Tác dụng của khổ quả rừng trong việc bảo vệ sức khỏe

(VOH) - Khổ qua rừng tuy có vị rất đắng nhưng lại là phương thuốc tự nhiên hỗ trợ điều trị bệnh hiệu quả. Vậy khổ qua rừng có tác dụng gì đối với sức khỏe?

Được xem như "anh em" của trái khổ qua, khổ qua rừng là loại dây leo mọc hoang dại tự nhiên ở các vùng miền núi và trung du, một số nơi người dân còn lấy hạt mang về trồng. Đây là một loại dược liệu rất tốt cho sức khỏe con người trong việc phòng và điều trị bệnh.

1. Khổ qua rừng là gì?

Khổ quả rừng (mướp đắng rừng) có tên khoa học là Momordica charantia, thuộc họ bầu bí. Đây là loài cây thân thảo, thuộc loại thân leo có “tuổi thọ” tương đối ngắn chỉ từ 5-6 tháng.

Thây cây khổ qua rừng dài khoảng 3m, có tua cuốn dài. Lá màu xanh sẫm, mọc so le nhau, mép lá có nhiều khía giống hình răng cưa. Hoa màu vàng, mọc ở nách lá, có hoa cái và hoa đực (chỉ có hoa cái mới tạo quả). Quả hình thoi, xung quanh quả có nhiều u nhỏ mộc chồi hẳn lên trên. Quả non có màu xanh, chín có màu vàng hồng.

kho-qua-rung-co-tac-dung-gi-voh-0
Khổ qua rừng là loại dây leo mọc hoang dại tự nhiên hoặc được trồng (Nguồn: Internet)

Dây khổ qua rừng thường mọc hoang ở một số khu vực như châu Á, châu Úc và châu Phi. Tại châu Á, nó mọc phổ biến ở một số nước như Việt Nam, Ấn Độ và Trung Quốc.

2. Tác dụng của khổ qua rừng đối với sức khỏe

PGS.TS BS Nguyễn Thị Bay (Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM) cho biết, dây khổ qua rừng và trái khổ qua rừng được nghiên cứu nhiều và người ta nhận thấy đây là một vị thuốc với nhiều công dụng tốt cho sức khỏe.

Trong khổ qua rừng có chứa thành phần alkaloid momordicin, cucurbitacin B và một số hợp chất khác, nước, protein, lipid, carbohydrate, khoáng chất như calcium, potassium, magie, sắt, kẽm, vitamin B1, B2, A, C… giúp nâng cao chức năng miễn dịch của cơ thể.

Nhờ có thành phần dinh dưỡng đa dạng nên khổ qua rừng có tác dụng tốt cho sức khỏe, giúp phòng và hỗ trợ điều trị một số bệnh lý sau đây:

2.1 Bệnh tiểu đường

Khổ qua rừng có tác dụng tốt đối với bệnh tiểu đường, thông qua việc ổn định đường huyết, nhất là đối với những bệnh nhân bị tiểu đường tuýp 2.

2.2 Nóng trong người

Một trong những tác dụng của khổ qua rừng là giúp giải nhiệt cơ thể. Khi bị nóng trong người thường gây nổi mụn, nhọt trên da, lở miệng,… tuy nhiên, nếu đang gặp phải tình trạng này, bạn có thể sử dụng trái hoặc dây khổ qua rừng ép lấy nước uống để khắc phục chứng bệnh này.

2.3 Giải độc gan

Nhờ trong khổ qua rừng có thành phần alkaloid nên ăn khổ qua rừng có thể giúp hỗ trợ giải độc gan. Nếu mắc bệnh gan làm chức năng giải độc gan kém, da nổi mụn, nhọt lở thì bạn có thể uống nước dây khổ qua rừng hoặc trái khổ qua rừng để hỗ trợ điều trị.

kho-qua-rung-co-tac-dung-gi-voh-1
Khổ qua rừng có tác dụng giải độc gan (Nguồn: Internet)

Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có nghiên cứu nào chứng minh dây khổ qua rừng có tác dụng điều trị viêm gan siêu vi B. Vì vậy, người bệnh viêm gan B không nên dùng khổ qua rừng thay thế thuốc điều trị.

Xem thêm: Có cách nào điều trị dứt điểm được bệnh viêm gan siêu B?

2.4 Duy trì huyết áp ổn định

Hoạt chất charantin trong khổ qua rừng có thể giúp duy trì huyết áp luôn ở mức ổn định, phòng chống tai biến mạch máu não, giảm nguy cơ máu nhiễm mỡ.

2.5 Giúp vết thương mau lành

Một tác dụng khác của khổ qua rừng là giúp làm lành vết thương nhanh chóng. Chính hoạt chất lkaloid có trong mướp đắng rừng còn có vai trò trong việc chống viêm, hỗ trợ quá trình hoạt động của đại thực bào, từ đó làm vết thương mau lành hơn.

