Trẻ bị khò khè nhiều khi trời lạnh có phải do viêm phế quản?

(VOH) – Hiện tượng trẻ bị viêm phế quản thở khò khè thường khiến bé vô cùng mệt mỏi. Vậy làm thế nào để có thể giúp bé thoát khỏi tình trạng này? Cùng lắng nghe lời giải đáp từ BS Nguyễn Thị Bay.

Câu hỏi thính giả

Chào bác sĩ

Cháu tôi bị viêm phế quản từ lúc 3 tuổi cho đến giờ đã 7 tuổi nhưng trị hoài vẫn không hết. Tôi đã đưa cháu đi chữa trị rất nhiều nơi, đi lên bệnh viện Nhi Đồng chữa cũng không hết. Mỗi khi đêm tối trời lạnh thì cháu bị khò khè dữ lắm. Nhờ bác sĩ Bay có thể chỉ dùm tôi làm cách nào để cho cháu tôi bớt bệnh. Xin cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Nguyễn Thị Bay (BV Đại học Y dược TPHCM) ) tư vấn:

tre-bi-kho-khe-nhieu-khi-troi-lanh-co-phai-do-viem-phe-quan-voh

Trẻ bị khò khè nhiều về đêm phần lớn là do bệnh hen phế quản gây ra (Nguồn: Internet)

Chào chị, với chia sẻ của chị thì cháu bé nhà chị đã bị viêm phế quản từ lúc 3 tuổi và đã kéo dài cho tới bây giờ. Theo mô tả của chị là bé khò khè rất nhiều thì tôi nghĩ có thể cháu đã bị viêm phế quản dạng hen hoặc đã chuyển sang hen phế quản, với tình trạng bị hen suyễn vào ban đêm. Ban đêm đặc biệt là khi thời tiết chuyển sang lạnh sẽ làm xuất hiện các cơn hen do phế quản bị co thắt và sau đó là những cơn khó thở xuất hiện.

Thông thường đối với trẻ bị hen phế quản, phải sử dụng các loại khí dung hai lần một ngày, một lần vào mỗi tối trước khi đi ngủ và một lần vào buổi sáng sau khi thức dậy. Nếu cơn hen ít thì buổi tối trước khi đi ngủ xịt 1 – 2 lần để ngăn ngừa việc xuất hiện cơn hen phế quản vào thời điểm từ 0 giờ đến 1, 2 giờ sáng (thời điểm trời chuyển lạnh).

Tuy nhiên, chị cần lưu ý, hen phế quản nếu kèm theo viêm phế quản thì đây là bệnh lý viêm mạn tính nên việc chăm sóc và điều trị sẽ khó khăn hơn. Nếu chị đã đưa cháu đi chữa tại bệnh viện Nhi Đồng thì chị vẫn nên kiên trì việc thăm khám tại đây để thực hiện đúng theo phác đồ điều trị của bác sĩ. Nếu là hen phế quản thì có thể qua 7 tuổi cháu sẽ hết hoặc nếu chữa đúng chữa dứt điểm thì đến thời điểm trẻ bắt đầu thay đổi nội tiết thì bệnh sẽ hết, còn nếu không hết thì bé có thể sẽ bị hen suốt đời. 

Do đó, việc cho cháu tiếp tục điều trị ở bệnh viện Nhi Đồng để bác sĩ cho phác đồ và chị phải tuân thủ đúng theo phác đồ của bác sĩ là cần thiết. Chị không nên tự ý ngừng việc điều trị vì bệnh viêm phế quản mạn tính ở trẻ em nếu có kèm theo hen phế quản và khó thở thì rất là khó chữa và nếu không chữa tốt sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ, ảnh hưởng đến lồng ngực và hơi thở, thậm chí miệng và vòm hầu của bé cũng sẽ bị ảnh hưởng. 

Ngoài ra chị cũng cần phải lưu ý một số điều sau:

  • Luôn giữ ấm cơ thể của bé.
  • Không nên cho bé uống nước đá, thay vào đó nên cho bé uống nước ấm. Thức ăn cũng nên ăn thức ăn nóng, ấm. 
  • Giữ ấm cổ cho bé, mỗi khi đi ra ngoài phải đeo khẩu trang để tránh khói bụi, khói, thuốc lá... 
  • Đồng thời giúp bé vệ sinh cơ thể thật tốt và tuân thủ phác đồ điều trị để giúp bé nhanh khỏi bệnh.

Tài liệu tham khảo

Kiến thức trong bài viết được tham khảo từ những trao đổi với Bác sĩ Nguyễn Thị Bay trong chương trình Phòng Mạch FM phát sóng trên VOH Radio - Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM.

Dấu hiệu nhận biết bệnh hen suyễn ở trẻ em và cách điều trị : Hen suyễn là 1 vấn đề cần phải được quan tâm đúng mực, nhất là với trẻ em, bởi tỷ lệ trẻ mắc bệnh hen suyễn đang ngày càng tăng cao. Vậy hen suyễn ở trẻ em là bệnh lý như thế nào?

Tình trạng khò khè ở trẻ em do nguyên nhân gì? Cách điều trị hiệu quả : Tình trạng khò khè ở trẻ nhỏ là dấu hiệu nhận biết của nhiều bệnh lý ở đường hô hấp mà cha mẹ cần chú ý trong quá trình chăm sóc bé.