Tác dụng của cây mật gấu (lá đắng) qua những bài thuốc dân gian

(VOH) - Cây mật gấu có vị đắng, thường được sắc uống như nước trà. Tác dụng của cây mật gấu được người Trung Quốc ghi nhận là có thể thanh nhiệt giải độc, tiêu thũng chỉ thống, trừ phong, hết ngứa.

Cây mật gấu còn có tên gọi khác là hoàn liên ô rô, mã hổ, cây lá đắng, tên khoa học là Vernonia amygdalina hay Gymnanthemum amygdalinum. Đây là một loại thảo mộc thuốc nam, là một loài thực vật có hoa trong họ cúc, lá đơn mọc cách, mép lá dạng răng cưa thưa, có khi gần như liền mạch, lá dài 4,5-12cm, rộng 3-8cm, phần gốc lá thuôn dần lại như hình nêm, đầu lá nhọn tù, tù hoặc nhọn sắc, mặt trên của lá có lông ngắn mịn như phấn. Khi lá già thì bề mặt lá nhẵn bóng, mặt bụng lá không có lông hoặc có lông thưa dọc trên gân bụng lá.

tac-dung-cua-mat-gau-la-dang-va-nhung-bai-thuoc-dan-gian-voh

Cây mật gấu hay còn gọi là lá đắng, có vị đắng, là một loại thảo mộc thuốc nam, tính lành (Nguồn: Internet)

Cây mật gấu mọc nhiều ở vùng nhiệt đới châu Phi và thường xuất hiện ở các vùng núi phía Bắc Việt Nam. Theo quan sát, khi bị nhiễm một số bệnh ký sinh trùng, một số loài linh trưởng châu Phi đã ăn lá mật gấu để tự chữa trị.

1. Tác dụng của cây mật gấu trong chữa bệnh

1.1 Ức chế bệnh ung thư vú

Các nhà khoa học đến từ đại học bang Jackson, Mỹ trong một cuộc nghiên cứu về các tế bào ung thư vú ở người đã phát hiện ra lá mật gấu có tác dụng ức chế sự tăng trưởng và tăng sinh tế bào ung thư vú. Sự kết hợp giữa chất curcumin có trong nghệ và các chất của lá mật gấu sẽ tạo nên một công thức đồng ức chế bệnh ung thư.

1.2 Chống oxy hóa

Trong báo cáo tháng 12/2006 về “Hóa học và thực phẩm” đã chỉ ra rằng lá mật gấu là nguồn cung cấp chất chống oxy hóa dồi dào. Uống nước từ lá mật gấu đúng cách sẽ giúp bạn tận dụng được nguồn chống oxy hóa tuyệt vời từ thiên nhiên.

1.3 Giảm cholesterol xấu

Theo ấn bản tháng 2/2008 của “Tạp chí sức khỏe mạch máu và quản lý rủi ro” viết, lá mật gấu có thể làm giảm cholesterol xấu. Trong một nghiên cứu tiến hành trên động vật, những con vật được bổ sung chiết xuất từ lá giúp làm giảm nồng độ cholesterol xấu trong cơ thể xuống 50%.

Nồng độ cholesterol cao đặc biệt là cholesterol xấu là một trong những nguy cơ gây bệnh tim, đột quỵ và bệnh Alzheimer. Do đó, lá mật gấu chính là một liều thuốc hữu hiệu giúp bạn giữ gìn sức khỏe.

1.4 Cung cấp axit béo

Axit béo linoleic và linolenic là hai loại axit béo không bão hòa mà cơ thể con người không thể tạo ra, chỉ được cung cấp qua chế độ ăn uống hằng ngày.

Một nghiên cứu đăng trên tạp chí "Dinh dưỡng lâm sàng" của Mỹ (ấn bản tháng 11/2001) cho thấy chế độ ăn giàu hai axit béo này giúp cơ thể chống lại bệnh tim mạch, những người tiêu thụ một lượng lớn các axit béo linoleic và linolenic có nguy cơ mắc bệnh tim mạch thấp hơn 40% so với những người ít khi tiêu thụ chúng.

