Tìm hiểu ưu – nhược điểm của phương pháp tiêm thuốc tránh thai

(VOH) – Tiêm thuốc tránh thai là phương pháp được sử dụng cho những phụ nữ trong độ tuổi sinh sản muốn dùng một biện pháp tránh thai tạm thời và có thể hồi phục về sau.

Hiện nay có khá nhiều biện pháp tránh thai, tùy thuộc vào thời gian và tính hiệu quả cũng như cách sử dụng mà chị em phụ nữ có những sự lựa chọn riêng cho bản thân. Trong số các phương pháp ngừa thai thì tiêm thuốc tránh thai là một sự lựa chọn phổ biến bởi nó vừa thuận tiện vừa đơn giản.

1. Phương pháp tiêm thuốc tránh thai là gì?

Ngoài việc dùng bao cao su, đặt vòng tránh thai, uống thuốc tránh thai thì tiêm thuốc tránh thai cũng được xem là một cách tránh thai an toàn.

Thuốc tránh thai dạng tiêm là một dạng khác thuốc viên tránh thai hormone. Những thuốc dạng tiêm này được tạo thành từ các hormone giúp phụ nữ ngừa thai với tác dụng kéo dài trong nhiều tuần so với thuốc viên uống.

1.1 Cơ chế hoạt động của thuốc tiêm ngừa thai

Khi được tiêm vào cơ thể, thuốc ngừa thai sẽ giải bắt đầu giải phóng hormone progestin vào trong máu để ngăn cản việc giải phóng trứng mỗi tháng. Loại thuốc này cũng làm đặc dịch nhầy cổ tử cung rất mạnh khiến tinh trùng không thể thâm nhập vào buồng tử cung. Thuốc cũng làm mỏng niêm mạc tử cung khiến trứng khó có khả năng làm tổ.

Nếu phụ nữ tiêm thuốc tránh thai trong 5 ngày đầu của chu kỳ kinh nguyệt thì thuốc sẽ có tác dụng ngay lập tức. Còn nếu tiêm vào những ngày khác, thuốc tiêm sẽ có tác dụng sau 7 ngày tiêm (trong 7 ngày này bạn cần phải sử dụng các biện pháp tránh thai khác, chẳng hạn như bao cao su khi có ‘quan hệ vợ chồng’).

Có 3 loại thuốc tiêm tránh thai thường dùng nhất là: Depo-provera, Noristerat và Sayana press. Thông thường, Depo-provera và Noristerat sẽ được tiêm vào cơ sâu thường là cơ mông. Trong khi Sayana Press sẽ được tiêm dưới da, thường là vùng bụng hay mặt trước đùi.

tim-hieu-uu-nhuoc-diem-cua-phuong-phap-tiem-thuoc-tranh-thai-voh

Tùy vào loại thuốc tránh thai sẽ có tác dụng trong khoảng 8 tuần hoặc 13 tuần sau khi tiêm (Nguồn: Internet)

Theo NHS (Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh Quốc), Depo-Provera và Sayana Press có tác dụng tránh thai trong 13 tuần, Noristerat có thể tránh thai trong 8 tuần. Thuốc tiêm cần được tiếp tục chích đúng thời gian để duy trì tác dụng tránh thai.

Nếu sử dụng đúng cách, tiêm thuốc ngừa thai sẽ đạt hiệu quả hơn 99%. Tuy nhiên, thuốc tiêm ngừa thai không bảo vệ chị em phụ nữ tránh khỏi các bệnh lây qua đường tình dục. Vì thế, khi có quan hệ bạn hoặc chồng nên sử dụng bao cao su để phòng ngừa các bệnh trên.

2. Ai có thể sử dụng được phương pháp tiêm thuốc ngừa thai?

Hầu hết phụ nữ đều có thể dùng được thuốc tránh thai dạng tiêm và có thể tiêm thuốc tránh thai khi nào bạn muốn trong chu kỳ kinh nguyệt của mình, miễn là bạn không mang thai. Với phụ nữ đang cho con bú có thể tiêm thuốc tránh thai sau 6 tuần và cần đến gặp bác sĩ để được tư vấn cụ thể.

