Tác dụng của cây tầm bóp là gì?

(VOH) - Khi một số thông tin về giá trị dinh dưỡng cũng như dược tính cao của tầm bóp được đưa ra, nhiều người đã săn lùng loại cây này để sử dụng. Vậy những tác dụng của cây tầm bóp là gì?

Cây tầm bóp (hay còn gọi là cây lồng đèn, thù lù cạnh, lu lu cái...) có tên khoa học là Physalis angulata, là loài thực vật thuộc họ Cà, có nguồn gốc từ vùng nhiệt đới châu Mỹ.

Cây tầm bóp tại Việt Nam có rất nhiều, thường mọc hoang quanh năm ở ven ruộng, ven đường làng quê... Loại cây này ngoài dùng trong ẩm thực thì nó cũng được xem là một vị thuốc quý sử dụng trong y học. Bộ phận sử dụng làm thuốc của cây tầm bóp là toàn cây.

1. Cây tầm bóp có tác dụng gì?

Trong Đông Y, cây tầm bóp có vị đắng, tính mát, không độc. Tác dụng của cây tầm bóp là giúp thanh nhiệt, lợi thấp, khư đàm, chỉ khái, nhuyễn liên, tán kết. Quả cây tầm bóp có vị chua, tính bình, có tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu, tiêu đờm...

tac-dung-cua-cay-tam-bop-la-gi-voh

Toàn thân cây tầm bóp đều có thể làm thuốc chữa bệnh (Nguồn: Internet)

Một số tác dụng của tầm bóp trong điều trị bệnh:

  • Trị cảm sốt, yết hầu sưng đau, ho nhiều đờm: Dùng cây tầm bóp khô từ 20 – 40g, sắc lấy nước uống trong ngày. Uống trong khoảng từ 3 – 5 ngày liền.
  • Trị đờm nhiệt sinh ho, thủy thũng: Ăn quả tầm bóp chín. Ngoài ra, công dụng của quả tầm bóp còn giúp chữa được bệnh Scorbut, phòng ngừa bệnh đường tiết niệu và viêm thận như sỏi thận, sỏi bàng quang và bệnh Gout do có nhiều vitamin C và tiền vitamin A rất tốt cho cơ thể.
  • Trị đái tháo đường: Rễ tầm bóp tươi 20 – 30g nấu với tim lợn và chu sa. Cách 1 ngày dùng 1 lần, uống từ 5 – 7 ngày.
  • Bài thuốc trị ung thư (ung thư phổi, ung thư gan, ung thư ruột, ung thư cổ tử cung, ung thư mũi – vòm họng): Dùng cành mang hoa, trái và lá cây tầm bóp khô 30g (tươi 100g), bạch truật 20g, cát cánh 10g, mạch môn 10g, hoàng cầm 10g, cam thảo 4g. Đem tất cả dược liệu rửa sạch, chặt nhỏ, sau đó cho khoảng 3 chén nước vào sắc còn 2 chén, chia ra ngày uống 2 lần. Uống 15 – 20 ngày liền. Nghỉ 10 ngày, sau đó dùng liệu trình tiếp theo.

Nghiên cứu tại Đại học Houston (Hoa Kỳ) ghi nhận, chất flavonoid glycosid trích từ lá của cây tầm bóp có tác dụng tiêu diệt tế bào ung thư (Nguồn: Fitoterapia Số 72-2001)

Nghiên cứu tại Viện khảo cứu các hợp chất thiên nhiên (Taiwan) về hoạt tính chống ung thư gan của cây Tầm bóp ghi nhận, dịch chiết toàn cây đều bằng nước và bằng ethanol, có thể chống ung thư gan do có thể gây ra hiện tượng tế bào tự hủy phối hợp với những rối loạn chức năng của các mitochondria nơi màng tế bào bị ung thư. Tác dụng diệt bào này không xảy ra ở các tế bào gan lành mạnh. (Nguồn: Life Sciences Số 74, 2-2004).

Nghiên cứu tại Nhật ghi nhận phần trên mặt đất của cây tầm bóp có hoạt tính diệt được một số ký sinh trùng, đặc biệt nhất là Trypanosoma cruzi - tác nhân gây bệnh Chagas do rệp lây truyền (Nguồn: PMID: 14758032 PubMed).

Nghiên cứu tại ĐH y khoa quốc gia Cheng Kung (Taiwan) ghi nhận các dịch chiết từ cây tầm bóp có những hoạt tính điều hòa hệ miễn dịch, giúp cải thiện các đặc điểm di truyền được chuyển từ cha mẹ sang con bằng mầm nguyên sinh, kích hoạt các tế bào T, gia tăng đáp ứng kháng thể… (Nguồn: American Journal of Chinese Medicine Số 20-1992).

Riêng tại Nhật còn có một số nghiên cứu về các hoạt chất trong cây tầm bóp có thể chống lại các siêu vi khuẩn bại liệt, Herpes simplex I, sởi, ban hồng, cháy rạ và cả HIV-I (do ức chế sao chép ngược).

Ngoài công dụng chữa bệnh, cây tầm bóp còn được sử dụng trong các món ăn hàng ngày. Quả tầm bóp khô có thể dùng làm mứt, rau tầm bóp có thể xào với thịt để tạo thành món ăn bổ dưỡng. Ở Ấn Độ, người ta ăn phần lá cây tầm bóp đã được nấu chín hoặc dùng lá tươi như một tấm băng để băng các vết thương bị nhiễm trùng.

2. Cách phân biệt cây tầm bóp và cây thù lù đực (lu lu đực)

Tuy được sử dụng khá nhiều nhưng có rất nhiều người vẫn chưa phân biệt cây lu lu đực và rau tầm bóp mà thường nhầm lẫn giữa 2 loại rau này hoặc cho rằng 2 loại này là một.

tac-dung-cua-cay-tam-bop-la-gi-1-voh

Tầm bóp và thù lù đực là 2 loại cây hoàn toàn khác nhau (Nguồn: Internet)

Thực chất, cây tầm bóp và cây lù lù đực là 2 loại cây hoàn toàn khác nhau cả về hình dáng lẫn công dụng. Dưới đây là những điểm khác biệt để giúp bạn phân biệt 2 loại cây này:

Cây thù lù đực

Cây tầm bóp

Đặc điểm

Cây thân thảo cao 30 - 100cm. Lá hình trái xoan nhọn, phiến hơi phân thùy. Hoa mọc thành từng chùm, dạng hoa tán. Quả có hình nang tròn, quả non có màu lục, chín chuyển sang vàng hay đỏ, bên trong chứa hạt dẹp. Trái và lá đều có thể ăn được.

Thân cây tầm bóp cao 50 – 90cm. Lá hình bầu dục. Hoa học đơn độc, có cuống mảnh. Quả mọng, tròn, lúc non màu xanh, chín chuyển sang vàng. Bên ngoài được bọc một lớp vỏ mỏng giống như lồng đèn. Quả, lá tầm bóp đều ăn được.

Tác dụng

Giúp thanh nhiệt, lợi tiểu. Tuy nhiên, quả thù lù đực còn xanh có chứa độc tố Solanin, lá có chứa nhiều chất nitrate. Vì thế, nếu ăn phải quả xanh và lá tươi cây thù lù đực sẽ có thể gây sốt, đổ mồ hôi, buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy, rối loạn hô hấp, buồn ngủ.

Muốn sử dụng cần phải luộc qua một nước, sau đó mới đem chế biến.

Giúp thanh nhiệt, lợi tiểu, chỉ khái, tán kết... Nghiên cứu y học hiện đại cho thấy, cây tầm bóp có hoạt chất chống ung thư, trị tiểu đường, diệt khuẩn, virus, tăng cường hệ miễn dịch...

3. Thành phần dưỡng chất trong quả tầm bóp

Theo ThS Nguyễn Đặng Toàn – Sở khoa học và Công nghệ Gia Lai, trong quả cây tầm bóp có rất nhiều giá trị dinh dưỡng khác nhau như: chất đạm, chất béo, chất xơ, canxi, sắt, vitamin C...

Tài liệu từ bảng Thành phần thực phẩm Việt Nam – Bộ Y tế, trong 100g quả tầm bóp thu được những chất dinh dưỡng sau:

Thành phần dinh dưỡng

Hàm lượng

Năng lượng

205 KCal

Carbohydrate (đạm)

11 g

Chất béo

0.5 g

Protein

0.9 g

Chất xơ

0.5 g

Canxi

12 mg

Sắt

1.3 mg

Magie

8 mg

Photpho

39 mg

Kẽm

0.1 mg

Vitamin C

28 mg

Trên đây là những thông tin về công dụng của cây tầm bóp cũng như cách phân biệt cây tầm bóp và cây thù lù đực. Hi vọng với những chia sẻ trên sẽ giúp mọi người có thể phân biệt được 2 loại cây này để có thể sử dụng chúng một cách hợp lý, an toàn, đảm bảo tốt cho sức khỏe.