu

Bỏ rượu hoặc hạn chế dùng bia rượu là điều mà người bệnh viêm tụy cấp cần làm. Nếu không thể bỏ bia rượu, hãy hỏi ý kiến bác sĩ để được tư vấn cách cai rượu bia.

  • Bỏ thuốc lá

Thuốc lá luôn mang đến nhiều tác hại đối với sức khỏe, nếu bạn bị viêm tụy và có thói quen hút thuốc lá thì từ giờ hãy tập cách bỏ thuốc lá để chữa viêm tụy hiệu quả hơn.

  • Chọn chế độ ăn uống lành mạnh

Hạn chế chất béo, bổ sung các loại trái cây tươi và rau củ, ngũ cốc nguyên hạt và protein là điều mà người bệnh viêm tụy cấp cần làm.

  • Uống nhiều nước

Viêm tụy có thể gây mất nước, do đó bạn cần cung cấp đủ nước mỗi ngày cho cơ thể (ít nhất 2 lít nước/ngày, tùy vào tình trạng mất nước nhiều hay ít).

Tài liệu tham khảo:

  1. Trang hellobacsi.com
  2. Trang suckhoedoisong.vn, cơ quan ngôn luận của Bộ Y tế
  3. Trang vnexpress.net
  4. Trang vinmec.com
Ung thư tuyến tụy và những điều nên biết: Ung thư tuyến tụy là một trong những loại ung thư đường tiêu hóa nguy hiểm và phổ biến nhất. Bởi vậy, nhận biết sớm và chủ động thăm khám là điều rất cần thiết đối với bất cứ ai.
Sỏi túi mật và những điều cần biết: Sỏi túi mật là bệnh thường gặp, phổ biến ở nữ giới nhiều hơn nam giới. Căn bệnh này có thật sự nguy hiểm và nên chữa trị bằng cách nào? Hãy đi tìm câu trả lời dưới đây.