Tuy nhiên, có một số đối tượng sau đây không nên thực hiện việc tiêm thuốc tránh thai, đó là:

  • Từng bị ung thư vú trong 5 năm gần đây
  • Bị xuất huyết âm đạo chưa rõ nguyên nhân
  • Bệnh mạch máu, tim mạch, đột quỵ
  • Đái tháo đường có biến chứng
  • Bị suy gan, suy thận
  • Người đang dùng thuốc chữa lao, bệnh động kinh...

Lưu ý: Tiêm thuốc tránh thai không dành cho những người đã và đang có dự định mang thai trong vòng 1 năm hay không muốn thay đổi chu kỳ kinh nguyệt của mình.

3. Ưu – nhược điểm của thuốc tiêm ngừa thai

Tiêm thuốc tránh thai là một trong những phương pháp ngừa thai đang được khá nhiều chị em hướng tới sử dụng. Nếu bạn đang băn khoăn không biết có nên tiêm thuốc tránh thai hay không, thì những thông tin dưới đây sẽ giúp bạn có thêm nhiều cơ sở để quyết định.

3.1 Ưu điểm của thuốc tiêm ngừa thai

  • Thời gian và tác dụng của thuốc duy trì khá dài (thời gian trong khoảng 8 tuần hoặc 13 tuần, tùy vào loại thuốc được tiêm).
  • Hiệu quả tránh thai hơn 99%
  • Thuốc không ảnh hưởng đến chuyện 'chăn gối' vợ chồng.
  • Thuốc tiêm sẽ không tương tác với các loại thuốc khác
  • Không cần phải nhớ uống thuốc mỗi ngày giống như thuốc viên uống ngừa thai.
  • Thuốc sẽ giúp bạn tránh thai trong thời gian dài nếu bạn tiêm thuốc đúng theo lịch hẹn.

tim-hieu-uu-nhuoc-diem-cua-phuong-phap-tiem-thuoc-tranh-thai-1-voh

Thuốc tránh thai dạng tiêm có những ưu điểm và cả những nhược điểm (Nguồn: Internet)

3.2 Nhược điểm khi tiêm thuốc tránh thai

  • Có thể gây ra rối loạn kinh nguyệt
  • Khi thuốc hết tác dụng, bạn sẽ phải đến bệnh viện để tiêm thuốc
  • Không bảo vệ bạn khỏi các bệnh lây lan qua đường tình dục
  • Nếu muốn mang thai trở lại, bạn sẽ cần phải chờ đến một năm sau khi ngưng dùng thuốc
  • Thuốc có thể gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn trong quá trình tiêm.

4. Tác dụng phụ của tiêm thuốc tránh thai là gì?

Mặc dù có hiệu quả ngừa thai đến hơn 99%, nhưng thuốc tiêm tránh thai có thể khiến chị em phụ nữ gặp phải một số rối loạn như: đau đầu, căng thẳng, chóng mặt, trầm cảm, mụn trứng cá, tăng cân, ăn không ngon, rụng tóc, chu kỳ kinh nguyệt không đều hoặc vô kinh...

Trong một vài trường hợp dùng thuốc tiêm ngừa thai kéo dài có thể khiến mật độ xương bị giảm, làm tăng nguy cơ bị loãng xương. Vì thế, đối với những phụ nữ dưới 18 tuổi hoặc trên 45 tuổi thì tiêm thuốc tránh thai có thể không phải là lựa chọn tối ưu đầu tiên để tránh thai.

Nhìn chung, tiêm thuốc tránh thai là một biện pháp tránh thai hiệu quả cao và có thời gian tác dụng khá lâu, nhưng biện pháp này cũng có những nhược điểm và tác dụng phụ không mong muốn. Vì thế, chị em phụ nữ có thể dựa vào thể trạng và kế hoạch sinh con của mình, cũng như cân nhắc về ưu điểm và hạn chế để có được những quyết định phù hợp nhất.