Tim thòng là gì, có nguy hiểm không?

(VOH) - Nhiều người thường lo lắng khi được bác sĩ chẩn đoán mắc chứng bệnh tim thòng. Vậy tim thòng là gì, có nguy hiểm hay không?

1. Tim thòng là gì?

Bệnh tim thòng thuộc chứng tim to. Thuật ngữ “tim to” dùng để chỉ các buồng bơm của trái tim bị nới rộng ra. Nói cách khác, tim thòng là tình trạng tim lệch phải hoặc lệch trái, kích thước của tim tăng quá mức bình thường do buồng tim bị giãn rộng hoặc do cơ tim phì đại, hay thậm chí có thể do bẩm sinh.

tim-thong-la-gi-co-nguy-hiem-khong-voh-1

Tim thòng thuộc chứng tim to (Nguồn: Internet)

2. Nguyên nhân gây tim thòng

Bệnh tim thòng không có lý do rõ ràng, nhưng nó có thể được gây ra bởi một số yếu tố như:

  • Tăng huyết áp: Huyết áp cao có thể làm cho tim phải bơm mạnh hơn để cung cấp máu cho các cơ quan trong cơ thể. Tình trạng này kéo dài liên tục mà người bệnh không điều trị sẽ có nguy cơ bị tim thòng.
  • Bệnh van tim: Van trong tim giữ cho máu chảy đúng hướng, nếu các van bị hỏng, tim có thể to ra.
  • Dị tật tim bẩm sinh: Có nhiều loại dị tật tim bẩm sinh có thể dẫn đến tim giãn rộng, ảnh hưởng đến lưu lượng máu qua tim, buộc nó phải bơm mạnh hơn.
  • Rối loạn nhịp tim: Nếu mắc chứng loạn nhịp tim, tim cố gắng bơm máu hiệu quả như tim bình thường thì bạn có nguy cơ cao bị tim thòng hơn những người khác.

Nhìn chung, các yếu tố làm tăng nguy cơ tim to, tim thòng chủ yếu xuất phát từ các vấn đề bất thường ở tim hoặc các tổn thương tại tim.

3. Triệu chứng khi bị tim thòng

Thông thường, do tim to, tim thòng nên trái tim không thể bơm máu đủ để cung cấp oxy và chất dinh dưỡng nuôi cơ thể nên gây ra các triệu chứng sau:

  • Khó thở.
  • Phù nề dưới da, phù cơ, phù chân, mắt cá chân.
  • Mệt mỏi.
  • Mặt bị sưng.
  • Nhịp tim không đều, tim đập nhanh.

Chứng tim thòng có thể được nhìn thấy trên X-quang ngực trước khi thực hiện các xét nghiệm như siêu âm tim để chẩn đoán.

4. Tim thòng có nguy hiểm không?

Tim thòng có nguy hiểm không phụ thuộc vào mức độ tim giãn rộng bao nhiêu. Trên thực tế, những trường hợp tim thòng nặng có khả năng dẫn đến suy tim.

Ngoài ra, người bệnh có nguy cơ gặp các biến chứng như:

  • Đông máu: Tim to có thể tạo điều kiện hình thành huyết khối trong niêm mạc tim. Nếu huyết khối xâm nhập vào mạch máu, nó sẽ tạo nên các tình trạng nguy hiểm như đau tim.
  • Tiếng thổi của tim: Đối với những người có tim giãn rộng, 2 trong 4 van tim có thể không đóng đúng, dẫn đến dòng chảy của máu ngược lại, dòng chảy này tạo ra âm thanh gọi là tiếng thổi tâm thu. Tuy không có hại nhưng tình trạng này cần được bác sĩ theo dõi chặt chẽ.

Trong một số trường hợp tim thòng cũng có thể dẫn đến tình trạng ngừng tim và tử vong đột ngột. Vì vậy, nếu có những dấu hiệu cảnh báo tim thòng thì bạn nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa tim mạch để thăm khám và được hướng dẫn điều trị.

5. Tim thòng điều trị bằng cách nào?

Các biện pháp điều trị tim thòng hướng đến mục đích ngăn không cho tim to hơn nữa, đồng thời khôi phục sức mạnh của cơ tim. Các biện pháp bao gồm:

5.1 Dùng thuốc

Người bệnh sẽ được bác sĩ hướng dẫn sử dụng một số loại thuốc như:

  • Thuốc hạ huyết áp.
  • Thuốc hạ mỡ máu.
  • Thuốc điều trị rối loạn nhịp tim.
  • Thuốc chống đông máu.

Lưu ý: Hãy tuân theo những chỉ định dùng thuốc của bác sĩ.

5.2 Phẫu thuật

Nếu nguyên nhân gây tim thòng là nhồi máu cơ tim hoặc bệnh mạch vành thì có thể tiến hành đặt stent mạch vành hoặc nong mạch. Nếu nguyên nhân gây tim thòng do người bệnh bị hở/hẹp van tim thì có thể tiến hành thay hoặc sửa van tim.

Bên cạnh việc điều trị tim thòng theo chỉ cần của bác sĩ, người bệnh nên:

tim-thong-la-gi-co-nguy-hiem-khong-voh-1

Khám tim định kỳ để phòng ngừa các bệnh tim mạch (Nguồn: Internet)

  • Luyện tập các bài tập thể dục thể thao tốt cho tim mạch.
  • Hạn chế ăn muối và chất béo trong chế độ ăn mỗi ngày.
  • Bỏ thuốc lá, tránh hít khói thuốc lá.
  • Ngủ đủ giấc, hạn chế căng thẳng, stress.
  • Không sử dụng các sản phẩm có chứa chất kích thích như cà phê, rượu, bia…
  • Khám sức khỏe tim mạch định kỳ.

Các vấn đề về tim mạch luôn tìm ẩn những mối nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng, do vậy, bạn đừng chủ quan với bất kỳ triệu chứng nào, kể cả chứng tim thòng. Việc điều trị sớm luôn là cơ hội chữa bệnh hiệu quả và nhanh chóng.