Tìm hiểu hội chứng thận hư ở trẻ em

(VOH) – Hội chứng thận hư ở trẻ em là một rối loạn thận khiến cơ thể bài tiết quá nhiều protein qua nước tiểu. Bệnh có thể dẫn đến hàng loạt vấn đề sức khỏe khác nếu không được điều trị kịp thời.

Mỗi năm có khoảng 1/50.000 trẻ được chẩn đoán mắc hội chứng thận hư, độ tuổi thường mắc phải là từ 2 - 5 tuổi. Đây là căn bệnh khá hiếm gặp nhưng lại có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe của bé với nhiều đợt tái phát, thậm chí là tái phát thường xuyên.

1. Hội chứng thận thận hư ở trẻ em là gì?

Thận được cấu tạo bởi các mạch máu nhỏ, gọi là tiểu cầu thận. Khi máu di chuyển qua các mạch này, nước và chất thải dư thừa được lọc qua nước tiểu. Protein và các chất khác cơ thể cần sẽ được giữ lại trong máu.

Hội chứng thận hư xảy ra khi các tiểu cầu thận bị hư và không thể lọc máu đúng cách, khiến cho một lượng lớn protein (cụ thể hơn là albumin) bị mất qua nước tiểu. Lượng albumin bị mất này đủ để làm giảm protein trong máu.

Protein có tác dụng giữ nước trong lòng mạch, khi lượng protein trong máu thấp, nước sẽ thoát ra mô kẽ và gây ra một loạt các vấn đề, bao gồm sưng phù các mô trong cơ thể và nhiễm trùng. Tình trạng sưng phù thường xảy ra ở mắt, bụng, 2 chi dưới và bìu (bé trai).

Một số đặc tính khác của hội chứng thận hư trẻ em là làm cho hàm lượng cholesterol và triglycerid tăng cao.

Hội chứng thận hư không phải là một căn bệnh, nó xảy ra khi những căn bệnh khác làm tổn thương các mạch của thận.

tim-hieu-hoi-chung-than-hu-o-tre-em-voh

Có nhiều dấu hiệu giúp nhận biết hội chứng thận hư ở trẻ em (Nguồn: Internet)

1.1 Các dấu hiệu nhận biết hội chứng thận hư ở trẻ em

Những triệu chứng phổ biến của hội chứng thận hư trẻ em có thể nhận biết bằng mắt thường là:

  • Trẻ bị sưng phù ở xung quanh mắt, mắt cá chân, bàn chân.
  • Có bọt trong nước tiểu.
  • Mệt mỏi
  • Mất cảm giác thèm ăn.
  • Cân nặng tăng do chất lỏng tích tụ trong cơ thể.

2. Nguyên nhân gây ra hội chứng thận hư ở trẻ em

Hiện vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân chính xác nhất gây ra hội chứng thận hư. Tuy nhiên, các bác sĩ tin rằng, hội chứng thận hư được gây ra bởi sự phá huỷ các cụm mạch máu nhỏ (tiểu cầu thận) của thận trong cơ thể.

Và có rất nhiều bệnh và tình trạng có thể gây ra tổn thương tiểu cầu thận, dẫn đến hội chứng thận hư. Các nguyên nhân của hội chứng thận hư được chia thành 2 dạng, bao gồm: nguyên nhân nguyên phát và nguyên nhân thứ phát.

2.1 Nguyên nhân nguyên phát hội chứng thận hư

Là một số tình trạng gây hội chứng thận hư chỉ ảnh hưởng đến thận.

  • Bệnh xơ hóa cầu thận khu trú từng phần: Là tình trạng trong đó các cầu thận bị sẹo hóa do một số khiếm khuyết di truyền hoặc không rõ nguyên nhân.
  • Bệnh cầu thận màng: Là bệnh làm cho màng của các tiểu cầu thận dày lên. Nguyên nhân gây nên tình trạng này không rõ nhưng nó có thể xảy ra cùng với các bệnh lupus, viêm gan B, bệnh sốt rét hoặc ung thư.
  • Tổn thương tối thiểu: Là tình trạng các mô thận trông bình thường khi quan sát dưới kính hiển vi, nhưng vì một lý do gì đó mà thận không thể lọc đúng cách.
  • Tắc tĩnh mạch thận: Đây là tình trạng có một cục khối huyết bị tắc nghẽn trong tĩnh mạch đưa máu ra khỏi thận.

tim-hieu-hoi-chung-than-hu-o-tre-em-1-voh

Hiện vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân chính xác nhất gây ra hội chứng thận hư (Nguồn: Internet)

2.2 Nguyên nhân thứ phát hội chứng thận hư

Là một số căn bệnh có thể gây ra hội chứng thận hư ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể:

  • Bệnh tiểu đường: Lượng đường trong máu không được kiểm soát tốt gây tổn thương đến các mạch máu trong khắp cơ thể, kể cả thận.
  • Lupus: bệnh tự miễn gây viêm ở các khớp, thận và nhiều cơ quan khác.
  • Tích đạm trong cơ thể: Đây là bệnh hiếm gặp, gây ra bởi sự tích tụ amyloid protein trong các cơ quan. Chất amyloid có thể tích tụ và làm tổn thương thận.

Ngoài ra, một số loại thuốc kháng sinh và thuốc chống viêm không chứa steroid cũng có liên quan đến hội chứng thận hư.

3. Chẩn đoán và điều trị hội chứng thận hư ở trẻ em

Hội chứng thận hư sẽ được chẩn bằng các xét nghiệm máu và nước tiểu. Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ kiểm tra huyết áp, đo chiều cao và cân nặng của trẻ.

Phương pháp chính giúp điều trị hội chứng thận hư ở trẻ chính là dùng steroid (prednisone hoặc prednisolone). Hầu hết các trẻ (khoảng 80%) sẽ đáp ứng điều trị, hết hẳn tình trạng protein trong nước tiểu và hết phù trong 2 tuần đầu tiên.

Các bác sĩ cho biết, hội chứng thận hư ở trẻ được xem là thuyên giảm khi protein trong nước tiểu đo được là âm tính trong 3 ngày liên tiếp. Những trường hợp trẻ có biểu hiện phù, bác sĩ sẽ kê thêm thuốc giảm phù, thường là thuốc lợi tiểu. Nếu triệu chứng phù ở trẻ tăng lên, bé có thể sẽ phải nằm viện để được truyền albumin.

tim-hieu-hoi-chung-than-hu-o-tre-em-2-voh

Những trẻ bị hội chứng thận hư nghiêm trọng bắt buộc phải nhập viện điều trị (Nguồn: Internet)

3.1 Tác dụng phụ có thể gặp trong điều trị

Thuốc sử dụng trong điều trị hội chứng thận hư nếu sử dụng trong thời gian dài có thể gây ra một số tác dụng phụ như: trẻ tăng cân nhanh, thay đổi hành vi như dễ cáu giận, tăng huyết áp, tăng đường máu, kích thích dạ dày.

Thuốc có thể gây đục thủy tinh thể thể nhẹ nhưng sẽ không gây ảnh hưởng đến thị lực của trẻ.

Xương của những trẻ điều trị hội chứng thận hư có thể bị giảm nhẹ lượng chất khoáng nhưng hiếm khi dẫn đến gãy xương hoặc tổn thương xương.

3.2 Trẻ bị hội chứng thận hư có được tiêm vắc-xin?

Trẻ bị hội chứng thận hư vẫn được tiêm tất cả các loại vắc-xin theo chương trình tiêm chủng, trừ những loại vắc-xin sống như: thủy đậu, sởi, lao... Ngoài ra, không nên tiêm vắc-xin trong thời gian trẻ điều trị với thuốc liều cao hoặc bất cứ loại thuốc ức chế miễn dịch nào khác ngoài nhóm steroid.

Trẻ có thể tiêm phòng vắc-xin sau một tháng dừng dùng thuốc hoặc giảm từ liều cao xuống liều thấp, tuy nhiên tốt nhất vẫn nên trao đổi với bác sĩ trước khi tiêm phòng cho trẻ.

4. Cách theo dõi hội chứng thận hư ở trẻ em tại nhà

Cha mẹ có thể theo dõi tình trạng sức khỏe của trẻ bằng cách kiểm tra nước tiểu của trẻ mỗi ngày. Không cần thiết phải thử nước tiểu mỗi buổi sáng nhưng cha mẹ nên kiểm tra nước tiểu của trẻ khoảng 3 ngày liên tiếp sau khi trẻ dùng steroid được 7 ngày hoặc khi trẻ cải thiện biểu hiện phù.

Khi kết quả thử nước tiểu 3 ngày liên tiếp đều không có protein trong nước tiêu thì chứng tỏ bệnh đã đạt được sự thuyên giảm. Do bệnh thận hư ở trẻ có thể bị tái phát chính vì thế, việc phát hiện protein bằng que thử có thể làm giảm mức độ nặng của đợt tái phát bệnh.

Nếu trẻ chỉ xuất hiện protein trong 1 hoặc 2 ngày thì điều này hoàn toàn bình thường và chúng sẽ thường tự biến mất.

Tuy nhiên, nếu kết quả protein thể hiện 3+ (dương tính) trong 3 ngày liên tiếp có nghĩa trẻ đã bị tái phát hội chứng thận hư, cha mẹ cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị ngay. Ngoài ra, cha mẹ cũng cần đưa trẻ đi khám bác sĩ ngay lập tức khi trẻ có một trong các triệu chứng sau đây: sốt, đau bụng nhiều, phù hoặc đau tay chân, nôn hoặc tiêu chảy.