Tác dụng của quả na rừng tốt như thế nào?

(VOH) – Na rừng là một một loại thảo dược quý được đồng bào dân tộc miền núi dùng làm thuốc chữa bệnh. Vậy tác dụng của quả na rừng giúp chữa những bệnh lý nào?

Na rừng hay còn gọi là Nắm cơm, Na dây, Xưn xe, Ngũ vị tử nam. Có tên khoa học là Kadsura Coccinea (Lem), là một loại thực vật có hoa trong họ Schisandraceae. Loại cây này được (Lem) A.C.Sm miêu tả khoa học đầu tiên vào năm 1947.

1. Đặc điểm của na rừng

Na rừng là loại dây leo, thân cứng, hóa gỗ, màu nâu đen, cành nhẵn. Lá mọc so le, phiến dày, hình bầu dục hoặc hình trứng, dài 10 – 20cm, rộng 4 - 5cm, đầu nhọn, mặt trên màu lục sẫm bóng, mặt dưới nhạt, có nhiều chấm trắng nhỏ.

Hoa na rừng, mọc đơn độc ở kẽ lá, dài khoảng 15mm, rộng 10mm, màu tía. Quả to hình cầu, khá giống với trái mãng cầu ta, nhiều múi, khi chín có màu hồng đỏ, ăn được.

tac-dung-cua-qua-na-rung-tot-nhu-the-nao-voh

Quả na rừng khi chín có thể ăn được (Nguồn: Internet)

Na rừng mọc rải rác trong các rừng kín, rừng tái sinh ở độ cao từ 600 – 1500m. Tại Việt Nam, na rừng thường phân bố nhiều ở các vùng như: Bắc Giang, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai, Vĩnh Phúc.... Mùa hoa thường bắt đầu từ tháng 5 – 6 và mùa quả là từ tháng 8 – 9.

2. Quả na rừng có tác dụng gì?

Theo tiến sĩ Vũ Thoại – Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện nghiên cứu cây đàm hương và thực vật quý hiếm cho biết, na rừng là loại cây có giá trị dược liệu cao, quý hiếm và cần được bảo tồn. Đây cũng là một trong 3 vị thuốc trong bài thuốc “Tứn Khửn” – bài thuốc chữa yếu sinh lý nổi tiếng của đồng bào dân tộc Sơn La.

Tại Việt Nam vẫn chưa có nhiều tài liệu nghiên cứu về cây na rừng. Tuy nhiên, ở Trung Quốc đã nghiên cứu và viết thành sách hướng dẫn người dân cách dùng cây na rừng.

Mặc dù chưa được biết đến rộng rãi, thế nhưng một số đồng bào dân tộc trên huyện Yên Thế (Bắc Giang) vẫn thường dùng na rừng làm thuốc để chữa phong thấp, ăn uống kém, phụ nữ sinh thường hãm lấy nước uống để chống hậu sản.

Ngoài ra, tác dụng của quả na rừng còn rất tốt trong việc bồi bổ cơ thể và chữa bệnh. Đặc biệt là phần rễ cây, thân cây và quả na rừng đều có tác dụng chữa bệnh hiệu quả.

tac-dung-cua-qua-na-rung-tot-nhu-the-nao-1-voh

Quả na rừng vẫn chưa được nghiên cứu nhiều trong y học (Nguồn: Internet)

Theo kinh nghiệm dân gian, quả na rừng có thể trị bệnh phong thấp hay làm thuốc an thần trị mất ngủ, giúp điều hòa khí huyết, hồi sức. Quả na rừng đem ngâm rượu có thể trở thành bài thuốc bổ dương rất hiệu quả, mà người Mông hay gọi là Tứn Khửn.

Rễ cây na rừng được thu hái quanh năm. Sau khi hái về đem rửa sạch, thái phiến, phơi khô, hãm lấy nước uống với liều lượng là từ 15 – 30g. Có tác dụng làm giảm các triệu chứng của bệnh phong thấp đau xương, viêm ruột mạn tính, viêm dạ dày ruột cấp tính, viêm loét dạ dày và hành tá tràng.

Hạt na rừng đôi khi còn được dùng thay thế ngũ vị tử bắc.

Ở Trung Quốc, thân và rễ cây na rừng được dùng để chữa phong thấp tê đau, viêm loét dạ dày – tá tràng, đau bụng kinh, đau bụng sau sinh. Quả na rừng có thể chữa thận hư, đau lưng, ho, viêm họng, viêm phế quản, thần kinh suy nhược. Liều lượng 6 – 9g sắc uống hàng ngày.

Như vậy, na rừng là một cây thảo dược vẫn chưa được nghiên cứu nhiều tại Việt Nam, song kinh nghiêm dân gian về các bài thuốc của loại cây này lại có rất nhiều. Do đó, trước khi sử dụng bất cứ bài thuốc nào từ na rừng, tốt nhất bạn nên hỏi ý kiến thầy thuốc để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.