3. Khổ qua rừng chữa bệnh gì?

Trong Y học dân gian và Y học cổ truyền, toàn thân rễ, lá, quả khổ qua rừng đều có công dụng dược liệu để phòng và điều trị nhiều bệnh lý khác nhau. Khổ qua rừng có tính hàn, vị đắng không gây độc. Vì thế, tác dụng của khổ qua rừng là giúp tiêu độc, kháng viêm, thanh nhiệt, tiêu đờm, giảm ho....

Nếu biết sử dụng đúng cách, bạn có thể dùng khổ qua rừng để cải thiện một số tình trạng sức khỏe như:

  • Nóng trong người
  • Giúp tiêu đờm, trị sưng nóng ở họng
  • Chữa say nắng
  • Xử trí vết thương do côn trùng cắn
  • Thải độc gan
  • Hỗ trợ điều trị cho người bệnh gout, bệnh tiểu đường tuýp 2

Thông thường, người ta sẽ sử dụng các bộ phận của khổ qua rừng để làm dược liệu theo nhiều cách như:

  • Nấu nước tắm: Lấy dây và lá khổ qua rừng nấu với với để xông hoặc tắm.
  • Hãm nước uống như trà: Dùng phần quả khổ qua rừng khô sắt mỏng, hãm với nước, mỗi ấm không quá 10g.
  • Sắc thuốc: Tương tự như hãm trà nhưng cách dùng nước cô đặc hơn, đồng thời giảm vị đắng.
  • Chế biến món ăn: Quả, đọt non và lá khổ qua rừng đều có thể dùng làm nguyên liệu để nấu canh, làm lẩu, luộc hoặc xào. Thường sẽ kết hợp thêm thịt bò, tôm, mực để món ăn đủ dưỡng chất và tăng hương vị.

4. Dùng nhiều khổ qua rừng có tốt không?

kho-qua-rung-co-tac-dung-gi-voh-2
Dùng nhiều khổ qua rừng có thể ra tác dụng phụ cho cơ thể (Nguồn: Internet)

Mặc dù khổ qua rừng được đánh giá là tốt cho sức khỏe, tuy nhiên, nếu dùng sai cách, dùng quá nhiều bạn cũng có thể gặp phải một số rủi ro. Chẳng hạn như:

4.1 Kích thích gây sảy thai

Đây là một trong những tác hại của khổ qua rừng. Các nghiên cứu đã cho thấy, bà bầu ăn nhiều khổ qua rừng có thể gây sảy thai. Nguyên nhân là do, một số thành phần có trong khổ qua rừng kích thích tử cung co bóp, dẫn đến hiện tượng sinh non hoặc sảy thai.

4.2 Có thể gây tiêu chảy

Ăn quá nhiều khổ qua rừng có thể khiến bạn gặp phải tình trạng bị tiêu chảy, kiết lỵ hoặc các vấn đề về đường tiêu hóa khác.

4.3 Hạ đường huyết

Người bị bệnh tiểu đường không nên ăn quá nhiều khổ qua rừng, vì nó có thể khiến bạn bị hạ mức đường huyết đột ngột. Ngoài ra, ăn khổ qua rừng có gây hạ huyết áp với các triệu chứng hoa mắt, chóng mặt, đau đầu.

4.4 Không tốt cho trẻ sơ sinh và mẹ sau sinh

Phụ nữ sau sinh không nên ăn khổ qua rừng, nhất là khổ qua mọc hoang dại hoặc được trồng ở những vùng đất bị nhiễm kim loại nặng. Độc tính có thể không gây nguy hiểm trong người lớn nhưng có thể truyền vào sữa mẹ và ảnh hưởng đến trẻ sơ sinh.

Ngoài ra, một lý do khác để phụ nữ sau sinh nên hạn chế ăn khổ qua rừng là vì nó có thể gây ra hội chứng cấp tính như đau thắt bụng, nhức đầu và hôn mê đối với người nhạy cảm. Cơ địa của phụ nữ sau sinh thường khá nhạy cảm, thể lực yếu, sức miễn dịch kém, vì thế tốt nhất nên kiêng cử khổ qua rừng.

Như vậy, khổ qua rừng không chỉ nguyên liệu nấu ăn bổ dưỡng mà nó còn là dược liệu với nhiều công dụng tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, hãy sử dụng khổ qua rừng một cách hợp lý và an toàn để giúp cải thiện, chăm sóc sức khỏe cho cả gia đình.

Bạn có thể nghe lại phần tư vấn trực tiếp của bác sĩ Nguyễn Thị Bay tại audio bên dưới: