Thuốc Đông y – vì sao tự dùng dễ bị ngộ độc thuốc?

(VOH) - Xu hướng dùng thuốc Đông y ngày càng tăng do bệnh nhân sợ dùng thuốc Tây hay đi kèm với tác dụng phụ không mong muốn. Tuy nhiên, nếu không hiểu biết, người bệnh dễ sử dụng thuốc đông y giả.

Để tránh bị ngộ độc thuốc Đông y, dược sĩ Lê Kim Phụng (Giảng viên trường Đại học Y dược TPHCM) đã chia sẻ đến mọi người cách nhận biết thuốc Đông y giả trong chương trình Sức khỏe và cuộc sống. 

Vì sao nhiều người bị ngộ độc thuốc Đông y?

Thuốc Đông y là một trong những phương pháp chữa bệnh được nhiều người lựa chọn bởi nó vốn có nhiều ưu điểm, có thể chữa được một số bệnh mãn tính mà Tây y gặp khó khăn.  Tuy nhiên, thực tế đã có không ít trường hợp bị ngộ độc thuốc Đông y do thiếu hiểu biết khi sử dụng, dẫn đến những hậu quả khôn lường cho sức khỏe, thậm chí có trường hợp tử vong. 

Theo dược sĩ Lê Kim Phụng, nguyên nhân phổ biến gây ngộ độc thuốc Đông y hiện nay là do:

thuoc-dong-y-vi-sao-tu-dung-de-bi-ngo-doc-thuoc-voh-1

Thuốc Đông y dễ bị làm giả (Nguồn: Internet)

  1. Sử dụng thuốc Đông y giả

Hiện nay, thuốc Đông y giả được bài bán trên thị trường rất nhiều, có thể là thuốc nhái hoặc thuốc thật nhưng bị pha trộn một phần với các vị thuốc khác rẻ tiền hơn nhằm thu lợi nhuận cao. 

Các loại thuốc Đông y dễ bị làm giả gồm có:

  • Hồng hoa: vị thuốc này có tác dụng hoạt huyết, tiêu ứ. Trên thị trường, người ta dùng các loài hoa khác rẻ tiền hơn, sau đó dùng phẩm nhuộm màu đỏ để nhuộm cho hoa có màu giống với hồng hoa thật để bán. 
  • Hoài sơn: đây là vị thuốc có tác dụng bổ khí, bổ tỳ vị. Hoài sơn giả trên thị trường thường được chế biến từ khoai mì, khoai mỡ, nhìn rất giống thật nên người dùng rất khó phân biệt.
  • Sơn thù: người ta thường trộn vị thuốc sơn thù thật với vỏ quả trứng cá vì nó cũng có màu chín đỏ giống sơn thù nhằm tăng sản lượng, thu lợi nhuận.
  • Kim ngân hoa: vị thuốc này có tác dụng giải độc, trên thị trường hiện nay người ta thường dùng quả đu đủ xanh bào sợi để trộn với kim ngân hoa nhằm tăng sản lượng, thu lợi nhuận. 
  • Đỗ trọng bắc: đây là vị thuốc có tác dụng bổ dương, đôi khi người ta dùng vỏ cây cao su để làm giả đỗ trọng bắc để bán. 
  • Hà thủ ô đỏ: có tác dụng bổ huyết, làm đen râu và tóc. Để làm giả hà thủ ô đỏ người ta thường sử dụng hà thủ ô trắng để thay thế, trong khi đó hà thủ ô trắng nó chỉ có thành phần tana, có thể gây táo bón mà không có tác dụng hữu ích như hà thủ ô đỏ. 
  1. Do sử dụng thuốc Đông y có dùng hóa chất độc để bảo quản

Người ta thường dùng lưu huỳnh để bảo quản thuốc Đông y, đồng thời giúp dược liệu dẻo, mềm có màu trắng sáng. Tuy nhiên, sử dụng lưu huỳnh hàm lượng lớn để bảo quản thuốc, người dùng có thể bị ngộ độc lưu huỳnh với các biểu hiện như đau đầu, sốt, tiêu chảy, ói mửa,…

Bên cạnh đó, đối với một số dược liệu như tam thất, người làm thuốc còn dùng chì để đánh bóng nhằm giúp dược liệu đẹp, bán giá cao. Việc uống lượng chì lớn cùng với thuốc nó sẽ khuếch tán vào thuốc, sau đó ngấm vào cơ thể và gây ngộ độc chì. 

