Tác dụng của DHA đối với trẻ em và người lớn

Khi xem quảng cáo, chắc hẳn nhiều người đã biết thông tin rằng thực phẩm chứa DHA tốt cho sự phát triển của trẻ. Tuy nhiên, phần lớn mọi người vẫn chưa hiểu rõ về tác dụng của DHA đối với sức khỏe.

1. DHA là gì?

DHA là acid béo không no thuộc nhóm acid Omega-3 (thường gồm DHA, EPA và ALA). Cũng như các acid béo không no cùng nhóm, DHA cần thiết cho hệ thần kinh, thị giác, não bộ và hệ xương.

Cơ thể chúng ta không thể tự tổng hợp được DHA mà phải bổ sung từ nguồn thực phẩm.

2. DHA có tác dụng gì?

Nghiên cứu cho thấy bổ sung DHA có thể mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Cụ thể, công dụng của DHA bao gồm:

2.1 Tác dụng với trí não và thị lực

  • Tác dụng của DHA đối với bà bầu

Phụ nữ mang thai và cho con bú rất cần bổ sung DHA để giúp thai nhi và trẻ nhỏ phát triển não bộ và thị lực tốt nhất. Đồng thời, DHA còn giúp tránh nguy cơ sinh non, sẩy thai, ngừa nguy cơ trẻ sinh ra bị nhẹ cân.

  • Tác dụng của DHA đối với trẻ em

tac-dung-cua-dha-doi-voi-tre-em-va-nguoi-lon-voh-1

DHA giúp trẻ thông minh hơn (Nguồn: Internet)

Đối với trẻ em, DHA không thể thiếu đối với sự phát triển của não bộ vì nó chiếm tỷ lệ rất cao trong chất xám (tạo ra sự thông minh) và tạo ra độ nhạy của các neuron thần kinh, giúp dẫn truyền thông tin nhanh và chính xác.

Chính vì thế, trong quá trình phát triển của trẻ mà không được cung cấp đầy đủ DHA thì trẻ có chỉ số IQ thấp hơn so với các trẻ được cung cấp đầy đủ DHA.

Ngoài ra, DHA còn có tác dụng tốt đối với sự phát triển thị lực của trẻ, giúp trẻ sáng mắt và phòng tránh được các tật về mắt.

  • Tác dụng của DHA đối với người trưởng thành và người cao tuổi

DHA giúp bảo vệ sức khỏe, bảo vệ các tế bào thần kinh và tăng cường trí nhớ cho người trưởng thành và người cao tuổi. Ngoài ra, nó còn giúp giảm lão hóa thần kinh và mắt, đặc biệt là ngăn tình trạng suy giảm trí nhớ, khô mắt, mờ mắt và nhức mỏi mắt.

2.2 Phòng ngừa các bệnh mãn tính

Với các bệnh mãn tính như bệnh tim mạch, xơ vữa động mạch và mỡ máu cao, DHA sẽ giúp giảm lượng cholesterol xấu LDL, đặc biệt là Triglyceride và tăng lượng cholesterol tốt HDL trong máu. Nhờ đó, DHA giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch, xơ vữa động mạch và mỡ trong máu cao, giảm nguy cơ bị đột quỵ.

2.3 Tốt cho sự phát triển xương của trẻ

Nói đến phát triển xương, mọi người thường chỉ nghĩ đến những dưỡng chất như canxi, vitamin D3 và hiện nay mới tìm ra dưỡng chất MK7. Tuy nhiên, bên cạnh các dưỡng chất đó, khoa học đã chứng minh DHA có sự liên hệ chặt chẽ với vòng đời bé sơ sinh về cân nặng và chiều dài.

DHA được biết đến với vai trò tham gia vào việc cấu tạo khung xương cho trẻ, giúp duy trì và tăng khối lượng xương, giảm nguy cơ loãng xương bằng việc DHA giúp cân bằng mức canxi.

Đối với trẻ em từ 6 đến 12 tháng tuổi, DHA góp phần không nhỏ trong việc giúp trẻ phát triển chiều cao tối đa, giúp hệ xương cứng cáp để dễ dàng thực hiện những bước đi đầu tiên.

3. Bổ sung DHA bằng cách nào?

DHA có nhiều trong các loại hải sản như cá hồi, cá ngừ, cá trích, cá mòi, cá bơn, cá thu,…Tuy nhiên, do không hợp khẩu vị, trong những năm đầu đời, đa số trẻ không ăn được những loại thực phẩm này. Do đó, trước và trong mang thai hoặc đang cho con bú, các mẹ nên tích cực bổ sung đúng hàm lượng DHA cho mình.

tac-dung-cua-dha-doi-voi-tre-em-va-nguoi-lon-voh-2

Cá hồi giàu DHA (Nguồn: Internet)

DHA có thể được bổ sung nhờ viên dầu cá nhưng việc sử dụng phải đặc biệt cẩn trọng, tốt nhất nên có sự hướng dẫn của bác sĩ.

Theo nghiên cứu của WHO, các bà mẹ mang thai và cho con bú cần bổ sung hàm lượng DHA khoảng 200mg/ngày. Đối với trẻ nhỏ, bên cạnh khẩu phần ăn bình thường, các mẹ nên bổ sung cho trẻ hàm lượng DHA 75mg mỗi ngày để đem đến sự phát triển tốt nhất cho trẻ.