Trong lá mật gấu rất giàu axit béo linoleic và linolenic, thường xuyên sử dụng mật gấu chính là một cách cung cấp 2 loại axit tốt cho cơ thể.

1.5 Giảm sốt

Lacton andrographolide, glucosides, fiterpene và flavonoid trong lá mật gấu có tác dụng làm giảm sự căng thẳng của cơ thể, giảm sốt.

Bài thuốc dân gian:

  • Sắc 10g lá khô cùng với khoảng 25g nghệ củ trong 200ml nước cho đến khi còn 100ml.
  • Để còn hơi ấm, cho thêm mật ong vào tùy theo khẩu vị của từng người, chia uống 3 lần trong ngày.

1.6 Trị sốt rét

Do ký sinh trùng plasmodium gây ra, sốt rét là một căn bệnh nguy hiểm và lá mật gấu là một vị thuốc có khả năng trị được bệnh này.

Bài thuốc dân gian:

  • Dùng một nắm nhỏ lá mật gấu sắc cùng 4 chén nước cho đến khi còn 2 chén, chia uống 3 lần/ngày.

1.7 Điều hòa huyết áp

tac-dung-cua-mat-gau-la-dang-va-nhung-bai-thuoc-dan-gian-voh

Cây mật gấu mang nhiều công dụng chữa bệnh (Nguồn: Internet)

Các bệnh về huyết áp thường đến đột ngột, không có biểu hiện rõ ràng từ trước nên còn được gọi là “kẻ giết người thầm lặng”. Trong cây, lá, rễ mật gấu có chứa kali có tác dụng loại bỏ nước và muối trong cơ thể giúp điều hòa huyết áp.

Bài thuốc dân gian:

  • Rửa và đun sôi khoảng 5 lá mật gấu tươi với 3 chén nước nấu cho đến khi lượng nước còn khoảng 2 chén.
  • Để nguội, lọc bỏ bã, chia uống 2 lần/ngày.

1.8 Trị viêm ruột thừa

Nguyên liệu: 30g lá mật gấu tươi, 400ml nước và 1 thìa súp mật ong.

Cách làm:

  • Đun sôi 30g lá trong 400ml nước.
  • Để nguội, lọc bỏ bã, pha cùng mật ong uống 3 lần/ngày.
  • Uống cho đến khi bệnh thuyên giảm.

1.9 Trị bệnh tiểu đường

Theo một nghiên cứu trên chuột đực, lá mật gấu có tác dụng làm giảm lượng đường trong cơ thể chúng nhờ chứa chất andrographolide có tác dụng giảm lượng đường trong máu. Vì vậy, lá mật gấu cũng có thể được xem là một phương thuốc chữa bệnh tiểu đường.

Bài thuốc dân gian:

  • Dùng khoảng 5g lá mật gấu tươi, rửa sạch, hãm trong 1 chén nước nóng, để nguội.
  • Uống mỗi ngày 2 lần vào sáng và tối, sau bữa ăn.

1.10 Trị nhiễm trùng đường hô hấp

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến nhiễm trùng đường hô hấp do virus, vi khuẩn hoặc các sinh vật khác dẫn đến các bệnh thứ phát và lá mật gấu có thể điều trị bệnh này.

Bài thuốc dân gian:

  • Lấy khoảng 9-15g lá khô, sắc với 3 chén nước đến khi còn 1 chén.
  • Lọc bỏ bã, để nguội chia uống 2 lần trong ngày.

1.11 Trị bệnh lỵ Bacillary

Bệnh lỵ Bacillary do vi khuẩn Shigella gây ra và lá mật gấu có thể ức chế bệnh này.

Bài thuốc dân gian:

  • Lấy khoảng 9-15g lá khô, sắc với 3 chén nước đến khi còn 1 chén.
  • Lọc bỏ bã, để nguội chia uống 2 lần trong ngày.