Một số người còn quét kẽm lên vị thuốc nhục thung dung để giúp nó mềm dẻo, điều này dễ gây ngộ độc kẽm cho người dùng với biểu hiện là nôn, tiêu chảy, mồ hôi lạnh, mạch yếu, thậm chí có thể đưa đến tử vong,…

Ngoài ra, dùng thủy ngân để bào chế chu sa, thần sa không đúng cách cũng dễ làm nhiễm độc cho người dùng. Người bị nhiễm độc thủy ngân sẽ có biểu hiện bị kích thích, cáu gắt, rối loạn tiêu hóa, rối loạn thần kinh, chân tay run rẩy,...Hơn nữa, thủy ngân cũng có thể làm gãy nhiễm sắc thể, ngăn cản sự phân chia của tế bào, nếu nam giới bị ngộ độc trong thời gian dài có thể dẫn đến vô sinh.

  1. Do tự ý sử dụng thuốc

Nhiều người có quan niệm thuốc Đông y thường vô hại nên tự bào chế, ngâm tẩm để dùng mà không cần toa của thầy thuốc. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều trường hợp cấp cứu trong tình trạng nguy kịch với các biểu hiện suy tim, suy gan, suy thận, nhiễm trùng huyết do tự dùng thuốc Đông y. 

  1. Do nhầm lẫn dược liệu khi thu hái

Điều này có thể do người bệnh tự dùng hoặc do người làm thuốc cẩu thả hay do gian thương cố tình đánh tráo để trục lợi. Một số dược liệu dễ bị nhầm lẫn là dây đau xương nhầm lẫn với cây lá ngón, quả cây móp gai và hạt của cây cam thảo dây cũng có độc tố gây chết người và chúng cũng thường bị thu hái nhầm lẫn. 

  1. Do sự quản lý lỏng lẻo của cấp trên

Hiện tượng thuốc nhập lậu chưa được quản lý chặt chẽ nên chất lượng thuốc gần như bị “thả nổi”. 

Lời khuyên

Để phòng tránh bị ngộ độc thuốc Đông y, người bệnh cần:

thuoc-dong-y-vi-sao-tu-dung-de-bi-ngo-doc-thuoc-voh-2

Nên sử dụng thuốc Đông y của những cửa hiệu, bệnh viện uy tín (Nguồn: Internet)

  • Tuân thủ hướng dẫn của thầy thuốc, không tùy tiện sử dụng thuốc Đông y khi không có chỉ định, không tự ý nâng liều và kéo dài ngày dùng.
  • Một số vị thuốc và bài thuốc đơn giản theo kinh nghiệm dân gian có thể tự dùng nhưng tốt nhất vẫn nên có sự tư vấn đầy đủ của thầy thuốc chuyên khoa. 
  • Khi sử dụng thuốc, nếu thấy bất kỳ dấu hiệu bất thường nào thì phải ngưng thuốc ngay và báo lại cho thầy thuốc để kịp thời xử lý.
  • Khi dùng thuốc Đông – Tây y kết hợp cần có sự theo dõi chặt chẽ của thầy thuốc. 

Bạn có thể nghe lại phần tư vấn trực tiếp của dược sĩ Lê Kim Phụng tại audio bên dưới:

Chuyên gia hướng dẫn thời gian và cách uống thuốc Đông y mang lại hiệu quả tối ưu: Uống thuốc Đông y đúng thời điểm và đúng cách quyết định rất lớn về hiệu lực của thuốc với cơ thể bệnh nhân. Vậy uống thuốc Đông y như thế nào cho hiệu quả?
4 điều cần ‘nằm lòng’ khi sắc thuốc Đông y để phát huy công hiệu của thuốc: Có nhiều bệnh nhân muốn chữa bệnh bằng thuốc Đông y để tránh đụng chạm đến dao, kéo và ít tác dụng phụ. Tuy nhiên, nhiều người gặp trở ngại vì không biết sắc thuốc Đông y như thế nào cho đúng.