Tác dụng không ngờ của những thực phẩm thừa thường bị bỏ đi

( VOH ) - Khi chế biến thức ăn, mọi người thường bỏ đi những phần thừa như vỏ, hạt, thân cứng,…của thực phẩm mà không hề hay biết chúng lại có nhiều công dụng tuyệt vời cho sức khỏe.

Theo nghiên cứu khoa học, việc bỏ đi những bộ phận này của các thực phẩm dưới đây là một sai lầm vì nó chứa nhiều chất dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe chúng ta.

Cụ thể là những loại thực phẩm thừa sau đây:

Vỏ trái cây có múi (cam, chanh, bưởi,…)

tac-dung-khong-ngo-cua-nhung-thuc-pham-thua-thuong-bi-bo-di-voh-1

Vỏ của các loại quả có múi chứa nhiều vitamin C (Nguồn: Internet)

Những loại trái cây có múi mà chúng ta thường sử dụng là cam, chanh, quýt, bưởi,…Chắc hẳn, những ai khi ăn các loại quả này đều bóc tách bỏ vỏ và ăn phần thịt bên trong. Thế nhưng, ít ai biết phần vỏ của những loại trái cây này lại chứa rất nhiều dinh dưỡng.

Cụ thể, trong phần vỏ của chúng có lượng vitamin C cao gấp 5 lần so với phần thịt. Ngoài ra, vỏ cũng chứa nhiều chất có ích cho cơ thể như chất xơ, các vitamin và khoáng chất như magie, vitamin B6, vitamin B5, vitamin A, sắt, kali, kẽm,…

Chính vì thành phần có lợi của loại vỏ này nên bạn đừng vứt chúng khi ăn. Bạn có thể tận dụng chúng bằng cách rửa sạch, cắt nhỏ cho vào trà, làm salad hay bất cứ món gì mà bạn thấy kết hợp được. Hay bạn cũng có thể cho vào máy ép cùng các thực phẩm khác để tạo hương vị thơm ngon hơn.

Thân bông cải xanh

tac-dung-khong-ngo-cua-nhung-thuc-pham-thua-thuong-bi-bo-di-voh-2

Khi nấu ăn bạn không nên bỏ phần thân của bông cải xanh vì chúng có lợi cho sức khỏe (Nguồn: Internet)

Rất nhiều người có thói quen bỏ thân bông cải xanh (súp lơ) đi bởi vì nghĩ đó là phần già, không ngon. Tuy nhiên, thực tế phần thân của bông cải xanh chứa nhiều sulforaphane – một chất chống oxy hóa thực vật có đặc tính chống viêm.

Sulforaphane trong bông cải xanh có tác dụng tiêu diệt các tế bào gốc ung thư. Hơn nữa, hợp chất glucoraphanin – tiền thân của sulforaphane – có trong bông cải xanh có tác dụng tăng enzym tế bào bảo vệ chống lại những tổn thương từ các hóa chất trị liệu.

Thực tế, khi bạn ăn bông cải xanh là bạn đang nhận được hàng chục, thậm chí hàng trăm siêu chất dinh dưỡng hỗ trợ cho sức khỏe. Do đó, khi ăn bông cải xanh bạn nên ăn cả phần thân nhé.

Với phần thân bông cải, bạn có thể xào với rau củ, nấu canh xương, luộc sẽ rất ngon, nó vừa thanh mát và bổ dưỡng.

Vỏ dưa hấu

tac-dung-khong-ngo-cua-nhung-thuc-pham-thua-thuong-bi-bo-di-voh-3

Vỏ dưa hấu chứa vitamin C và B6 giúp tăng cường hệ miễn dịch (Nguồn: Internet)

Dưa hấu là món ăn rất tốt, cung cấp cho cơ thể một lượng nước cũng như vitamin cần thiết cho cơ thể. Nhiều người khi ăn dưa hấu thường bỏ đi phần hạt và phần vỏ trắng bên trong quả dưa. Tuy nhiên, đây là những phần có rất nhiều chất dinh dưỡng và tốt cho sức khỏe, trong vỏ trắng dưa hấu có chứa amino acid citrulline khi vào cơ thể sẽ chuyển hóa thành arginine có tác dụng giúp cải thiện tuần hoàn và tăng lưu lượng máu, cải thiện sức khỏe tim mạch và làm giảm đau mỏi cơ.

Hơn nữa, phần vỏ trắng này còn chứa vitamin C và B6 giúp tăng cường hệ miễn dịch vô cùng hiệu quả. Với phần vỏ này, bạn có thể làm salad cùng các loại trái cây khác hoặc làm sinh tố cũng rất ngon.

Vỏ kiwi

tac-dung-khong-ngo-cua-nhung-thuc-pham-thua-thuong-bi-bo-di-voh-4

Tận dụng cả vỏ quả kiwi làm sinh tố để không bỏ phí lượng vitamin C và chất xơ (Nguồn: Internet)

Nhiều người quan niệm, vỏ kiwi thường có lông và phần vỏ này sẽ không ăn được, thế nhưng đây là một quan niệm sai lầm. Phần vỏ của quả kiwi hay vỏ quả đào, vỏ quả táo đều khá mềm và rất tốt cho sức khỏe. Ngoài phần ruột thì vỏ kiwi cũng có nhiều vitamin C và chất xơ.

Vì phần vỏ thô ráp và khó ăn nên có thể bạn không ăn trực tiếp được, khi đó, hãy cho vào máy xay sinh tố để tạo nên một ly sinh tố bổ dưỡng. Cách này sẽ giúp bạn dễ dàng thưởng thức hơn.

Vỏ khoai tây

tac-dung-khong-ngo-cua-nhung-thuc-pham-thua-thuong-bi-bo-di-voh-5

Hãy rửa sạch củ khoai tây để tận dụng cả vỏ khi ăn (Nguồn: Internet)

Hầu hết chúng ta đều bỏ vỏ khi chế biến khoai tây. Tuy nhiên, bạn có biết vỏ khoai tây có nhiều lợi ích hơn so với ruột khoai tây không. Vỏ khoai tây có chứa chất xơ khoảng một nửa so với một củ khoai tây. Vứt bỏ nó đồng nghĩa với việc bạn đang vứt bỏ nguồn canxi, vitamin B, vitamin C, sắt,…

Vì vậy, khi nấu khoai tây bạn nên nấu cả vỏ nhé nhưng lưu ý là khoai tây phải được rửa thật sạch và ngâm trong nước ấm. Bạn có thể lấy vỏ khoai tây rửa sạch xay nhuyễn nấu ăn để giúp hạ huyết áp nếu bị cao huyết áp.

Lõi dứa

tac-dung-khong-ngo-cua-nhung-thuc-pham-thua-thuong-bi-bo-di-voh-6

Lõi dứa có nhiều công dụng chữa bệnh (Nguồn: Internet)

Trong lõi dứa chứa nhiều vitamin và khoáng chất có tác dụng chống viêm, giảm viêm mũi, viêm xoang, viêm khớp, đau cơ, chống đông máu, gây ức chế tế bào ung thư.

Do đó, khi ăn dứa bạn không nên cắt bỏ lõi mà hãy cho chúng vào các món salad hoa quả, trộn với sữa chua, xào với dầu ô liu,…

Sau khi biết công dụng của những thực phẩm thừa này mà từng bị bạn bỏ đi rất nhiều lần thì từ nay bạn hãy tận dụng chúng một cách triệt để nhé, bởi chúng hoàn toàn có lợi cho sức khỏe của bạn.