Tắc ruột ở trẻ em: Điều mẹ cần biết để phòng ngừa và điều trị tốt

(VOH) - Tắc ruột ở trẻ em là một trong những chứng bệnh mà cha mẹ rất dễ nhầm lẫn với chứng rối loạn tiêu hóa, táo bón… Vậy tắc ruột là gì, làm sao nhận biết, điều trị và phòng ngừa hiệu quả?

1. Tắc ruột ở trẻ em là gì?

Tắc ruột là tình trạng tắc nghẽn thức ăn hoặc chất lỏng ở trong ruột và chúng không thể đi qua ruột non hoặc ruột già (đại tràng) của chúng ta.

Tắc ruột ở trẻ em có thể gặp ở trẻ trong mọi độ tuổi. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, phần ruột bị tắc có thể gây nhiều hậu quả nghiêm trọng, thậm chí là tử vong.

2. Nguyên nhân gây tắc ruột ở trẻ em

Bé bị tắc ruột có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau. Những nguyên nhân thường gặp có thể do:

  • Các dải sợi của mô trong bụng trẻ dính lại sau phẫu thuật.
  • Bệnh Crohn (viêm ruột)
  • Viêm túi thừa đại tràng (viêm một hoặc nhiều túi thừa đại tràng)
  • Thoát vị (một phần ruột nhô ra thành bụng).
  • Xoắn đại tràng.
  • Ung thư đại tràng

Bên cạnh đó, tắc ruột ở trẻ nhỏ còn có thể do ruột bị xoắn lại hoặc có khối u, bã thức ăn… 

3. Triệu chứng tắc ruột ở trẻ em

Trẻ bị tắc ruột sẽ xuất hiện nhiều triệu chứng khác nhau 

Theo các chuyên gia y tế, cha mẹ có thể nhận biết chứng tắc ruột ở trẻ nhỏ thông qua một số triệu chứng lâm sàng như:

3.1 Đau

Đau bụng là triệu chứng đầu tiên mà trẻ gặp phải 

Hầu hết trẻ bị tắc ruột đều có biểu hiện đau và thường xuất hiện sớm. Về mức độ đau, trẻ có thể đau dữ dội trong 2-3 phút. Sau đó, cơn đau giảm dần và hết. Nhưng sau một khoảng thời gian thì cơn đau lại xuất hiện với mức độ đau tăng lên. Ban đầu, vị trí đau có thể là ở vùng trên rốn, vùng chậu hoặc gần bụng… rồi nhanh chóng lan ra toàn bụng.

3.2 Buồn nôn, nôn

Cùng với tình trạng đau bụng, trẻ có thể bị buồn nôn hoặc nôn

Triệu chứng này thường xuất hiện cùng với cơn đau. Nguyên nhân là do tăng nhu động và phản nhu động ruột. Trong thời gian đầu, trẻ sẽ nôn ra hết những thực phẩm đã ăn. Sau đó, trẻ vẫn tiếp tục nôn ra dịch mật, dịch tiêu hóa. 

Quan sát biểu hiện nôn của trẻ các chuyên gia y tế sẽ nhận biết được mức độ nặng của bệnh. Nếu trẻ nôn sớm và nôn nhiều có thể là tắc ruột cao và mất nước sớm. Nếu tình trạng nôn xuất hiện muộn có kèm theo chướng bụng thì trẻ bị tắc ruột thấp. Trong trường hợp trẻ nôn ra cả phân tức là tình trạng bệnh đã để quá muộn.

3.3 Táo bón

Táo bón vừa là triệu chứng cũng là nguyên nhân gây tắc ruột ở trẻ

Táo bón vừa là triệu chứng lâm sàng vừa là nguyên nhân gây tắc ruột ở trẻ. Tuy nhiên, triệu chứng này lại khiến nhiều bậc cha mẹ chủ quan vì chỉ nghĩ là táo bón thông thường và khi phát hiện ra thì đã ở giai đoạn muộn, khó điều trị.

3.4 Chướng bụng

Chướng bụng thường khó được phát hiện tại nhà

Triệu chứng này thường được phát hiện khi bác sĩ thăm khám lâm sàng cho trẻ qua việc sờ, nắn, khám trực tràng….

Bên cạnh 4 triệu chứng điển hình trên, tùy theo từng trường hợp, trẻ sẽ có những dấu hiệu khác nhau như lười ăn, mệt mỏi… Đối với trẻ sơ sinh bị tắc ruột, nguyên nhân thường gặp là do lồng ruột. Biểu hiện tắc ruột ở trẻ sơ sinh thường là khóc, nôn, trớ, đi ngoài phân lẫn máu và chất nhầy; sốt, ngủ mê man…

Do đó, ngay khi trẻ xuất hiện các triệu chứng của tắc ruột, cha mẹ nên đưa con đi khám để tìm ra nguyên nhân càng sớm càng tốt. Dựa trên nguyên nhân gây tắc ruột, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị chính xác.

4. Trẻ bị tắc ruột có nguy hiểm không?

Cơ thể chỉ khỏe mạnh khi tất cả các bộ phận trong cơ thể hoạt động trơn tru. Và khi ruột bị tắc thì chắc chắn sẽ có tác động xấu, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của trẻ. Vậy trẻ bị tắc ruột có nguy hiểm không? Để trả lời câu hỏi này, cần căn cứ vào nhiều yếu tố của bệnh như nguyên nhân gây tắc ruột, vị trí tắc ruột (ở đầu hay cuối ruột; tắc ở ruột non hay ruột già), cơ chế tắc… Và việc kiểm tra kỹ càng bởi giới chuyên môn là điều vô cùng cần thiết để tránh những hậu quả xấu sau này.

Trẻ bị tắc ruột dễ đối mặt với nhiều với biến chứng nguy hiểm

Các bác sĩ cho biết, bệnh tắc ruột ở trẻ em thường tiến triển rất nhanh nên dễ gây tổn thương thành ruột. Đoạt ruột bị tắc sẽ bị trướng lên và căng ra, làm tăng áp lực ở trong lòng ruột. Từ đó, niêm mạc ruột dễ bị thương tổn, xung huyết và hấp thu kém. Khi bị tắc ruột, trẻ hay nôn nhiều, dễ bị mất nước và rối loạn điện giải. Tất cả những yếu tố này đều dễ dẫn tới suy thận cơ năng. Đáng lo ngại hơn, trẻ bị tắc ruột nhưng không được cấp cứu kịp thời có thể dẫn tới hoại tử ruột và ảnh hưởng tới tính mạng. 

5. Điều trị tắc ruột ở trẻ em

Về điều trị, nguyên tắc được các bác sĩ áp dụng là phẫu thuật kết hợp hồi sức ngoại khoa. Đồng thời, kết hợp cải thiện các rối loạn toàn thân do tắc ruột và hồi phục lưu thông ruột.

Trong đó, điều trị những rối loạn toàn thân bao gồm các biện pháp như truyền dịch và điện giải; hút dịch dạ dày ruột; sử dụng thuốc kháng sinh… Biện pháp phẫu thuật sẽ được thực hiện để giải quyết nguyên nhân gây tắc ruột và phục hồi lưu thông ruột. Phẫu thuật thường được chỉ định người lớn hoặc trường hợp cấp tính.

6. Cách phòng ngừa tắc ruột cho trẻ

Để phòng ngừa tắc ruột cho trẻ, cha mẹ cần lưu ý:

  • Kiểm tra kỹ lượng thức ăn trẻ ăn vào miệng. Cần loại bỏ những thực phẩm chứa nhiều nhựa hoặc chất xơ.
  • Hạn chế cho trẻ ăn các loại quả chứa nhiều nhựa như hồng xiêm, dâu da… hay rau có nhiều chất xơ (măng). Tránh ăn lúc trẻ quá đói vì khi đó, trẻ thường ăn vội vàng, không nhai kỹ.
  • Thực phẩm cho trẻ ăn hàng ngày nên nấu chín kỹ hoặc ninh nhừ. Nên lựa chọn các loại rau có độ nhớt như rau mồng tơi, rau đay…
  • Nên chia thành nhiều bữa nhỏ trong ngày và tránh đồ ăn nhanh, thực phẩm chiên rán. 
  • Hướng dẫn trẻ nhai kỹ khi ăn và uống đủ nước mỗi ngày.

Trên đây là những thông tin cần thiết về chứng tắc ruột ở trẻ em mà bất kỳ bậc cha mẹ nào cũng cần nắm rõ. Ngay khi thấy trẻ có dấu hiệu nào của bệnh, cha mẹ cần đưa con tới cơ sở y tế thăm khám để kịp thời điều trị, tránh biến chứng nguy hiểm sau này.