Tổng hợp thức ăn dinh dưỡng cho bà bầu theo từng tháng

(VOH) – Cung cấp thức ăn dinh dưỡng cho bà bầu trong thai kỳ rất trọng bởi nó là cơ sở cho sự phát triển của thai nhi. Nếu mẹ bầu bị gầy, thiếu dinh dưỡng, trẻ sinh ra dễ bị nhẹ cân và suy dinh dưỡng.

Muốn con sinh ra được khỏe mạnh, mỗi người mẹ cần phải biết chăm sóc sức khỏe ngay khi biết mình có thai. Một chế độ dinh dưỡng hợp lý cho bà bầu theo từng tháng sẽ giúp thai nhi dung nạp đủ dưỡng chất cần thiết để phát triển trong suốt thai kỳ và nó cũng là một yếu tố quyết định đến sức khỏe của trẻ khi sinh ra.

1. Để có sức khỏe tốt bà bầu cần ăn gì?

Trong suốt thời kỳ mang thai, người mẹ cần tăng từ 10 – 12kg so với trước khi có thai. Việc tăng cân thích hợp đối với thai phụ sẽ là:

  • 3 tháng đầu tăng 1kg
  • 3 tháng giữa tăng từ 3 – 5kg
  • 3 tháng cuối tăng 5 – 6kg

Khi còn trong bụng mẹ, dinh dưỡng của trẻ sẽ phụ thuộc vào chế độ dinh dưỡng của người mẹ nên mẹ cần phải ăn đầy đủ 4 nhóm thực phẩm sau:

  • Nhóm chất bột gồm: gạo, mì, ngô, khoai...
  • Nhóm chất đạm gồm: thịt, cá, tôm, cua, trứng...
  • Nhóm chất béo gồm: dầu, mỡ, vừng, lạc...
  • Nhóm vitamin, khoáng chất và chất xơ gồm: các loại rau có màu xanh đậm và các loại quả chín.

Ngoài ra, mẹ bầu cần phải đi khám thai định kỳ và uống bổ sung các loại thuốc bổ, các viên đa vitamin theo chỉ định của bác sĩ để bổ sung các vi chất cần thiết cho cơ thể.

2. Chế độ dinh dưỡng cho bà bầu theo từng tháng

2.1 Dinh dưỡng cho bà bầu tháng thứ nhất

Vào tháng đầu thai kỳ, cơ thể người mẹ bắt đầu thay đổi, hormone nội tiết tố tăng lên khiến mẹ bầu thường xuyên có cảm giác buồn nôn và khó chịu bụng. Mẹ bầu cũng gặp khó khăn trong việc kết hợp ăn uống đủ chất. Vì thế, chế độ dinh dưỡng cho bà bầu tháng thứ 1 có thể áp dụng như sau:

  • Ăn một bữa ăn nhẹ giàu carbohydrate khoảng 15 – 20 phút khi vừa thức dậy. Các món ăn có thể là bánh quy mặn, các loại hạt, ngũ cốc hoặc trái cây sấy khô.
  • Chia bữa ăn thành 6 bữa thay vì 3 bữa như trước đây.
  • Chọn các loại thực phẩm dễ tiêu hóa, kết hợp ăn thực phẩm giàu tinh bột cùng nguồn protein từ thịt gà và cá. Uống thêm sữa dành cho bà bầu và các chế phẩm từ sữa vào buổi sáng và tối.
  • Uống nước giữa các bữa ăn, không nên uống trong bữa ăn.
  • Tránh ăn các loại thức ăn khó tiêu, nhiều chất béo, chiên, rán, ngọt hoặc cay vì chúng sẽ khiến tình trạng ốm nghén càng thêm tồi tệ.

Lưu ý: Nên bổ sung axit folic trong giai đoạn này vì nó rất quan trọng đối với sự phát triển của thai nhi và giúp phòng ngừa dị tật ống thần kinh.

