Trẻ bị khò khè: Triệu chứng và cách phân biệt tiếng khò khè qua hơi thở

(VOH) – Khò khè là một trong những bệnh lý đường hô hấp rất thường gặp ở trẻ em. Nhận biết được triệu chứng khò khè ở trẻ sẽ giúp cha mẹ xác định liệu bé có gặp vấn đề ở đường hô hấp hay không?

Khò khè là tình trạng tắc nghẽn của đường hô hấp dưới (đoạn từ khí quản dưới cho đến các nhánh phế quản nhỏ). Khi có tình trạng tắc nghẽn ở vị trí đó, tiếng thở của trẻ phát ra sẽ kèm theo tiếng khò khè. Đây là căn bệnh thường hay gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi, đặc biệt là trẻ trong độ tuổi từ 2 đến 3 tuổi. 

1. Những triệu chứng khò khè ở trẻ em cha mẹ cần lưu ý

Bác sĩ Trịnh Hồng Nhiên (Trưởng khoa Hô hấp, BV Nhi Đồng TP) cho biết, khò khè là tiếng thở có âm sắc rất đặc trưng, vì thế cha mẹ có thể nhận biết được tình trạng khò khè thông qua hơi thở của trẻ. Tuy nhiên, có một số triệu chứng khò khè là dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm cha mẹ cần đặc biệt lưu ý. Đó là:

1.1 Bé khò khè ở cả 2 thì hô hấp

Khi quan sát hơi thở của bé, cha mẹ phải nghe được tiếng khò khè phát ra ở thì hô hấp nào (lúc bé thở ra hay cả lúc hít vào và thở ra). Nếu tiếng khò khè phát ra ở cả 2 thì hít vào – thở ra thì nhiều khả năng trẻ đang bị tắc nghẽn vùng khí quản. Đây là một tình trạng nguy hiểm vì có thể khiến trẻ bị thiếu oxy. Do đó, nếu nghe được trẻ thở khò khè ở cả 2 thì, cha mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám kỹ càng.

1.2 Tình trạng khò khè xuất hiện sớm

tre-bi-kho-khe-trieu-chung-va-cach-phan-biet-tieng-kho-khe-qua-hoi-tho-voh

Tình trạng khò khè ở trẻ xuất hiện sớm là một dấu hiệu cha mẹ cần đưa trẻ đi thăm khám sớm (Nguồn: Internet)

Do tình trạng khò khè có thể nhận biết thông qua tiếng thở của trẻ, vì thế cha mẹ có thể nhận biết được rất sớm trường hợp trẻ bị khò khè. Và với những trường hợp trẻ xuất hiện khò khè rất sớm, đặc biệt là trẻ dưới 3 tháng tuổi thì cần hết sức chú ý, bởi đó có thể là biểu hiện của nhiều bệnh lý nặng nề.

Việc chẩn đoán lâm sàng đối với trường hợp trẻ nhỏ bị khò khè cũng sẽ phức tạp hơn, đôi khi còn phải bắt buộc làm thêm một số xét nghiệm như: chụp X-quang, chụp CT hoặc những xét nghiệm chuyên sâu hơn nhằm giúp phát hiện ra những bệnh lý làm tắc nghẽn đường thở.

1.3 Trẻ thở khò khè kéo dài

Khò khè kéo dài trên 4 tuần cũng là một dấu hiệu cha mẹ cần phải lưu ý đưa trẻ đi thăm khám sớm. Thông thường, tình trạng khò khè kéo dài là dấu hiệu phản ánh đường thở đang bị tắc nghẽn, không được phục hồi, nó có thể làm nền cho một bệnh lý nào đó nếu không được phát hiện và điều trị.

Ngoài ra, nếu trẻ có tình trạng khò khè kèm theo các triệu chứng như: bị nôn ói nhiều, không chịu bú mẹ, khó thở.... thì cha mẹ cũng cần nên đưa  trẻ đi thăm khám càng sớm càng tốt.

2. Cách phân biệt tiếng khò khè, thở rít và nghẹt mũi ở trẻ em

Theo bác sĩ Trịnh Hồng Nhiên, hơi thở trẻ phát ra có nhiều âm sắc cũng như âm thanh khác nhau, dựa vào đó chúng ta có thể phân biệt được âm thở của trẻ để chẩn đoán tình trạng của con. Đối với âm thở của trẻ, hiện được chia thành 3 loại âm thở chính mà cha mẹ có thể nghe được, đó là: tiếng khò khè, tiếng thở rít và tiếng nghẹt mũi.

Cách phân biệt như sau:

Khò khè Thở rít Nghẹt mũi

Là tình trạng tắc nghẽn ở đường hô hấp dưới. Thường gặp ở những trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ dưới 3 tuổi.

Nhận biết: Trẻ có những âm thở với âm sắc tương đối trầm. Chủ yếu nghe được ở thì thở ra, đôi khi có thể nghe được ở cả 2 thì.

Nguyên nhân: Do đường thở của bé còn nhỏ và mềm, nên khi đường hô hấp dưới bị tắc nghẽn trẻ sẽ thở ra tiếng khò khè.

Thường xảy ra với những trường hợp trẻ bị tắc nghẽn đường hô hấp trên (vùng cổ, thanh quản, khí quản trên...).

Nhận biết: Tiếng thở rít thường có âm sắc rất cao, giống tiếng rít. Thường nghe được ở thì hít vào, đối khi xuất hiện ở cả 2 thì.

Nguyên nhân: Đường hô hấp trên bị tắc nghẽn.

 

Là một trong những âm thở thường được nghe nhiều nhất ở trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ dưới 3 tháng tuổi.

Nhận biết: Có thể nhận biết bằng cách nghe âm sắc hơi thở, thường sẽ nghe được tiếng “khục khịch, khục khịch” ở tại vị trí mũi.

Nguyên nhân: Do bé chưa biết thở bằng đường miệng. Vì thế, chỉ cần trong mũi bé có dịch mũi thì bé thở ra tiếng nghẹt mũi.

3. Điều trị khò khè ở trẻ em như thế nào?

Bác sĩ Trịnh Hồng Nhiên cho biết, có rất nhiều phụ huynh áp dụng sai cách điều trị và phòng ngừa tình trạng khò khè ở trẻ em, dẫn đến chứng khò khè ngày càng nghiêm trọng và tái phát nhiều lần. Một số sai lầm thường gặp trong việc điều trị trẻ bị khò khè là:

  • Sử dụng khí dung: Nhiều gia đình thường sử dụng biện pháp khí dung đối với những trường hợp trẻ bị khò khè. Tuy nhiên, nếu phun khí dung bằng thuốc giãn phế quản thì hầu như nó chỉ có tác dụng với những trường hợp khò khè do hen suyễn. Nếu khò khè do nguyên nhân khác thì việc phun khí dung sẽ không có nhiều tác dụng.
  • Sử dụng nước muối: Dùng nước muối để phun khí dung cũng là biện pháp được nhiều cha mẹ áp dụng. Tuy nhiên, tác dụng của nước muối trong việc điều trị chứng khò khè là không nhiều. Việc cho bé uống đủ nước thay vì phun khí dung bằng nước muối cũng mang đến tác dụng đương tương. 
  • Dùng vật lý trị liệu: Tập vật lý trị liệu chỉ nên thực hiện khi có chỉ định từ bác sĩ, bởi vật lý trị liệu chỉ có thể giải quyết được những trường hợp tắc nghẽn đường hô hấp tạm thời. Không thể loại bỏ được nguyên nhân gốc thì sau thời gian tập vật lý trị liệu trẻ cũng sẽ bị khò khè trở lại.

tre-bi-kho-khe-trieu-chung-va-cach-phan-biet-tieng-kho-khe-qua-hoi-tho-1-voh

Dùng khí dung chỉ hiệu quả với những những trường  hợp trẻ bị khò khè do hen suyễn (Nguồn: Internet)

Như vậy, với những trường hợp trẻ bị khò khè cha me nên đưa bé đến gặp bác sĩ chuyên khoa Nhi để được thăm khám, tìm ra nguyên nhân chính xác dẫn đến tình trạng này là gì. Việc điều trị triệt để nguyên nhân gây khò khè sẽ giúp trẻ tránh được các bệnh lý, cũng như đảm bảo sức khỏe và khả năng phát triển của bé được tốt hơn.

Bạn có thể nghe lại câu trả lời trực tiếp của bác sĩ từ audio dưới đây: