Thông liên nhĩ là bệnh như thế nào?

(VOH) - Thông liên nhĩ là một dị tật bẩm sinh của tim. Nếu được phát hiện và xử lý sớm, bệnh thông liên nhĩ sẽ không ảnh hưởng đến sức khỏe.

1. Thông liên nhĩ là gì?

Thông liên nhĩ là một bệnh lý tim bẩm sinh với một lỗ thủng giữa 2 buồng tâm nhĩ. Nếu lỗ thông liên nhĩ nhỏ, lỗ này có thể đóng lại trong thời gian sau sinh hoặc trong năm đầu tiên của trẻ và có thể không gây vấn đề gì đến sức khỏe.

thong-lien-nhi-la-benh-nhu-the-nao-voh

Lỗ thông liên nhĩ có thể to hoặc nhỏ tùy từng trường hợp mắc bệnh (Nguồn: Internet)

Nếu lỗ thông lớn sẽ tạo ra một luồng thông từ trái sang phải làm cho máu ở 2 bên của tim hòa trộn vào nhau. Điều này khiến cho máu ít oxy được bơm đi nuôi cơ thể, còn máu giàu oxy thì truyền về phổi. Sự tuần hoàn bất thường này có thể làm tổn thương tim và phổi của người bệnh.

2. Nhận biết thông liên nhĩ bằng cách nào?

Đa phần thông liên nhĩ không gây ra triệu chứng gì trên đứa trẻ. Triệu chứng thường chỉ xuất hiện khi người bệnh trên 30 tuổi. Các triệu chứng thường gặp là:

  • Khó thở, đặc biệt là khó thở khi gắng sức.
  • Dấu hiệu bị suy tim như phù chân, gan to, tĩnh mạch cổ nổi.
  • Rối loạn nhịp tim: có thể gặp rung nhĩ, cuồng nhĩ. Bệnh nhân có thể thấy tim đập không đều, đập rất nhanh, có cảm giác hồi hộp.
  • Nghe thấy tiếng thổi ở tim.
  • Đau đầu Migraine.
  • Tím môi, niêm mạc, ngón tay dùi trống.

Siêu âm tim là phương pháp giúp chẩn đoán đúng cho hầu hết các trường hợp thông liên nhĩ. Một số trường hợp có thể chẩn đoán dựa trên thông tim thăm dò huyết động. Thông tim cũng được chỉ định cho những trường hợp thông liên nhĩ mà có áp lực động mạch phổi tăng cao. 

3. Nguyên nhân gây thông liên nhĩ

Nguyên nhân gây thông liên nhĩ vẫn chưa được biết rõ nhưng có sự góp mặt của yếu tố gen và môi trường. Trẻ có thể mắc bệnh do di truyền hoặc do một số yếu tố khác tác động lên người mẹ khi mang thai. Chẳng hạn như:

  • Môi trường sống.
  • Chế độ ăn uống.
  • Các loại thuốc mà người mẹ sử dụng.

Đối tượng có nguy cơ bị thông liên nhĩ:

  • Mắc Rubella: Mắc bệnh Rubella, đặc biệt trong những tháng đầu của thai kỳ sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim bẩm sinh nói chung.
  • Hút thuốc lá, lạm dụng rượu trong khi mang thai, thai nhi có nguy cơ bị thông liên nhĩ.
  • Đái tháo đường thai kỳ.
  • Bố mẹ bị bệnh lý tim bẩm sinh.
  • Mẹ bị bệnh hệ thống như lupus ban đỏ. 

4. Bệnh thông liên nhĩ có nguy hiểm không?

Thông liên nhĩ là dị tật bẩm sinh và thường phát hiện ở tuổi trưởng thành. Do là dị tật bẩm sinh nên căn bệnh này không thể ngăn ngừa.

Ở một số trường hợp, lỗ hở sẽ đóng lại khi trẻ lớn lên. Tuy nhiên, ở một số trẻ khác thì lỗ hở vẫn duy trì đến khi trưởng thành. Khi bị thông liên nhĩ, máu từ nhĩ trái qua nhĩ phải và xuống thất phải. Thất phải nhận thêm một lượng máu nên dần dần sẽ giãn ra và có thể gây suy thất phải. 

Sự tuần hoàn bất thường do thông liên nhĩ cũng có thể gây ra tình trạng tăng áp phổi. Nếu không được điều trị sớm, tăng áp động mạch phổi có thể dẫn tới hội chứng Eisenmanger (gây ra tình trạng tăng áp động mạch phổi vĩnh viễn).

Ngoài ra, nếu lỗ thông lớn có thể gây nguy hiểm tính mạng với các biến chứng như suy tim phải, rối loạn nhịp tim hoặc tai biến mạch não. Vì vậy bệnh thông liên nhĩ cần được điều trị đúng cách để ngăn chặn những nguy hiểm.

5. Phương pháp điều trị thông liên nhĩ

Nếu con bạn được chẩn đoán thông liên nhĩ ngay khi sinh ra, bác sĩ chuyên khoa tim mạch có thể yêu cầu theo dõi tình trạng sức khỏe của bé trong một thời gian dài. Bác sĩ sẽ kiểm tra lỗ hở xem có tự khép lại hay không và tiến hành các phương pháp điều trị phù hợp. 

Nếu lỗ hở nhỏ, không gây ra triệu chứng gì hoặc chỉ gây các triệu chứng nhẹ, bé có thể không cần điều trị. Tuy nhiên, với trường hợp lỗ hở lớn, khiến cho máu hòa trộn quá nhiều, tim bị sưng hoặc gây ra các triệu chứng nghiêm trọng thì cần phải chữa trị. Một số phương pháp điều trị bao gồm:

5.1 Dùng thuốc

Thuốc không giúp chữa lỗ hở, nhưng chúng có thể giúp giảm các triệu chứng do bệnh gây ra. Thuốc cũng có thể giúp giữ nhịp tim bình thường, giảm nguy cơ đông máu.

5.2 Phẫu thuật

Trong trường hợp lỗ hở lớn, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật. Có 2 thủ thuật chính là:

  • Thông tim: Ở thủ thuật này, bác sĩ sẽ đặt một miếng lưới để vá lỗ hở lại. Các mô trong tim sẽ phát triển quanh lưới và lấp liền lỗ hở.
  • Phẫu thuật mở tim: Thủ thuật này được thực hiện nếu lỗ hở quá lớn. Bệnh nhân sẽ được gây mê và sử dụng máy hỗ trợ tim phổi trong quá trình phẫu thuật. 

6. Phòng ngừa thông liên nhĩ bằng cách giảm yếu tố nguy cơ

Mặc dù thông liên nhĩ là dị tật tim bẩm sinh không thể ngăn ngừa nhưng bạn có thể phòng ngừa cho con bằng cách giảm yếu tố nguy cơ:

thong-lien-nhi-la-benh-nhu-the-nao-voh

Khi mang thai mẹ bầu nên tiêm phòng đầy đủ để phòng ngừa bệnh tật (Nguồn: Internet)

  • Tiêm chủng đầy đủ trước khi mang thai.
  • Giảm cân trước khi mang thai nếu thừa cân.
  • Có chế độ ăn uống lành mạnh.
  • Không sinh con khi đã trên 35 tuổi.
  • Tránh các nguồn lây bệnh khi mang thai.
  • Kiểm soát tốt đường huyết.
  • Không hút thuốc lá, uống rượu, bia khi mang thai.