Tác dụng của cây dừa cạn trong điều trị bệnh ung thư

(VOH) – Mang dáng dấp của một loài cây cảnh, cây dừa cạn nở hoa quanh năm, dễ trồng dễ sống nhưng ít ai biết tác dụng của cây dừa cạn đã được ứng dụng thế nào trong cả y học cổ truyền và hiện đại.

Từ những năm 50 của thế kỉ trước, các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu về thành phần cũng như tác dụng của cây dừa cạn với sức khỏe. Theo đó, cho tới nay, bên cạnh việc nổi tiếng như một giống cây cảnh để trưng bày, cây dừa cạn còn được đánh giá là nguồn dược liệu giàu dưỡng chất quý giá.

1. Đặc điểm của cây dừa cạn

Cây dừa cạn hay hải đằng, dương giác, bông dừa, trường xuân hoa, hoa tứ quý, có tên khoa học là Catharanthus roseus, thuộc chi Catharanthus, họ La bố ma (Apocynaceae). Theo các tài liệu ghi chép, dừa cạn vốn là giống cây bản địa đặc hữu của nước Cộng hòa Madagascar (một đảo quốc trên Ấn Độ Dương), rồi dần du nhập vào các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

6-tac-dung-cua-cay-dua-can-trong-cai-thien-suc-khoe-voh-0
Dừa cạn là một loài cây bản địa đặc hữu của nước Cộng hòa Madagascar (Nguồn: Internet)

Dừa cạn là loài cây thân thảo, bụi nhỏ, phân nhiều cành. Lá thuôn dài, xanh bóng, không lông, mọc thành cặp đối xứng. Hoa có màu trắng, màu hồng sẫm hoặc màu xanh tím, phần tâm thường mang sắc trắng, đỏ đậm hay tím nhạt tương ứng. Quả là một cặp quả đại dài 2–4 cm, rộng 3 mm chứa 12-20 hạt nhỏ màu nâu nhạt, hình trứng.

Cây dừa cạn có thể trổ hoa tươi tắn quanh năm, song rực rỡ nhất có lẽ vào giai đoạn hè thu – từ độ tháng 5 kéo dài tới tháng 9.

2. Tác dụng của cây dừa cạn với sức khỏe

Nếu như hoa dừa cạn góp phần tô điểm cho không gian sống động hơn thì phần lá, rễ hay thân của cây dừa cạn lại chính là những vị thuốc quý, hỗ trợ phòng ngừa và cải thiện một số vấn đề sức khỏe thường gặp như:

2.1 Cây dừa cạn có tác dụng ngăn ngừa ung thư

Nhiều phân tích về dược tính của cây dừa cạn đều nhận thấy rằng cây cung cấp có tới hơn 90 loại alcaloid khác nhau, và hơn 20% số đó mang đặc tính ức chế tế bào ung thư hoạt động. Theo đó, các hoạt chất chống oxy hóa mạnh như vinblastine hay vincristine từ cây dừa cạn đã được sử dụng rộng rãi để hóa trị những ung thư lympho (Hodgkin và non - Hodgkin), ung thư tinh hoàn và ung thư vú,…

2.2 Hỗ trợ điều trị cao huyết áp

Không chỉ đảm nhiệm vai trò quan trọng hỗ trợ phòng ngừa các bệnh ung thư nguy hiểm, tinh chất alcaloid chiết xuất từ các bộ phận của cây dừa cạn còn có khả năng điều hòa huyết áp ổn định. Bạn có thể sắc nước lá dừa cạn kết hợp với lá đinh lăng, cam thảo đất, đỗ trọng và chi tử, nhằm thúc đẩy lưu thông khí huyết, giảm tắc nghẽn mạch máu và hạn chế nguy cơ huyết áp tăng cao đột ngột.

Xem thêm: Chế độ ăn uống và thực phẩm dành cho người bệnh cao huyết áp

2.3 Cây dừa cạn trị vết bỏng nhẹ

Một trong những tác dụng của cây dừa cạn (nhất là lá dừa cạn) mà bạn chưa biết tới đó là trị vết bỏng nhẹ. Lúc này, hãy giã nát lá dừa cạn rồi đắp lên vết bỏng ngày 2-3 lần sẽ giúp làm mát, giảm đau, chống bội nhiễm vùng bị bỏng.

2.4 Tác dụng của cây dừa cạn điều hòa kinh nguyệt

Nước sắc từ lá hoặc thân dừa cạn được xem như một thức uống lành mạnh dành cho phái nữ khi “tới tháng”. Hấp thu các hoạt chất alcaloid với tính kháng viêm mạnh là cách giúp chị em vượt qua các cơn đau bụng dữ dội, xoa dịu căng thẳng, cáu gắt, đồng thời cũng điều hòa chu kì kinh nguyệt đều đặn hơn.