2.2 Dinh dưỡng cho bà bầu tháng thứ 2

tong-hop-thuc-an-dinh-duong-cho-ba-bau-theo-tung-thang-voh

Bà bầu mang thai tháng thứ 2 cần có sự đa dạng về thực phẩm (Nguồn: Internet)

Mặc dù vẫn còn triệu chứng ốm nghén nhưng các loại thức ăn dinh dưỡng cho bà bầu tháng thứ 2 cũng nên có sự đa dạng và nằm trong nhóm thực phẩm thiết yếu như: Ngũ cốc, bánh mì, rau, trái cây, sữa và các chế phẩm từ sữa, thịt và các loại đậu.

Ngoài ra, mẹ bầu nên hạn chế các loại thức ăn nhiều calorie, chất béo và đường. Axit folic vẫn đóng vai trò quan trọng trong tháng thứ 2 thai kỳ và mẹ cũng đừng quên uống 2 ly sữa ít béo mỗi ngày để bổ sung canxi cho cơ thể.

2.3 Dinh dưỡng cho bà bầu tháng thứ 3

Nếu như trong 2 tháng đầu tiên, bà bầu không thể ăn uống theo chế độ ăn đề ra do bị ốm nghén, mệt mỏi, mất ngủ, thì đến tháng thứ 3 cơ thể mẹ bầu sẽ có những chuyển biến tích cực, triệu chứng ốm nghén cũng sẽ giảm dần.

Cách bổ sung dinh dưỡng cho bà bầu vào tháng thứ 3 sẽ là: Ăn 3 bữa chính và 2 – 3 bữa ăn nhẹ mỗi ngày. Ngoài ra, mẹ bầu nên tạo thói quen ăn nhiều rau và các thực phẩm giàu chất xơ, vitamin và khoáng chất trong bữa ăn.

Uống nhiều nước mỗi ngày và có thể bổ sung thêm chất lỏng tử các loại trái cây tươi, nước ép trái cây, sinh tố,... Đồng thời, duy trì việc uống sữa đều đặn mỗi ngày.

2.4 Dinh dưỡng cho bà bầu tháng thứ 4

Ở tháng thứ 4, mẹ bầu nên chú trọng nhiều hơn vào việc duy trì và đảm bảo một chế độ dinh dưỡng đa dạng và cân bằng. Trong thời gian này, mẹ nên ăn nhiều thực phẩm giàu sắt để ngăn ngừa nguy cơ thiếu máu khi mang thai.

Thức ăn giàu sắt có thể tìm thấy ở thịt gà, các loại đậu, rau màu xanh đậm. Để tăng cường sự hấp thụ sắt, mẹ bầu nên bổ sung thêm các loại thực phẩm giàu vitamin C hoặc bác sĩ có thể sẽ yêu cầu thai phụ uống viên sắt nếu cần thiết.

Không bỏ bữa hoặc nhịn ăn trong giai đoạn này. Duy trì thời gian ăn điều độ để cơ thể được cung cấp dưỡng chất và ngăn ngừa chứng buồn nôn, ợ nóng, mệt mỏi và buồn ngủ.

2.5 Dinh dưỡng cho bà bầu tháng thứ 5

Cơ thể mẹ bầu lúc này đã dần to ra, nguyên nhân là do cơ thể tích quá nhiều nước. Vì vậy, trong chế độ dinh dưỡng dành cho bà bầu sẽ phải hạn chế ăn mặn, tránh thực phẩm nhiều muối như khoai tây chiên, đồ ăn chế biến sẵn, dưa chua, các loại thịt xông khói...

Uống từ 2 – 2.5 lít nước mỗi ngày để lọc bớt những chất lỏng không cần thiết trong cơ thể. Đừng quên uống 1 – 2 ly sữa mỗi ngày để cung cấp nhiều dưỡng chất cho thai nhi nhé!

2.6 Dinh dưỡng cho bà bầu tháng thứ 6

Khi bước sang tháng thứ 6, mẹ bầu sẽ thường xuyên cảm thấy bị đói do em bé lớn và cần nhiều dinh dưỡng hơn. Khác hơn một tí so với dinh dưỡng cho bà bầu những tháng đầu, phụ nữ mang thai 6 tháng cần ‘đáp ứng’ cơn đói bằng thực phẩm lành mạnh. Ngoài các loại thực phẩm thiết yếu như ngũ cốc, rau, trái cây, sữa, thịt... thì có thể bổ sung thêm chất béo lành mạnh.

Nên chọn các loại thức ăn chứa nhiều carbohydrate như: yến mạch, gạo nâu.. Ngoài ra, nếu có chỉ định từ bác sĩ uống vitamin thì thai phụ cần phải uống theo toa hướng dẫn.

2.7 Dinh dưỡng cho bà bầu tháng thứ 7

Mặc dù bà bầu ở tháng thứ 7 sẽ không phải chịu cảnh ốm nghén nhưng lại phải đối diện với chứng ợ nóng, táo bón, phù nề chân tay, mệt mỏi và buồn ngủ. Vì thế chế độ dinh dưỡng của bà bầu trong tháng thai kỳ này sẽ là:

  • Không để dạ dày rỗng trong thời gian dài và khi ăn tuyệt đối không ăn quá no. Các bữa ăn nên cách 3 giờ/lần, tránh ăn các loại thức ăn chiên, nhiều dầu mỡ và thức ăn cay.
  • Không ăn các loại thực phẩm chứa nhiều natri từ muối có trong các loại thực phẩm đóng hộp, dưa chua, nước sốt, khoai tây chiên.
  • Nên bổ sung nhiều chất xơ và uống nhiều nước để ngăn ngừa táo bón.
  • Cần ăn nhiều thịt gà, thịt đỏ, các loại đậu, rau xanh và thực phẩm giàu vitamin C để cơ thể dễ hấp thu.
  • Cung cấp omega -3 cho cơ thể để giúp tăng cường sự phát triển trí não của trẻ.

tong-hop-thuc-an-dinh-duong-cho-ba-bau-theo-tung-thang-1-voh

Nên bổ sung nhiều rau củ và trái cây trong những tháng cuối thai kỳ (Nguồn: Internet)

2.8 Dinh dưỡng cho bà bầu tháng thứ 8

Đối với những thai phụ đã bước sang tháng thứ 8 thì nên bắt đầu quan tâm đến dinh dưỡng tốt cho cả thai nhi và cho con bú sau này.

Ngoài việc bổ sung omega-3 và vitamin từ các nguồn bổ sung khác theo tư vấn của bác sĩ thì mẹ cũng có thể ăn những thực phẩm giàu omega-3 trong 3 tháng cuối thai kỳ. Ngoài ra, lúc này cơ thể cũng sẽ cần đến những chất béo lành mạnh từ các loại hạt, quả óc chó, cá hồi....

2.9 Dinh dưỡng cho bà bầu tháng thứ 9

Đây là tháng cuối cùng trong thai kỳ, mặc dù mẹ sẽ rất bận rộn trong việc chuẩn bị đồ đi sinh nhưng cũng đừng lơ là việc ăn uống. Mẹ có thể lên thực đơn mỗi ngày cho mình theo gợi ý sau:

  • Chia nhỏ bữa ăn, tránh việc bỏ bữa, nhịn ăn.
  • Tiêu thụ thêm nhiều thực phẩm giàu canxi để xương chắc khỏe, đồng thời chuẩn bị cho việc ‘xuất’ sữa cho con bú sau này.
  • Uống nhiều nước, tránh ăn mặn để ngăn ngừa chứng phù nề.
  • Nạp thêm nhiều chất béo lành mạnh. Ăn nhiều rau, trái cây để phòng ngừa táo bón.
  • Không được quên bổ sung chất sắt và omega-3 để ngăn ngừa chứng thiếu máu, thiếu sắt và giúp trí não bé phát triển toàn diện.
  • Uống vitamin và khoáng chất bổ sung theo hướng dẫn bác sĩ.
  • Tránh những loại thức ăn chưa chín, phô mai chưa tiệt trùng để ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh.

Nhìn chung, một chế độ dinh dưỡng cho bà bầu sẽ cần phải được bổ sung đủ các dưỡng chất, không nên thừa cũng không nên thiếu. Hi vọng, một vài chia sẻ trên đây sẽ giúp các mẹ có được những thông tin hữu ích để xây dựng cho mình một thực đơn hợp lý.