1.12 Trị bệnh ngoài da

Khi bị phát ban, chàm hay các bệnh ngoài da khác, bạn có thể bóp nát lá mật gấu tươi rồi thoa lên vùng da đó để thấy sự thay đổi và lành lặn sau vài ngày.

Nhưng lưu ý bạn không nên dùng cách này với những vết thương hở.

1.13 Chữa cước khí chân sưng đau

Nguyên liệu: Vỏ lá đắng, lõi cây thông, hạt cau, hương phụ, hạt tía tô, chỉ xác, ké đầu ngựa, mỗi thứ  8-16g.

Cách làm: Tất cả thái nhỏ, sắc với 400ml nước còn 100ml uống 2 lần trong ngày.

1.14 Chữa tê thấp đau mỏi

Nguyên liệu: Vỏ cây lá đắng 2kg, vỏ cây gạo, dây đau xương, thân cây bọt ếch, mỗi thứ 1kg.

Cách làm:

  • Tất cả thái nhỏ, phơi khô, nấu với nước, lấy 200ml cao lỏng.
  • Hòa 200ml rượu và 100ml sirô vào cao để được nửa lít thành phẩm.
  • Ngày uống 50ml, chia 2 lần.

1.15 Chữa suy nhược thần kinh, viêm đa khớp dạng thấp, đau dây thần kinh, đau lưng, đau vai gáy

Bột mịn vỏ lá đắng 0,035g, cao vỏ lá mật gấu 0,005g, cao đặc hy thiêm 0,03g, bột mịn mã tiền chế 0,013g cho một viên. Liều dùng tối đa an toàn 1 lần là 30 viên và một ngày 80 viên.

1.16 Chữa gãy xương

Nguyên liệu: Vỏ hoặc lá mật gấu 30g, lá dâu tằm 30g, lá mía tía 20g, củ nghệ đen 20g.

Cách làm: Tất cả để tươi, rửa sạch, giã nát, tẩm rượu 30 độ cho xâm xấp, xào nóng, đắp băng và cố định bằng nẹp tre.

2. Những lưu ý khi dùng cây mật gấu

tac-dung-cua-mat-gau-la-dang-va-nhung-bai-thuoc-dan-gian-voh

Cây mật gấu chứa nhiều chất kháng sinh nên cần được tham khảo kỹ lưỡng trước khi dùng (Nguồn: Internet)

  • Trong mật gấu chứa chất kháng sinh nên không nên tự ý sử dụng mà nên tham khảo ý kiến chuyên gia, bác sĩ. Đồng thời bạn cũng không nên dùng quá liều hay kéo dài.
  • Khi mới dùng cây mật gấu bạn chỉ nên dùng ở liều thấp không ngưng đột ngột các thuốc đặc trị (thuốc hạ huyết áp, hạ đường huyết) và thường xuyên theo dõi những biểu hiện bất thường của cơ thể.

3. Cách dùng cây mật gấu hằng ngày

Cây mật gấu thường được dùng ở 2 dạng là sắc nước uống hay ngâm rượu, bạn có thể sử dụng theo công thức sau:

3.1 Sắc nước uống từ rễ cây, thân cây và lá cây mật gấu uống hằng ngày

Sau khi rửa sạch cây mật gấu, hãy đun sôi với tỷ lệ 20g lá tươi/1 lít nước trong vòng 15 phút.

Nước này có thể thay thế nước uống hằng ngày giúp cơ thể thanh nhiệt, giải độc, đặc biệt là dùng giải rượu rất tốt.

3.2 Ngâm rượu

Sau khi rửa sạch, bạn hãy thái nhỏ, phơi khô và ngâm mật gấu với rượu.

Sau 15 ngày, rượu sẽ chuyển màu và màu sẽ đậm dần theo thời gian.

Cây mật gấu ngâm rượu có tác dụng điều trị các chứng như rối loạn tiêu hóa, bệnh đường ruột, tê thấp.

Lưu ý: Bạn chỉ nên sử dụng nước sắc của cây khoảng 2 tuần rồi ngưng dùng trong 2 – 4 tuần sau đó dùng tiếp vì cây mật gấu có chứa chất kháng sinh.