6-tac-dung-cua-cay-dua-can-trong-cai-thien-suc-khoe-voh-1
Nước sắc từ lá hoặc thân dừa cạn có công dụng điều hòa kinh nguyệt đều đặn hơn, giảm đau bụng kinh (Nguồn: Internet)

2.5 Thanh nhiệt, giải khát

Trong Đông y, các bài thuốc điều chế từ cây dừa cạn có vị đắng nhẹ, tính mát nên khá thích hợp với người thể trạng nhiệt và dễ bị nóng trong người. Cụ thể, lá dừa cạn được đem sắc cùng cây dây thìa canh làm thức uống giải khát, thanh nhiệt bên cạnh nước lọc thông thường.

Xem thêm: 4 loại nước thanh nhiệt bạn nên uống ngay để không lo nóng trong người, khô họng, tiểu ít

2.6 Cây dừa cạn trị chứng mất ngủ

Nếu đang tìm một thức uống lành tính để trị chứng mất ngủ hoặc hay thức giấc, trằn trọc vào ban đêm thì bạn hãy tham khảo nấu nướng thân, lá dừa cạn cùng hạt muồng, lá vông nem để sớm khắc phục.

3. Cách trồng cây dừa cạn tại nhà

Trồng cây dừa cạn tại nhà không đòi hỏi quá nhiều kỹ thuật khắt khe song bạn cần có sự tỉ mỉ và dành thời gian để chăm sóc cây, nhằm đảm bảo cây có thể trổ hoa rực rỡ liên tục. Bạn có thể ươm cây từ hạt giống hoặc mua trực tiếp cây con về vun trồng trong chậu nhựa, đặt ở nơi có nhiều ánh nắng, tạo điều kiện sinh trưởng tốt nhất cho cây.

Xem thêm: Cách trồng và chăm sóc hoa dừa cạn đúng cách

4. Những lưu ý cần biết khi dùng cây dừa cạn

Tuy cây dừa cạn là một dược liệu thiên nhiên tương đối lành tính song bạn cần sử dụng hợp lý và chú ý thực hiện theo đúng các khuyến cáo sau để tránh các rủi ro sức khỏe:

4.1 Không dùng quá nhiều

Thông thường chúng ta sẽ sử dụng các bộ phận của cây dừa cạn như lá, thân hoặc rễ dưới dạng sấy khô và đem sắc nước uống. Nhưng lời khuyên là bạn không nên lạm dụng, mỗi lần chỉ dùng từ 8 – 12g dược liệu này, tránh vượt quá liều lượng an toàn.

6-tac-dung-cua-cay-dua-can-trong-cai-thien-suc-khoe-voh-2
Nên sử dụng các bài thuốc từ cây dừa cạn một cách hợp lý, tránh lạm dụng (Nguồn: Internet)

4.2 Hạn chế sử dụng trong thai kì

Đối phụ nữ đang trong thai kì hoặc cho con bú, nếu muốn áp dụng các bài thuốc từ cây dừa cạn thì cần hỏi ý kiến từ bác sĩ chuyên khoa về liều lượng phù hợp, tuyệt đối không tự ý sử dụng.

4.3 Không thay thế thuốc đặc trị

Cây dừa cạn chỉ có tác dụng cho bệnh ung thư Hodgkin - một dạng u lymphô ác tính, ung thư hệ bạch huyết nên không phải bệnh nhân ung thư nào cũng có thể dùng cây dừa cạn để làm thuốc mà phải tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng. Ngoài ra, cần lưu ý rằng cây dừa cạn là dược liệu mang tính hỗ trợ, hoàn toàn không thể thay thế thuốc đặc trị nên bạn tránh phụ thuộc nhiều vào tác dụng của cây.

5. Thành phần hóa học của cây dừa cạn

Thành phần một số chất hóa học nổi bật được tìm thấy trong lá dừa cạn với tỉ trọng như sau:

  • Este etylic: 43.9%
  • Axit stearic: 10.6%
  • Phytol: 7.3%
  • Axit hexadecanoic: 6.8%

Nhìn chung, các tác dụng của cây dừa cạn với sức khỏe đã được ghi nhận trong nhiều nghiên cứu. Dù vậy liều dùng cũng như cách dùng các bài thuốc từ cây sẽ khác nhau tùy theo cơ địa mỗi người, nên tốt nhất bạn hãy tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa trước khi quyết định dùng bổ sung, nhằm bảo vệ sức khỏe hiệu quả!