Cây xấu hổ có tác dụng gì ngoài ‘khắc chế’ bệnh xương khớp?

(VOH) - Cây xấu hổ là loại thảo dược mọc hoang dại ở khắp mọi nơi trên nước ta. Tuy nhiên, có lẽ nhiều người vẫn còn chưa biết cây xấu hổ có tác dụng gì đối với sức khỏe con người.

Theo y học cổ truyền, cây xấu hổ có vị ngọt, hơi se, tính hơi hàn, có tác dụng trấn tĩnh, an thần, chống viêm, làm dịu cơn đau, hạ áp, tiêu tích, lợi tiểu. Các nghiên cứu hiện đại cho thấy, cây xấu hổ có tác dụng ức chế thần kinh trung ương, chữa được chứng mất ngủ.

1. Cây xấu hổ là cây gì?

Cây xấu hổ (hay còn gọi là cây trinh nữ, mắc cỡ,...), có tên khoa học là Mimosa pudica L., là một loại thực vật sống ít năm thuộc họ Đậu. Loài cây có nguồn gốc từ Nam Mỹ và Trung Mỹ, nhưng giờ là một loài cỏ dại ở vùng nhiệt đới. Nó có thể được tìm thấy ở nhiều quốc gia như Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines và Jamaica. 

tac-dung-cua-cay-xau-ho-voh-0

Cây xấu hổ là loài cây bụi mọc ở vùng hoang dại (Nguồn:Internet)

Cây trinh nữ là một loại cây nhỏ, thường mọc hoang thành bụi lớn ở những khu vực râm yên tĩnh, ít người sinh sống, dưới gốc cây. Loại cây này rất dễ nhận biết bởi khi chạm vào lá cây cụp rủ xuống.

Bộ phận dùng làm thuốc của cây trinh nữ là rễ và cành lá. Rễ được đào quanh năm, thái mỏng, phơi hoặc sấy khô. Cành lá thu hái vào mùa hạ, dùng tươi hay phơi khô.

2. Cây xấu hổ có tác dụng gì trong y học?

Khi nghiên cứu về cây xấu hổ, người ta ghi nhận trong loại cây này có chứa alcaloid – một loại axit amin có thể bào chế thành thuốc giảm đau. Ngoài ra, cây trinh nữ còn chữa minosin, crocetin, flavonoid, axit amin, axit hữu cơ, các loại ancol...

Trong hạt mắc cỡ có chứa nhất nhầy. Lá cây mắc cỡ chứ adrenalin và selen, những thành phần có thể giúp hỗ trợ quá trình vận chuyển máu về tim.

Chính nhờ những thành phần này mà các nghiên cứu tin rằng, cây trinh nữ có thể chứa một số tác dụng tốt như:

2.1 Chống lại nọc của rắn độc

Một nghiên cứu được thực hiện vào năm 2001 ghi nhận, dịch chiết từ rễ khô của cây xấu hổ có chứa hoạt chất mimosa, có khả năng ức chế nọc độc của rắn độc.

2.2 Chống co giật

Các nhà khoa học cho rằng, dịch chiết từ lá cây mắc cỡ có thể chống lại cơn co giật gây ra bởi Pentylenetetrazol và Strychnin.

2.3 Chống lo âu, trầm cảm

Một số tinh chất có trong cây trinh nữ có thể hỗ trợ điều trị rối loạn lo âu và bệnh trầm cảm. Bên cạnh đó, một nghiên cứu khác ghi nhận, chiết xuất từ lá khô cây trinh nữ có tác dụng chống lại dấu hiệu bệnh trầm cảm.

2.4 Ức chế thần kinh trung ương

Thành phần trong cây xấu hổ có tác dụng ức chế thần kinh trung ương, vì thể chúng có thể chống mất ngủ, giúp an thần dễ ngủ.

Xem thêm: Bí quyết ‘đánh bay’ chứng mất ngủ từ những loại thực phẩm tự nhiên

3. Cây mắc cỡ trị bệnh gì trong y học cổ truyền?

Trong y học cổ truyền, hầu hết các bộ phận của cây xấu hổ đều được dùng làm thuốc. Cành và lá cây xấu hổ có vị ngọt, hơi đắng, tính lạnh, hơi độc; có tác dụng thanh can hỏa, an thần, tiêu tích, giải độc. Rễ cây xấu hổ có vị chát, hơi đắng, tính ấm, có độc tố, có tác dụng chỉ khái, hóa đàm, hoạt lạc, hòa vị, tiêu tích…

Tùy thuộc vào mục đích sử dụng và từng bài thuốc cụ thể sẽ dùng dược liệu theo nhiều cách khác nhau. Người ta thường dùng rễ cây mắc cỡ thái mỏng, phơi khô, sắc nước uống. Trong khi lá và cành có thể dùng tươi hoặc phơi khô đều được.

tac-dung-cua-cay-xau-ho-voh-1
Cây xấu hổ thường được sử dụng trong rất nhiều bài thuốc Đông y (Nguồn: Internet)

Dưới đây là một số bài thuốc có sử dụng cây mắc cỡ theo y học cổ truyền và kinh nghiệm dân gian:

3.1 Chữa đau lưng, đau nhức xương khớp, chân tay tê bại

Để chữa đau lưng, đau nhức xương khớp, chân tay tê bại, bạn có thể dùng riêng hoặc phối hợp với các vị thuốc khác như sau:

  • Bài 1: Bạn dùng 30g rễ cây xấu hổ (thái mỏng, tẩm rượu, sao cho thơm) rồi sắc với 400ml nước, chia làm 2 lần trong ngày.
  • Bài 2: Bạn dùng rễ cây xấu hổ, hy thiêm, gai tầm xoọng, dây đau xương, thiên niên kiện, thổ phục linh, tục đoạn, dây gắm, kê huyết đằng, đồng lượng 12g, rồi đem sắc uống ngày 1 thang.
  • Bài 3: Bạn dùng rễ cây xấu hổ, rễ bưởi bung, rễ cúc tần, đồng lượng 20g; rễ đinh lăng, rễ cam thảo dây, đồng lượng 10g. Tất cả đem sắc uống ngày 1 thang hoặc có thể ngâm rượu.

3.2 Hỗ trợ điều trị và dự phòng tái phát đau xương, thấp khớp, tê thấp

Để điều trị và phòng ngừa các cơn đau xương tái phát, bạn cũng có thể sử dụng rễ cây xấu hổ và rễ cây lá lốt, đồng lượng từ 15 - 20g khô, rồi đem sắc uống trong ngày.

Ngoài ra, bạn cũng có thể dùng nước sắc của 2 nguyên liệu này kết hợp với muối, rồi ngâm các khớp bị bệnh trong thời gian chừng 20 - 30 phút khi nước thuốc còn ấm.

3.3 Thuốc tắm chữa viêm khớp

Bài thuốc từ cây xấu hổ còn có tác dụng chữa viêm khớp rất tốt. Bạn lấy 40-50g cây xấu hổ, 40-50g lá lốt, 20g lá long não, 15g quế chi, mỗi loại hoắc hương, tía tô, cây hy thiêm, lá ngải cứu, đơn tướng quân 30 - 40g. Cho tất cả vào nồi, rồi thêm nước xâm xấp đun sôi cho đến khi có mùi thơm tỏa ra trùm vải kín. Sau đó, để hơi nước thuốc ngấm vào bộ phận bị bệnh đến khi mồ hôi ra toàn thân thì dừng lại.

Đối với bài thuốc này, bạn nên xông khoảng 10 - 15 phút mỗi ngày 1 lần. Mỗi liệu trình 2 tuần, sau đó nghỉ 1 tuần rồi làm tiếp liệu trình khác.

3.4 Chữa suy nhược thần kinh, mất ngủ, trằn trọc

Ngoài tác dụng của cây xấu hổ giúp giảm đau xương khớp, cây trinh nữ còn được sử dụng như một dược liệu chữa mất ngủ.

Bạn cần dùng 15g cành lá xấu hổ, rửa sạch, cắt ngắn sao vàng, rồi sắc uống. Hoặc bạn có thể phối hợp với 15g cây nụ áo hoa tím, 30g chua me đất hoa vàng, 10g lạc tiên, 10g mạch môn và 10g thảo quyết minh. Tất cả đem sắc uống, dùng trong 7 - 10 ngày, mỗi ngày 1 lần. 

3.5 Hỗ trợ điều trị viêm phế quản mãn tính

Bên cạnh đó, tác dụng của cây xấu hổ còn kể đến là công hiệu điều trị viêm phế quản mãn tính. Bạn cần chuẩn bị 100g rễ cây xấu hổ, sắc với 600ml nước, rồi chia làm 2 lần uống trong ngày, mỗi liệu trình 10 ngày.

Xem thêm: Viêm phế quản kèm theo viêm họng và cách chữa trị

3.6 Chữa đầy bụng chậm tiêu

tac-dung-cua-cay-xau-ho-voh-2
Cây xấu hổ có thể giúp chữa chứng đầy bụng chậm tiêu (Nguồn: Internet)

Để chứng đầy hơi khó tiêu giảm dần, bạn nên sử dụng bài thuốc từ cây xấu hổ. Bạn dùng 16g lá và cành xấu hổ, 12g thần khúc, 16g bạch thược và 16g mạch nha. Tất cả đem sắc uống trong 3 - 5 ngày, mỗi ngày 2 lần sau bữa ăn trưa và tối. 

3.7 Chữa khí hư

Cây xấu hổ còn được sử dụng cho bài thuốc chữa khí hư rất hiệu quả. Bạn chỉ cần lấy rễ xấu cây hổ tươi đem giã rồi ép lấy nước uống trong ngày, mỗi ngày 3 lần, mỗi lần 2 thìa canh và sử dụng bài thuốc này trong một tuần.

Lưu ý: Các bài thuốc chỉ tốt và có tác dụng khi dùng liều lượng thích hợp, cây xấu hổ phải được rửa kỹ, chế biến sạch và đúng cách. Nếu dùng kết hợp cây xấu hổ với thuốc Tây hoặc dùng quá dài ngày có thể gây hại cho cơ thể. Tốt nhất nên có sự tham khảo và tư vấn của các thầy thuốc, bác sĩ chuyên khoa khi sử dụng.

4. Dùng cây trinh nữ cần lưu ý điều gì?

Cây xấu hổ là một loại dược liệu được sử dụng trong nhiều bài thuốc, vì thế loại cây này không thể tùy tiện sử dụng. Nếu muốn dùng cây trinh nữ làm thuốc bạn cần tham khảo ý kiến thầy thuốc để được hướng dẫn về liều lượng và cách sử dụng.

Bên cạnh đó, khi dùng cây trinh nữ bạn cũng cần lưu ý một số điều sau đây:

  • Không sử dụng cây trinh nữ nếu có dị ứng với bất kỳ thành phần nào có trong dược liệu.
  • Không dùng cây trinh nữ cho người bị suy nhược cơ thể và người bị lạnh trong người.
  • Phụ nữ mang thai không dùng cây trinh nữ.
  • Không kết hợp cây trinh nữ với cây mimosa.

Cây xấu hổ vốn là một vị thuốc được sử dụng lâu đời trong nền y học dân gian và y học cổ truyền. Nhờ chứa nhiều công dụng tốt mà dược liệu này được sử dụng trong rất nhiều bài thuốc. Tuy nhiên, không vì thế mà bạn có thể sử dụng một cách tùy tiện, nếu dùng cây trinh nữ làm thuốc bạn nên tham khảo ý kiến thầy thuốc để tránh những rủi ro không mong muốn.