Tiểu đêm – nguyên nhân và cách điều trị

(VOH) - Người ta nói ‘ăn được ngủ được là tiên’, thế nhưng những người mắc chứng tiểu đêm lại không may mắn có được điều này. Vậy tiểu đêm là bệnh gì, tác hại như thế nào và có chữa được không?

1. Tiểu đêm nhiều là bệnh gì?

Trong hệ thống tuần hoàn, máu được đưa đến thận qua động mạch thận. Thận có nhiệm vụ lọc máu để giữ các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Đồng thời, những chất cặn bã, chất độc,…thì được thận đưa xuống và trữ ở bàng quang. Khi bàng quang đầy sẽ kích thích, gây cảm giác buồn tiểu và bạn sẽ đưa các chất cặn bã này ra ngoài thông qua đường tiểu.

PGS.TS BS Nguyễn Thị Bay (Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM) cho biết, thông thường bàng quang sẽ giữ được 300 – 500ml nước tiểu. Nếu gặp các vấn đề bệnh lý tại bàng quang thì nó sẽ không giữ được nhiều nước tiểu và gây ra tình trạng đi tiểu thường xuyên. 

Bình thường, mỗi ngày trung bình chúng ta đi tiểu khoảng 8 lần, trong đó 7 lần ban ngày và 1 lần ban đêm. Nếu đi tiểu trên 2 lần vào ban đêm thì được gọi là tiểu đêm. 

2. Nguyên nhân gây tiểu đêm nhiều lần

Theo bác sĩ Bay, tiểu đêm có thể xuất phát từ nguyên nhân sinh lý và nguyên nhân bệnh lý. 

2.1 Nguyên nhân sinh lý: 

Bạn có thể đi tiểu đêm nhiều lần nếu buổi tối uống nhiều nước, uống rượu, bia,…hoặc do bạn thức khuya. Khi thay đổi các thói quen xấu này thì tình trạng tiểu đêm sẽ chấm dứt. 

tieu-dem-nguyen-nhan-va-cach-dieu-tri-voh

Uống nước nhiều vào ban đêm có thể khiến bạn đi tiểu đêm nhiều lần (Nguồn: Internet)

2.2 Nguyên nhân bệnh lý:

So với nguyên nhân sinh lý thì nguyên nhân bệnh lý gây tiểu đêm thường phổ biến hơn. Chứng tiểu đêm thường có liên quan đến các bệnh lý sau đây:

  • Suy thận: Chức năng lọc của thận bị suy giảm có thể báo động bằng triệu chứng đi tiểu đêm. 
  • Đái tháo đường: Những bệnh nhân đái tháo đường (tiểu đường), ban ngày có thể đi tiểu nhiều nhưng đặc biệt đi tiểu rất nhiều vào ban đêm. 
  • Phì đại tiền liệt tuyến: Đây là căn bệnh ở nam giới, do tiền liệt tuyến phì to, tì đè vào bàng quang, chỉ cần bàng quang chứa 1 chút nước tiểu là sẽ bị kích thích và gây cảm giác mắc tiểu ngay. 
  • Sa sinh dục: Phụ nữ mang thai, sinh đẻ nhiều lần, bàng quang bị chèn ép sẽ làm cơ bàng quang suy yếu. Bên cạnh đó, một số phụ nữ sau sinh đẻ còn gặp phải tình trạng sa sinh dục. Khi sa sinh dục sẽ ảnh hưởng đến bàng quang, gây kích thích và tiểu đêm nhiều lần. 
  • Nhiễm trùng tiểu: Nhiễm trùng tiểu thường gây ra nhiều triệu chứng như tiểu rắt, tiểu buốt, tiểu lắt nhắt,…những trường hợp nhiễm trùng tiểu mãn tính còn gặp chứng tiểu đêm thường xuyên.
  • Hội chứng bàng quang thần kinh: Các bệnh lý ở dây thần kinh, cột sống thắt lưng,…sẽ ảnh hưởng đến thần kinh, kích thích bàng quang và gây đi tiểu thường xuyên, nhất là vào ban đêm.
  • Sỏi thận: Những bệnh nhân sỏi thận cũng gặp phải chứng tiểu đêm, kèm theo tiểu rắt, tiểu buốt,…

Như vậy, tiểu đêm có thể do nhiều bệnh lý gây ra. Nếu bạn đi tiểu đêm trên 2 lần thì nên đi khám để được bác sĩ chẩn đoán chính xác và đưa ra phương pháp điều trị, khắc phục hiệu quả.

3. Tiểu đêm nhiều lần có nguy hiểm không?

Tiểu đêm gây hậu quả lớn nhất chính là mất ngủ. Việc mất ngủ sẽ kéo theo hàng loạt các hệ lụy cho sức khỏe như nguy cơ gây ra các bệnh lý về thần kinh tâm thần, cao huyết áp, đột quỵ, tiểu đường…Ngoài ra, hậu quả nhanh nhất của việc mất ngủ chính là mệt mỏi, uể oải vào sáng hôm sau, khó tập trung vào công việc…

Với những người trẻ, đi tiểu đêm và sau đó có thể ngủ lại dễ dàng. Tuy nhiên, điều này đối với người cao tuổi là rất khó, sau khi đi tiểu họ thường trằn trọc, khó đi vào giấc ngủ,…lâu ngày sẽ dẫn đến tình trạng rối loạn giấc ngủ, từ đó ảnh hưởng lớn đến sức khỏe.

4. Chữa tiểu đêm theo Đông y

Bác sĩ Bay cho biết, để chữa tiểu đêm hiệu quả cần dựa vào nguyên nhân chính gây bệnh. Khắc phục được nguyên nhân gốc thì chứng tiểu đêm cũng sẽ biến mất. Chính vì vậy, người bệnh cần phải đi khám, thực hiện các biện pháp chẩn đoán cận lâm sàng để xác định chính xác nguyên nhân. 

tieu-dem-nguyen-nhan-va-cach-dieu-tri-voh

Có nhiều bài thuốc Đông y giúp khắc phục chứng tiểu đêm cũng như những tác hại mà chứng bệnh này gây ra (Nguồn: Internet)

Trong Đông y có các bài thuốc chữa chứng tiểu đêm như lục vị tri bá hay lục vị gia giảm thêm các vị thuốc khác nhau. Cụ thể:

  • Lục vị gia giảm thêm ích trí nhân, phá cố chỉ,…góp phần lọc nước tiểu tốt hơn.
  • Lục vị gia giảm thêm táo nhân sao giúp ngủ ngon hơn đồng thời hệ thống thần kinh bàng quang không bị kích thích.
  • Trinh nữ hoàng cung nấu nước uống như trà hoặc thuốc dạng viên đã được bào chế có tác dụng đối với bệnh lý tiền liệt tuyến. 

Nhìn chung, dù chữa chứng tiểu đêm bằng phương pháp Đông y hay Tây hoặc kết hợp cả 2 phương pháp thì người bệnh cũng cần thăm khám để được bác sĩ, thầy thuốc chỉ định loại thuốc phù hợp nhất. 

Bạn có thể nghe lại phần tư vấn trực tiếp của bác sĩ Nguyễn Thị Bay tại audio bên dưới: